Ước mơ được vào đại học để lo cho mẹ và em gái khuyết tật
Bằng nghị lực vươn lên, giờ đây Phúc chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đạt học. Phúc đón chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ ở đường 411 tổ 6A, ấp 3, xã Phước Vĩnh An, H.Củ Chi, TP.HCM. Em gái của Phúc 12 tuổi, thấy khách tới thì cười ngơ ngác rồi nằm ngủ tiếp, ngay trên chiếc ghế gỗ giữa sân.
Em Võ Minh Phúc phụ giúp gia đình làm vườn sau giờ học.
“Sáng thức giấc thấy nhà sập xuống”
“Trước khi mất, ông ngoại cho mẹ em tiền để xây lại căn nhà này, chứ không chắc cả nhà vẫn ở cái nhà nát. Em còn nhớ ngày bé, một hôm thức dậy thì thấy phía nhà sau đổ sụp xuống”, Phúc kể.
Chìa ra đôi bàn tay và đôi bàn chân với những ngón co quắp lại, cô Nguyễn Thị Phượng (mẹ của Phúc) kể: “Từ khi sinh ra, tay chân tôi đã như vậy nên đi xin việc khó lắm. Người ta không dám nhận, sợ làm hỏng việc. Cha tôi trước đây đi bộ đội, mọi người nói tôi có thể bị ảnh hưởng chất độc da cam. Nhưng tôi không được chế độ trợ cấp gì. Từ ngày sinh 2 đứa con, tôi ở nhà chăm các cháu và trồng rau, nuôi gà, giúp cả nhà đỡ được đồng nào đi chợ hay đồng đó”.
Phúc là con đầu lòng, đứa trẻ mang biết bao nhiêu hy vọng và cả những nỗi sợ vô hình rằng con sẽ khiếm khuyết giống mẹ. Cô Phượng kể mình đi siêu âm biết bao lần trước ngày sinh, việc đầu tiên khi Phúc chào đời là cô sờ nắn khuôn mặt, hai tay, hai chân của con rồi mới thở phào nhẹ nhõm vì con lành lặn.
Võ Ngọc Kiều Diễm, em gái của Phúc, chào đời lành lặn, bụ bẫm nhưng dần có những biểu hiện khác lạ. Gần 2 tuổi, Diễm mới chập chững biết đi. Em không quan tâm tới thế giới xung quanh, không cảm xúc vui buồn, không biết nói. Ở tuổi 12, được đi học ở một trường cho trẻ chuyên biệt tại Củ Chi nhưng Diễm không biết chữ, không nói chuyện, đi lại không vững, em vẫn phải được mẹ bón cơm và mới biết gọi “mẹ, mẹ” mới hơn 1 năm trở lại đây.
Phúc thương mẹ, thương ba đi làm cực khổ, càng thương em hơn. Đi đâu xa về Phúc cũng mua bánh cho em. Chúng tôi ngồi ở sân, Phúc thi thoảng quay ra trò chuyện, cười với em, Diễm đáp lại chỉ bằng những cử chỉ đặc biệt. Nhưng Phúc hiểu, đó là tình yêu thương của máu mủ ruột rà.
Trong khó khăn càng mạnh mẽ hơn
Ba Phúc làm công nhân ở một nhà máy sản xuất bao bì tại Long An, đi lại xa xôi vất vả, công việc có tính chất độc hại nhưng thu nhập mỗi tháng chỉ được 4 - 5 triệu đồng. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của cả nhà. Vì gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, Phúc được miễn giảm học phí. Song những chi phí sinh hoạt của cả nhà, tiền khám bệnh, thuốc men cho em gái cũng là con số đáng kể suốt bao năm tháng qua. Càng khó khăn, Phúc càng không cho phép mình bỏ cuộc.
Nam sinh giàu nghị lực xúc động: “Em rất ngưỡng mộ ba mình. Ngày trước, khi em sinh ra, ba em 22 tuổi, ba mới chỉ học hết lớp 12. Nhưng sau đó, ba đi làm đủ nghề rồi tự tích cóp tiền, vừa học vừa làm để nhận bằng tốt nghiệp ĐH. Em là niềm hy vọng của cả nhà, em càng phải cố gắng để không làm mọi người thất vọng”.
Cô Trần Thị Thanh Quang, dạy ngữ văn Trường THPT Củ Chi, cũng là giáo viên chủ nhiệm của Phúc, cho hay Phúc là cậu học sinh học giỏi, bản lĩnh, giàu nghị lực, tính cách vui vẻ, hòa đồng, luôn nhiệt tình hỗ trợ thầy cô và các bạn. Ngoài giờ học, Phúc còn có nghị lực vượt khó phụ giúp chị của mình bán quần áo, đồ ăn vặt trên mạng, kiếm được khoản tiền nhỏ giúp ba mẹ.
“Tôi rất thương Phúc, chỉ mong mọi người hỗ trợ để em được học lên đại học, để cuộc đời em và gia đình em đỡ khổ hơn”, cô Quang chia sẻ.
Với nghị lực vượt khó, Phúc hiện đang ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quan trọng sắp tới. Em đăng ký nguyện vọng 1 vào Học viện Chính trị công an nhân dân. “Em ước mơ được làm việc trong ngành công an để đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Khi em thi đậu học viện này thì cha mẹ em cũng không phải lo học phí cho em trong suốt những năm học”, Phúc bộc bạch.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.