Chuyện ông Tây tốt bụng giúp người khuyết tật từ niềm đam mê gốm

2018-06-01 09:59:01 0 Bình luận
Đam mê với gốm Raku, nhiều năm qua nghệ nhân người Pháp Olivier Oet tình nguyện đến Việt Nam dạy làm gốm Raku cho người khuyết tật. Việc làm này không chỉ đưa gốm Raku gần gũi hơn với mọi người mà còn giúp đỡ cho nhiều người khuyết tật tự tin hòa nhập cuộc sống.

Thầy Olivier và những học trò “đặc biệt”

Nhiều người khi đến với Xưởng gốm Raku tại Trung tâm Hy vọng số 20 Nhật Lệ, TP. Huế (Thừa Thiên – Huế) đều cảm thấy ngạc nhiên và thích thú với hình ảnh một ông Tây lớn tuổi say sưa “cầm tay chỉ việc” cho những người học trò “đặc biệt”. Ông chính là nghệ nhân gốm Olivier Oet (62 tuổi) đến từ thủ đô Paris (Pháp). Học trò của Olivier được xem là “đặc biệt” bởi họ đều không may mắn khi mang những khiếm khuyết cơ thể, tuy vậy vẫn có thể tự tay làm ra những sản phẩm gốm hết sức độc đáo.


Nghệ nhân Olivier Oet hướng dẫn những học trò "đặc biệt" của mình làm gốm Raku. Ảnh: Lê Chung


Gặp chúng tôi, ông Olivier Oet niềm nở cho biết để xưởng gốm Raku tại trung tâm có thể đi vào hoạt động được như hôm nay là cái duyên và là một quá trình dài cố gắng của rất nhiều người. Biết đến và gắn bó với gốm Raku từ khi còn rất trẻ, Olivier Oet dành một niềm đam mê lớn với loại gốm này. Thế nhưng nhân duyên để ông đưa gốm Raku đến với người khuyết tật Việt Nam đến cách đây khoảng 8 năm, trong một ngày hội cho trẻ em khuyết tật do gia đình ông tổ chức.

Trong lần đó, có một người phụ nữ tự xưng người Pháp gốc Việt đã chủ động tìm gặp và đề nghị Olivier đến giúp đỡ trẻ em khuyết tật ở Việt Nam. Cảm động trước tình cảm của người phụ nữ này với quê hương, bên cạnh đó là sự đồng cảm khi mình cũng có em trai bị khuyết tật, gia đình Olivier đã đồng ý hỗ trợ cho các cán bộ đến từ các trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Việt Nam, trong đó có cán bộ Trung tâm Hy vọng Huế sang Pháp học làm gốm Raku, bắt đầu cho những hoạt động giúp đỡ trẻ em khuyết tật ở đất nước hình chữ S.

Từ năm 2012 ông Olivier đã cùng với vợ thường xuyên đến Việt Nam để thực hiện các dự án giúp đỡ người khuyết tật. Tiêu biểu là việc hình thành xưởng gốm tại Trung tâm Hy vọng Huế. Mỗi năm ông dành ít nhất 2 lần bay sang Việt Nam, mỗi lần ở lại khoảng 1 tháng để dạy những người khuyết tật tại trung tâm học làm gốm Raku.


Ông Olivier Oet cùng những học trò của mình tại Trung tâm Hy vọng Huế. Ảnh: Lê Chung


“Raku là một kỹ thuật men rạn phát triển tại Nhật Bản từ thế kỷ 16. Kỹ thuật này có sự kết hợp gần gũi giữa nghệ thuật gốm sứ với trà đạo. Để làm một sản phẩm gốm Raku là cả một quá trình khám phá và các cảm nhận về đất và men. Gốm Raku đặc biệt bởi không sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Vì không giới hạn về mặt ý tưởng nên người khuyết tật cũng có thể tự do sáng tạo nghệ thuật theo suy nghĩ của mình. Qua việc làm gốm Raku tôi mong muốn người khuyết tật tự tin vào bản thân hơn khi biết mình cũng có thể làm ra được những sản phẩm như bao người bình thường khác”, ông Olivier nói.

Được biết, dưới sự chỉ dạy của Olivier đến nay nhiều học trò của ông tại trung tâm đã có thể làm ra những sản phẩm gốm Raku độc đáo như hoa, ly, tách, hình các con vật,.. Xưởng gốm Raku tại Trung tâm Hy vọng hiện tại cũng là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, thành công lớn ban đầu cho những tâm huyết của nghệ nhân già người Pháp là những học viên khuyết tật tại xưởng gốm ngày càng tự tin, hòa đồng hơn. Nhiều người còn chủ động, mạnh dạn hướng dẫn du khách tham gia làm gốm Raku cùng mình.

