TP.HCM: Xây dựng phương án mới để báo chí quảng bá văn học nghệ thuật
Chủ trì tọa đàm có ông Nguyễn Thọ Truyền - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Tấn Phong - Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh; Tăng Hữu Phong - Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng; ông Bùi Anh Tấn - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Tấn Phong - Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh báo cáo đề dẫn tại tọa đàm.
Ông Nguyễn Tấn Phong nhấn mạnh: “Báo chí, xuất bản đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của xã hội qua các thời kỳ, có tác động sâu sắc đến mỗi cá nhân cũng như cộng đồng xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Đây đều là những phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, đồng thời có mối liên hệ mật thiết với văn hóa, vừa là một bộ phận của văn hóa, vừa là phương tiện chuyển tải, phổ biến văn hóa tới công chúng...”
Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh đánh giá, Thành phố là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục của cả nước. Hoạt động báo chí và văn học nghệ thuật rất sôi động càng thể hiện rõ sự liên hệ, gắn bó mật thiết giữa báo chí và văn học nghệ thuật. Báo chí luôn thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ chính trị đưa thông tin về đời sống xã hội đến bạn đọc, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật; giới thiệu tác phẩm, phê bình... các tác phẩm văn học, nghệ thuật... Qua đó góp phần nâng cao những giá trị đời sống văn hóa, con người thành phố. Thực tiễn gần 40 năm đổi mới cho thấy, báo chí, xuất bản luôn phát huy vai trò xung kích trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa, tham gia tích cực vào việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
“Tọa đàm hôm nay là dịp để lãnh đạo thành phố tiếp tục trao đổi, lắng nghe các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, các cán bộ tuyên giáo các cấp... đóng góp các giải pháp nhằm phát huy tích cực hơn nữa vai trò của báo chí, xuất bản đối với đời sống xã hội, nhất là tham gia quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh...” – Ông Nguyễn Tấn Phong cho biết.
Tọa đàm thu hút gần 200 đại biểu gồm nhà nghiên cứu, sáng tác văn học nghệ thuật, cơ quan quản lý, cơ quan báo chí, những người làm báo, những người hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật tham dự.
Ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh thông tin về công tác quản lý mạng xã hội, thách thức với các cơ quan báo chí chính thống. Theo đó, trong thời gian vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu, xây dựng các đề án để quản lý một cách có hiệu quả hơn các mạng xã hội hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam: “Việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn, nhiều tài khoản mạng xã hội được tạo ở nước ngoài, thông tin xuyên biên giới, sever ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhiều mạng xã hội không có văn phòng đại diện tại Việt Nam... Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị điều chỉnh hành lang pháp lý, yêu cầu các cơ quan, công ty quản lý mạng xã hội phải có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Vừa qua, Bộ thông tin và Truyền thông đã tổng thanh tra toàn diện hoạt động mạng xã hội tiktok tại Việt Nam. Sắp tới, Bộ sẽ có những can thiệp về mặt kỹ thuật, để kiểm soát hiệu quả các mạng xã hội...”.
Ông Lâm Đình Thắng cho biết thêm, trong 5 tiktoker nổi tiếng nhất tại TP Hồ Chí Minh theo thống kê trong vòng một tháng vừa qua, đạt 18.000.000 triệu lượt view, tổng lượt follow đạt trên 62.000.000. Đó là một thách thức rất lớn đối với cơ quan quản lý lẫn cơ quan báo chí. Nếu tận dụng được sự ảnh hưởng của các tiktoker trong việc quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, không gian văn hóa TP Hồ Chí Minh một cách thành công sẽ mang lại hiệu quả.
Ths Phạm Duy Phúc – Giảng viên Khoa báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Thạc sĩ Phạm Duy Phúc nhận định, hiện nay vị thế báo chí truyền thống đang bị tác động, ảnh hưởng từ mạng xã hội: “Báo chí đang gặp khó khăn lớn, vẫn phải đang tìm giải pháp hiệu quả để hoạt động một cách hiệu quả trước những thay đổi, ảnh hưởng và cạnh tranh vô cùng to lớn từ mạng xã hội...”.
