Chuyện về người cảm tử quân

2019-09-03 14:49:23 0 Bình luận
Sát cánh cùng những chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô đương đầu với giặc Pháp mùa đông năm 1946 là một lực lượng đặc biệt, được gọi với cái tên thân thương “Vệ út”. Đó là những thiếu niên nhỏ tuổi nhưng có tinh thần chiến đấu cao ngút trời. 175 vệ út đã tham gia làm cứu thương, tiếp tế, trinh sát, liên lạc như con thoi dưới làn đạn địch, trong số đó không ít người mới 13 - 15 tuổi đã anh dũng hy sinh.

Những bước chân nhỏ cùng ra trận

Hơn 70 năm trôi qua, những Vệ út ngày ấy hiện nay người trẻ nhất đã bước sang tuổi 80, còn lại đa phần đều ngoài 80. Thế nhưng, khi nhắc về 60 ngày đêm khói lửa, chiến đấu vào mùa đông năm 1946, họ vẫn kể lại một cách rành rọt và tràn đầy cảm xúc, như tất cả vừa mới diễn ra. Để tìm gặp những Vệ út năm xưa, chúng tôi về thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội, trò chuyện cùng Vệ út Đặng Văn Tích và nghe ông kể về những cảm tử quân nhỏ tuổi ngày ấy.

Ông Tích cho biết lúc đó, ông và đồng đội tuy còn nhỏ nhưng hầu hết không ai run sợ trước lằn ranh mong manh của sự sống - chết. Với ý chí quyết liệt đó, ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, khi có lệnh tản cư, người Hà Nội lặng lẽ rời Thủ đô về các tỉnh vùng sau lưng địch như Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.... Trong khi dòng người vội vã rời Hà Nội, ông Tích và nhiều bạn thiếu nhi cùng trang lứa ở bãi Phúc Tân (quận Long Biên) đã tìm mọi cách “trốn” lại Thủ đô chiến đấu.


Vệ út Đặng Văn Tích luôn đau đáu tìm lại những đồng đội cùng chiến đấu năm xưa, ông lưu giữ cẩn thận cuốn sổ ghi số điện thoại của những Vệ út mà ông đã được gặp lại họ.


“Khi ấy, chúng tôi chỉ mong được ở lại Thủ đô để tham gia chiến đấu và đánh bại những kẻ đã đốt nhà dân, lúc đó ý chí phải giữ bằng được Thủ đô quyết liệt lắm. Lũ trẻ chúng tôi phần nhiều là con nhà nghèo, phải làm đủ nghề để kiếm sống, đã vốn ghét Tây lại chứng kiến nhiều việc đau thương như vậy nên khi được đi theo các anh Vệ quốc đoàn thì thích lắm, vui lắm. Vì thế, khi mọi người bồng bế nhau tản cư thì tôi chạy ngược từ bãi Phúc Tân, tìm vào phố để đi theo các anh”, ông Tích nhớ lại.

Biết cuộc chiến sẽ diễn ra nên trước đó các lực lượng của ta đã ngấm ngầm đục tường làm đường liên thông từ nhà này sang nhà khác biến nơi đây như một giao thông hào và không ai khác chính những Vệ út là người thông thuộc các lối đi lại này. Khi kháng chiến nổ ra, đồ đạc, cây cối, cột điện, toa tàu được ném hết ra đường để chặn quân Pháp. Các Vệ út là những cậu bé liên lạc, len lỏi khắp các trận địa, xuyên qua những bức tường đổ của các căn nhà, đi từ góc phố này tới góc phố khác, giữa những làn đạn của ta và địch để truyền tin, truyền lệnh từ trung đội, đại đội, trung đoàn, dẫn bộ đội đi tiếp viện cho các trận địa.

Tinh thần yêu nước của các chiến sĩ nhỏ thể hiện rõ nhất khi họ cùng nhau “trốn lệnh” cấp trên ở lại bảo vệ Hà Nội. Theo lời kể của ông Tích, đầu năm 1947, sau những ngày chiến đấu gian khổ, lực lượng vũ trang Thủ đô cầm chân địch ở nhiều nơi trong Thành phố. Nhưng tình hình ngày càng khó khăn, lương thực, đạn dược vơi dần, trong khi ta cần bảo toàn lực lượng để chiến đấu lâu dài. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh lệnh cho Trung đoàn Thủ đô chỉ để lại 500 người chiến đấu trong nội thành, số còn lại rút về hậu phương, các Vệ út cũng buộc phải rút ra. Nhưng có một điều mà ít ai ngờ tới, khi quân ta rút hết khỏi Hà Nội, lúc kiểm đếm lại thì còn trên 1.200 người, trong đó có 200 phụ nữ, 175 em nhỏ (tính từ 15 tuổi trở xuống) vì tinh thần, lời thề sống chết với Thủ đô họ không tuân lệnh cấp trên, trốn trong tủ, dưới gầm giường, trên nóc nhà... ở lại quyết giữ Thủ đô. Mãi những năm sau đó, chính các Vệ út đã nghĩ ra và dẫn đường đưa trên 1.200 quân rút khỏi Hà Nội mà giặc Pháp không hề hay biết.

