Triển lãm 400 bức tranh của trẻ em yếu thế tại Sài Gòn
400 bức tranh của trẻ em yếu thế được trưng bày triển lãm tại chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Giác Ngộ. (Ảnh: Nguồn Kênh Báo Mới)
Lan tỏa thông điệp, nhận thức và trách nhiệm bảo vệ trẻ em
Triển lãm tranh của các em nhỏ diễn ra đồng thời tại chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Giác Ngộ, với 250 và 150 tác phẩm tương ứng mỗi địa điểm. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện được kể thông qua ngôn ngữ hội họa của các em nhỏ mắc ung thư, bệnh hiểm nghèo, khuyết tật, tự kỷ, trẻ mồ côi…
Không gian trưng bày không chỉ là không gian nghệ thuật để các em thể hiện tài năng, mà còn là nơi các em chia sẻ ước mơ, câu chuyện, tâm tư, tình cảm. Thông qua những bức tranh vẽ đầy màu sắc, người xem có thể hiểu hơn đời sống nội tâm, ước mơ của trẻ em nói chung và trẻ em yếu thế nói riêng.
Hoạt động lan tỏa các thông điệp, nhận thức và trách nhiệm bảo vệ trẻ em (Ảnh: Nguồn Vnexpress)
Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Việt Nam ước mong”, nhân mùa lễ vu lan báo hiếu, nhằm lan tỏa các thông điệp, nhận thức và trách nhiệm bảo vệ trẻ em.
“Việt Nam ước mong” do chương trình Ông Mặt trời (do ông Minh Nhân sáng lập) phối hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chùa Giác Ngộ, chùa Vĩnh Nghiêm, Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel), Trường Đại học Ngoại thương, Quỹ Hy Vọng, Quỹ Mái ấm hạnh phúc, Truyền hình Quốc hội tổ chức.
Trước đó, cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học “Vì một Việt Nam tất thắng” năm 2021 cũng là sân chơi cho các bệnh nhi ung thư, trẻ khuyết tật, tự kỷ, trẻ mồ côi… nhằm cổ động y bác sĩ chống dịch.
Ngay sau cuộc thi, chuỗi triển lãm tranh của các em nhỏ đã được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Trụ sở văn phòng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhà Hát Lớn… Các hoạt động góp phần đem lại những khoảng lặng trong guồng quay cuộc sống, nhắc nhở mỗi người hãy lắng nghe, bảo vệ, chăm sóc trẻ em về thể chất lẫn tinh thần, không chỉ trong gia đình, mà ở cộng đồng, mọi lúc, mọi nơi…
Các bức tranh là những khoảng lặng trong guồng quay cuộc sống (Ảnh: Nguồn Vnexpress)
Với chương trình “Việt Nam ước mong” năm 2022, ban tổ chức còn trưng bày và bán gây quỹ 27 tác phẩm nghệ thuật của 20 hoạ sĩ nổi tiếng như Thành Lễ, Lê Bá Đảng, Lưu Công Nhân… tại chùa Vĩnh Nghiêm. Toàn bộ số tiền thu được sẽ sử dụng để hỗ trợ bệnh nhi ung thư, trẻ em mồ côi, cơ nhỡ hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
Những bức tranh là các câu chuyện, là tâm tư, ước mơ, nguyện vọng của trẻ em yếu thế
Chiều 29/7, tại sảnh rộng khoảng 100 m2 trong chùa Giác Ngộ trưng bày 150 tranh của trẻ yếu thế, thu hút du khách, phật tử đến tham quan. “Các bức vẽ hồn nhiên, mang màu sắc vui tươi. Tôi xúc động hơn khi thấy có một vài tranh mà sau đó chủ nhân đã mất vì ung thư, cảm thấy tiếc cho ước mơ không thành của bé”, chị Diệu Hoa cho biết.
Cùng thời điểm, 250 tác phẩm khác được trưng bày tại chùa Vĩnh Nghiêm, trong không gian rộng hơn 150 m2 ở phía dưới chánh điện.
Tại chùa Giác Ngộ, chị Hạnh Hoa, đến từ Hà Nội xem lại tranh bác sĩ chống dịch Covid-19, tác phẩm cuối cùng của con gái – bé Phương Linh vẽ.
