Bằng chứng một thời hào hùng

2017-09-03 15:55:55 0 Bình luận
Chỉ những người trong cuộc mới hiểu được phần nào sự thảm khốc của chiến tranh, của tinh thần đồng đội, của ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.

Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm nhưng những ký ức và kỷ vật của thời đi B thì nhiều người vẫn lưu giữ rất kỹ.

Sống sót, gặp nhau là kỳ tích

Đi B, có người đã mãi nằm lại nơi chiến trường, có người may mắn sống sót trở về với những thương tật, những ký ức không bao giờ quên. Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Sỹ (ngụ TP Hà Nội), thương binh 1/4 với thương tật 81%, là một trong những người như thế.


Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Sỹ nâng niu những kỷ vật gắn bó với ông và đồng đội thời kỳ đi B


Nâng niu từng kỷ vật của những năm đi B, ông Sỹ không ngừng rơi nước mắt với các câu chuyện mà có lẽ chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu được phần nào sự thảm khốc của chiến tranh, của tinh thần đồng đội, của ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.

Học vội khóa nghiệp vụ trong 2 tháng cùng một số đồng đội với những người thầy nước ngoài, ông Sỹ trở thành một phóng viên chiến trường và dành cả một phần đời, bỏ lại quê hương, con dại và người vợ đang mang thai để đi B. Ông bồi hồi: "Thời đấy, phóng viên rất ít. Chúng tôi được học khóa nghiệp vụ báo chí chỉ trong 2 tháng là đi vào chiến trường luôn".

"Ngày cuối cùng sau 5 ngày phép trước khi lên đường ra trận của lớp quay phim chiến trường, mọi người trong cơ quan hôm ấy đều đến trước giờ làm việc. Người nhà đi tiễn đứng kín cả sân và các ngả đường. Tôi cứ bị anh em trêu rằng chồng đeo balô đằng sau, vợ đeo balô đằng trước. Hôm ấy, dường như vợ tôi đã hết nước mắt, cứ thụt thịt mãi không thôi. Xe lăn bánh, tôi ngoái lại phía sau, vẫn thấy mọi người thổn thức. Hàng chục năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh ngày hôm ấy và cả chặng đường hành quân vất vả" - ông Sỹ xúc động.

Để có những thước phim, những tư liệu lịch sử là cả một quá trình hy sinh xương máu của các phóng viên chiến trường. "Sống và chết đôi khi đơn giản chỉ là một bước chân hay một lần ngóc đầu mà thôi. Bây giờ nghĩ lại, thấy sống sót được đúng là kỳ tích" - ông Sỹ tiếp lời.

"Khoảng 8 giờ ngày 28-7-1971, tại Tiểu đoàn 7 Quân giải phóng Mỹ Tho ở căn cứ địa xã Cải Sơn, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, chúng tôi bám công sự dưới lùm cây. Một máy bay trực thăng đến thăm dò rồi đi. 10 phút sau, 2 trực thăng nóc míc (giống con cá rô) bay đến quạt nơi chúng tôi đóng quân làm cây cối ngả rạp hết rồi cũng bay đi. 15 phút sau thì 2 tốp trực thăng đen trũi xuất hiện và đổ bộ xuống cánh đồng xa xa. Tiếng súng rộ lên rồi giao tranh ác liệt. Tiếng đạn, tiếng pháo chát chúa, khét lẹt cứ vu vu sèn sẹt. Tôi nhảy ra khỏi vị trí ẩn nấp để tác nghiệp. Bụng bảo dạ đây là những thước phim quý giá đổi bằng máu của đồng bào. Rồi cảm giác như cỏ chạm vào tay. Hóa ra là một viên đạn Mỹ bắn trúng cả hai tay mà sao chẳng thấy đau đớn gì, chỉ cảm giác nong nóng, nhìn xuống thì máu đỏ ướt áo. Dừng máy quay, tôi định lấy cuộn băng ở thắt lưng nhưng khớp tay cứ trệu trạo. Cả hai bàn tay không còn theo ý mình nữa. Cứ thế, tôi ngất lịm từ lúc nào không hay, mở mắt ra đã thấy nằm trên chiếc phản gỗ trong hầm cát và mọi người đang cắt lọc vết thương khi đó đã có mùi hôi" - ông Sỹ kể về chuyện bị thương khi ở chiến trường B.