“Những năm tháng ấy, tôi và các đồng đội coi nhau như anh em, chia sẻ với nhau từng bát cơm kháng chiến, chúng tôi coi anh chị trong Vệ quốc đoàn như ruột thịt, quên cả việc về nhà tìm gặp người thân. Sau những buổi tối chiến đấu, khi tiếng súng tạm ngưng, anh chị lại rửa chân, cõng chúng tôi lên gác ngủ, các chị thường xuyên nấu chè, các anh thường đem đồ chơi về cho chúng tôi. Những Vệ út đều coi nơi đây là nhà, gọi nhau bằng anh, chị, em thân mật, đặc biệt chúng tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi bằng “các em” chứ không phải là đồng chí hay các cháu, đó là niềm tự hào đối với những người Vệ út”, ông Tích kể lại với lòng đầy tự hào.

Sau khi rời Hà Nội, lên Việt Bắc, với chủ trương không cho phụ nữ và trẻ em ở lại quân đội, các Vệ út được tổ chức lại, những Vệ út trên 15 tuổi được vào đơn vị chiến đấu, trở thành chiến sĩ, các Vệ út nhỏ tuổi phải về gia đình nhưng khi ấy đa phần họ không còn biết nhà ở đâu, cha mẹ mình còn sống hay chết, nhiều Vệ út được tiếp tục sống chung với nhau trong mái nhà Đội tuyên văn của Trung Đoàn Thủ đô, tham gia nhiều chiến dịch cùng các anh cất vang tiếng hát mừng chiến thắng…

Anh hùng tuổi lên mười

Nhiều năm sau đó, vệ út Đặng Văn Tích trở về gia đình tìm lại cha và các em. Về lại con phố Hàng Vôi, căn nhà trước kia gia đình ông ở đã bị bán cho người khác, tìm hỏi qua nhiều người ông được biết gia đình đã chuyển về thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức sinh sống. Biết được thông tin của gia đình ông về thăm cha và người thân nhưng khi đó cha ông đã mất, đó cũng là niềm trăn trở khiến ông mãi không nguôi.

Đến nay hơn 70 năm trôi qua nhưng trong lòng mỗi Vệ út đều nhớ như in những tấm gương hy sinh anh dũng của đồng đội. Họ vẫn không quên nhắc câu chuyện hi sinh của Diệp Tùng: Còn nhớ Diệp Tùng khi đó mới 13 tuổi, lúc rời Thủ đô lên Việt Bắc đã hy sinh tại Võ Nhai (Thái Nguyên). Khi anh mất, đồng đội không biết tìm ai báo tin vì chẳng biết Diệp Tùng còn ai là thân nhân. Cha mẹ Diệp Tùng là ai, ở đâu?”. Thông tin dần dần mở rộng, họ được biết rất nhiều Vệ út khi tham gia các chiến dịch lớn đã ngã xuống. Trên tấm mộ lạnh lẽo nơi xa, họ vẫn chỉ có mấy dòng là liệt sĩ vô danh.

Một trong những kỷ niệm mà những người đã trải qua cuộc chiến đấu lịch sử 60 ngày đêm tại Hà Nội như ông Tích khó có thể quên là trận đánh tiêu diệt địch năm 1947 vào chốt Trường Ke (nằm trên đường Trần Nhật Duật ngày nay). “Mọi ngày đứng từ chốt nhìn lên cầu Long Biên thấy bình thường nhưng hôm đó, giặc Pháp tập trung rất đông. Các Vệ út vừa kịp băng qua giao thông hào cấp báo thì quân Pháp đã bao vây 3 mặt để đánh úp chiến lũy Trường Ke. Đây là trận chiến quyết tử bởi nếu để mất Trường Ke và địch án ngữ tại điểm chốt cửa ngõ này thì việc lui quân của ta sẽ vô cùng khó khăn.

Trong khi lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệnh, Trường Ke có thể sẽ bị chiếm thì Vệ út Trần Ngọc Lai (12 tuổi) đã nhanh trí tụt theo đường ống máng nước xuống để chạy về báo cáo với Ban chỉ huy tiểu đoàn để xin tiếp viện. Báo cáo xong Lai lại chạy về Trường Ke nhưng lần này bị quân Pháp phát hiện và hò nhau vây bắt. Lai ném lựu đạn giết được ba tên địch, còn cậu trúng đạn. Thấy Lai ngã xuống, những tiếng hô xung phong trả thù cho Vệ út Lai vang lên, quân ta từ trên đánh xuống cùng quân tiếp viện từ ngoài đánh vào buộc Pháp phải rút lui”, ông Tích bùi ngùi nhớ lại.

Và còn nhiều, rất nhiều những tấm gương anh dũng hy sinh trong trận chiến, càng lắng nghe những câu chuyện về tấm gương Vệ út đầy lòng dũng cảm, chúng tôi, những thế hệ trẻ thấu hiểu hơn những cống hiến đáng tự hào đó. Mỗi Vệ út xứng đáng là một nhân vật, một “viên gạch” đưa đất nước tới ngày thống nhất. Ngày nay, khi hòa bình lập lại, trong mỗi căn nhà của Hà Nội hôm nay, câu chuyện của những Vệ út năm xưa vẫn là ánh sáng khai tâm cho thế hệ sau biết sống, chiến đấu để gìn giữ hòa bình. Trong trái tim mỗi thế hệ trẻ vẫn mãi vang vọng lời ca đầy niềm tự hào về đội Vệ út.

…“Đàn chim non ríu rít cười nô vang trời

Vui sống trong gia đình Vệ quốc đầm ấm

Từng bao phen cùng đàn anh lớn tung hoành

Trong súng gươm tới ngày chiến thắng cùng anh”…

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48
Đang tải...