Chị Hạnh Hoa nhìn bức tranh và nhớ cô con gái đã mất của mình (Ảnh: Nguồn Vnexpress)
“Bé vẽ tranh này trên giường bệnh, mỗi lúc khoẻ hơn xíu trong đợt truyền dịch, vô hoá chất điều trị ung thư máu. Một tháng khi hoàn thành tranh thì con mất ở tuổi lên 9, sau hơn 5 năm chống lại căn bệnh quái ác”, người mẹ nói, tay chỉ con gái út xem tranh của chị gái vẽ.
Tại chánh điện chùa Giác Ngộ, chị Nguyễn Thanh Nga từ Thanh Hoá vào xem triển lãm tranh và dự lễ cầu siêu cho các em nhỏ tại đây. Chị nhìn ngắm thật lâu bức vẽ của con trai. Cậu bé qua đời ở tuổi 13 sau hơn một năm điều trị ung thư máu.
Chị Nguyễn Thanh Nga từ Thanh Hoá vào xem triển lãm tranh và dự lễ cầu siêu cho các em nhỏ (Ảnh: Nguồn Vnexpress)
“Sức khoẻ yếu nên mỗi khi bé khoẻ xíu hai mẹ con lại lấy bút màu ra vẽ, tôi gợi ý chủ đề và động viên con cố gắng hoàn thành tranh. Nay nhìn lại tác phẩm cuối lại thêm nhớ thương con vô cùng”, người mẹ 36 tuổi nói.
Bà Sen bật khóc nức nở vì thương nhớ cháu ngoại (Ảnh: Nguồn Vnexpress)
Suốt thời gian xem triển lãm, bà Nguyễn Thị Sen nhiều lần bật khóc, nhớ thương cháu ngoại. “Nhìn thấy hình ảnh của cháu gái treo trên tường tôi không kìm được nước mắt. Số cháu khổ lắm, mẹ bị tâm thần, cha bỏ đi từ nhỏ. Mới 6 tuổi, còn chưa kịp đến trường thì cháu bị ung thư xương, vài tháng sau thì ra đi mãi mãi”, người bà nói.
Một tác phẩm khác được trưng bày tại chùa Giác Ngộ cùng câu chuyện đằng sau bức tranh. Bức tranh được tô điểm bằng những màu sắc đơn thuần nhưng lại lay chuyển trái tim hàng triệu con người. Những tác phẩm của các họa sỹ nhí không đơn thuần thể hiện những tâm tư bé bỏng mà ở đó còn chất chứa những ý nghĩa nhân văn sâu sắc được gửi gắm.
Bức tranh với chủ đề “Thức tỉnh” với nội dung: “Chúng ta cần phải hành động vì ngôi nhà của chúng ta từ những hoạt động nhỏ bé nhất” (Ảnh: Nguồn Kênh Báo Mới)
Anh Trần Quốc Nam xúc động nhiều khi xem được những bức tranh tại triển lãm dù chỉ là thông qua màn ảnh điện thoại: “Dù chưa được thăm quan trực tiếp, chỉ đọc và xem các bức ảnh, thực sự bạn sẽ thấy vô cùng xúc động...Qua các bức vẽ mới thấy cuộc đời , tình người dành cho nhau là vô cùng trân quý, đừng để đến lúc mất đi, mới thấy xót xa..”
Ngoài ra, ban tổ chức chương trình còn tổ chức lễ cầu siêu cho các em nhỏ không may mắn vào ngày 29/7/2022 (tức 1/7 âm lịch). Buổi lễ không chỉ tưởng nhớ các em, cầu nguyện cho linh hồn các em được yên nghỉ, siêu thoát, mà còn là lời nhắn nhủ đến cộng đồng về sự chung tay đóng góp, sẻ chia để mang đến những điều đẹp đẽ, tốt lành hơn.
Chương trình “Việt Nam ước mong” sẽ khai mạc ngày 5/8, đồng thời bắt đầu cho chuỗi tọa đàm tổ chức tại chùa Giác Ngộ với các chủ đề: Nuôi dưỡng Đứa trẻ với trái tim tỉnh thức và hiểu biết, Nghệ thuật chữa lành Đứa trẻ bên trong, Lắng nghe cả khi Đứa trẻ chưa lên tiếng, Để Đứa trẻ được là chính mình.
Qua đó, ban tổ chức mong muốn cộng đồng sẽ dành nhiều hơn nữa sự quan tâm, lắng nghe, chăm sóc, bảo vệ trẻ em cả về thể chất lẫn tinh thần, không chỉ trong gia đình mà còn ở khu phố, cộng đồng, mọi lúc, mọi nơi, nhằm góp phần tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai đất nước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.