NSƯT Nguyễn Văn Nẫm (ngụ TP Hà Nội) cũng bồi hồi: "Tôi và ông Sỹ đều là những thành viên của lớp quay phim chiến trường thời đó. Tôi sang Lào, còn ông Sỹ đi vào Đông Nam Bộ. Xa cách từ đó, ra đi cũng không hẹn ngày gặp lại hay trở về. Sau này gặp lại nhau, ôm nhau mà khóc, sung sướng bởi trong mỗi người đều trào lên cảm giác xúc động. Sống sót gặp lại nhau thế này không là kỳ tích thì còn là gì nữa".

Hừng hực khí thế

Nói đến những đồng đội khác cùng đi B, ông Sỹ nghẹn ngào: "Tôi chứng kiến những cái chết của các đồng đội ngay trước mắt mình. Nhiều người còn trêu đùa nhau trước khi giặc đến mà chỉ sau một hồi đã nằm yên mãi mãi. Những thước phim của tôi đôi khi là cả những sự mâu thuẫn trong đầu. Có lúc phân vân nên quay hay không, những khoảnh khắc như vậy thật đúng là rất khó khăn".

Ông Nẫm nói những đồng đội đi B cùng đợt với ông Sỹ và ông chủ yếu là lực lượng xuất thân là y sĩ, bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo… vào Nam theo con đường dân sự do Ủy ban Thống nhất Chính phủ quản lý. Lúc nào trong họ cũng hừng hực khí thế, những câu như: "Đi B không đi thì đi đâu!", "Đi B là vui nhất!", "Đi B là niềm vui!"… đều là những lý do để tất cả những thế hệ cha anh trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc sẵn sàng bỏ lại tất cả, kể cả vợ con, gia đình, sự nghiệp để đi giải phóng đất nước.

Hòa bình, không còn tiếng bom đạn nữa nhưng ông Sỹ nói thỉnh thoảng cảm xúc lại trào lên như có ngọn lửa bừng bừng. Mỗi lần như vậy, ông giấu những giọt nước mắt nghẹn ngào. Bây giờ, ông không ao ước gì hơn là thỉnh thoảng được gặp anh em đồng đội. Bao năm qua, căn nhà tình nghĩa mà chính quyền tặng cho ông thỉnh thoảng lại trở thành nơi hội tụ của đồng đội cũ.

Kỳ tới: Mãi mãi khắc ghi

Vị trí địa lý hành chính là rào cản

"Từ khi xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin, số lượng các cá nhân và thân nhân của cán bộ đi B từ các tỉnh, thành phố đến Trung tâm Lưu trữ quốc gia III xin nhận lại hồ sơ, kỷ vật ngày càng nhiều. Trong quá trình tổ chức đón tiếp, trao trả, rất nhiều cán bộ đi B biết thông tin nhưng không thể trực tiếp đến trung tâm vì điều kiện địa lý, sức khỏe không cho phép. Có người muốn nhận lại hồ sơ, kỷ vật tại địa phương nơi mình cư trú. Từ các tỉnh, thành phố có cán bộ đi B, yêu cầu này cũng được đặt ra ngày một nhiều hơn. Những năm qua, vị trí địa lý hành chính dường như là một rào cản trong quá trình xác minh thông tin địa chỉ. Nhiều cán bộ cũng đã đổi tên, chuyển nhà nên việc tìm kiếm rất khó khăn. Hồ sơ đi B của các cán bộ thời kỳ đó rải khắp các địa phương trong cả nước nhưng phần lớn nằm ở các tỉnh miền trong như: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu…" - bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, trăn trở.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48
Đang tải...