Liên quan đến vai trò của báo chí với sự phát triển của văn học cũng những thách thức, Thạc sĩ Phạm Duy Phúc nhận diện có 3 vấn đề: (1) Báo chí Việt Nam đã từng bước giảm đi các cấp độ, mức độ của văn học để trở thành loại hình sản xuất, cập nhật tin tức thời sự chuyên biệt đúng tính chất và chức năng; (2) Dưới những tác động khách quan, chất lượng giới thiệu tác phẩm văn chương, phê bình văn học nghệ thuật trên báo chí bị suy giảm; (3) Các cuộc thi sáng tác văn chương từng góp phần đáng kể cùng báo chí quảng bá, giới thiệu các nhà văn trẻ, tiềm năng đang thưa thớt dần, manh mún...
PGS. TS Trần Luân Kim bàn về vấn đề văn học nghệ thuật trong diện mạo mới của TP Hồ Chí Minh.
Với thực trạng hiện tại, về tình hình phát triển văn học nghệ thuật tại TP Hồ Chí Minh, PGS. TS Trần Luân Kim đề xuất 4 giải pháp để nâng cao vai trò của báo chí với việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gồm: (1) Xây dựng kế hoạch dài hạn, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu cho cả đội ngũ sáng tác báo chí và sáng tạo văn học nghệ thuật; (2) Các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí và chính người dùng cần có các biện pháp kiểm soát, sử dụng hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; (3) Phối hợp chặt chẽ giới giới văn học nghệ thuật và báo chí để giới thiệu, phân tích, đánh giá, phê bình một cách hiệu quả hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm mới; (4) Các cơ quan quản lý cần có chính sách hỗ trợ, duy trì phát triển cũng như chính sách quảng, xuất khẩu văn học, nghệ thuật của Việt Nam ra thị trường quốc tế.
TS Quách Thu Nguyệt đóng góp ý kiến, tham luận về vấn đề “Làm gì để thế hệ trẻ yêu quý, giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa của TP Hồ Chí Minh?”.
Tọa đàm đã nhận được 37 tham luận từ các các cơ quan báo chí, xuất bản, các địa phương, đơn vị, một số nhà nghiên cứu. Mỗi tham luận là mỗi góc nhìn khác nhau về mối quan hệ giữa báo chí, xuất bản với văn học nghệ thuật nói chung, việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật nói riêng. Nhìn chung, các tham luận đều đã tập trung phân tích làm rõ vai trò tầm quan trọng của báo chí, xuất bản trong đời sống xã hội; vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, lan tỏa các tác phẩm văn học nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong điều kiện của Thành phố hiện nay.
Ông Nguyễn Thọ Truyền - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu kết luận
Ông Nguyễn Thọ Truyền thông tin, tọa đàm đã tiếp nhận khoảng 37 tham luận, có 11 ý kiến đóng góp từ các nhà nghiên cứu, cơ quan thông tấn, đội ngũ giảng viên một số trường đại học... Các nội dung được trình bày, ý kiến đóng góp sẽ là chất liệu quan trọng trong việc xây dựng, phát triển mạnh mẽ hơn nữa vai trò của báo chí, xuất bản trong việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố. Qua đó, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng đặt ra một số yêu cầu, định hướng phát triển chung trong thời gian tới.
“Các cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm, phát huy vai trò năng động, sáng tạo để vượt qua các khó khăn và thách thức của mạng xã hội hiện nay. Đồng hành cùng các đơn vị, địa phương, hội văn học – nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ làm tốt hơn công tác sáng tạo, truyền thông văn học nghệ thuật, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI đề ra” – ông Nguyễn Thọ Truyền đề nghị.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.