Giấc mơ “Raku tour”

Khi được hỏi về những việc làm của Olivier Oet đối với người khuyết tật, nhiều người từng có cơ hội tiếp xúc đều dành cho ông sự ngưỡng mộ và yêu mến. Theo các cán bộ đang công tác tại Trung tâm Hy vọng Huế, Olivier giúp đỡ người khuyết tật tại Việt Nam không chỉ là tình cảm nhất thời mà đó là cả một quá trình lâu dài bằng chính cái tâm của mình. Quá trình này cũng gặp không ít những khó khăn.


Ông Olivier Oet giới thiệu về những sản phẩm gốm Raku do học trò mình làm ra. Ảnh: Lê Chung


Trong 3 năm đầu tiên trên con đường giúp đỡ trẻ khuyết tật tại Việt Nam, Olivier phải tự bỏ tiền túi của mình để đầu tư, hình thành xưởng gốm Raku tại Trung tâm Hy vọng. Rồi việc phải làm thế nào để xưởng gốm có thể duy trì và phát triển, thắp lên hy vọng cho những người khuyết tật đúng nghĩa như tên gọi của mình cũng khiến ông không khỏi trăn trở.

Để có thể giúp đỡ được nhiều người khuyết tật hơn, năm 2015 chính Olivier đã đứng ra vận động bạn bè, người thân thành lập tổ chức phi chính phủ mang tên Ateliers Vincent Marie Oet (AVMO). Tổ chức này đến nay có hơn 60 thành viên thường xuyên có những hoạt động ý nghĩa, trong đó phải kể đến việc hỗ trợ cho những người khuyết tật tại Trung tâm Hy vọng Huế. Xưởng gốm Raku tại trung tâm được đầu tư đầy đủ máy móc hiện đại như hiện nay có một phần đóng góp của AVMO.


Du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm làm gốm Raku tại xưởng gốm Hy vọng.


Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Olivier cho biết về lâu dài mong muốn lớn nhất của ông là có thể hình thành nên mô hình du lịch mang tên “Raku tuor”. Tại đó khách du lịch khi đến trung tâm sẽ cùng trải nghiệm, cùng làm gốm Raku với những người khuyết tật. Những người khuyết tật sau khi được thầy Olivier “truyền nghề” sẽ là những “hướng dẫn viên” thực thụ.

“Du lịch hướng về cộng đồng đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn, “Raku tour” cũng là một loại hình du lịch như vậy. Tôi chưa thấy ai từng đến trải nghiệm làm gốm Raku tại trung tâm trở về mà không hài lòng, ai cũng đánh giá rất cao. Du khách ra về được hưởng thụ ngay sản phẩm do mình làm ra, còn người khuyết tật được hòa nhập, được hưởng lợi từ chi phí tour. Chi phí đó sẽ phần nào giúp họ trang trải cuộc sống”, ông Olivier nói.

Được biết không chỉ giúp người khuyết tật học làm gốm, Olivier còn là cầu nối để bạn bè biết đến Việt Nam. Hễ ai có nhu cầu du lịch thì chính ông là người kết nối, giới thiệu đến Việt Nam, đến Huế trải nghiệm Raku tour. Hàng năm vào dịp lễ Giáng sinh, tổ chức OVMO của Olivier cũng thường xuyên tổ chức Ngày đoàn kết Việt – Pháp. Tại đây ông cũng không quên giới thiệu đến mọi người về đất nước, con người Việt Nam. Về những sản phẩm gốm Raku do chính tay những học trò “đặc biệt” của ông làm ra từ đất nước xa xôi hình chữ S.


Một du khách nước ngoài say sưa trải nghiệm "Raku tour".


Nói về những đóng góp của Olivier Oet, bà Nguyễn Thị Hồng – Giám đốc Trung tâm Hy vọng Huế cho biết “Raku tour” là dự án giúp đỡ người khuyết tật đã được ông Olivier và Trung tâm Hy vọng ấp ủ suốt nhiều năm qua. Sau một thời gian dài phát triển dưới sự giúp đỡ nhiệt tình của Olivier, đến bây giờ những học viên tại xưởng gốm Raku đã có thể tự tin làm người chỉ dẫn trực tiếp cho khách ngay tại xưởng gốm của mình.

“Trong thời gian tới trung tâm và ông Olivier rất mong có nhiều hơn nữa các công ty lữ hành, các đoàn tour quan tâm khảo sát Raku tour để đưa mô hình du lịch này vào trong những điểm đến phục vụ cho du khách. Không chỉ là một mô hình du lịch thú vị, hơn hết Raku tour còn là hoạt động ý nghĩa góp phần nào giúp những người khuyết tật hòa nhập cộng đồng”, bà Hồng chia sẻ.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48
Đang tải...