Ký ức hào hùng những chiến binh rừng sác

2019-04-27 18:00:06 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Nhìn màu xanh của rừng Sác hiện nay, ít ai biết rằng cách đây 44 năm, nó chỉ là cánh rừng chết. Chất khai quang, bom đạn thời chiến ngày đó biến cả cánh rừng bạt ngàn chỉ còn trơ lại gốc. Trong cái khắc nghiệt đó, ẩn dưới những gốc bần, gốc đước, thoắt ẩn thoát hiện những bóng người kiên trì bám trụ chiến đấu, họ được gọi với cái tên chung Đặc công Rừng Sác.

  Chỉ khi chết mới trả được ân tình

Một ngày cuối tháng 4.2019, trong cái nắng gay gắt, chúng tôi tìm về khu chiến trường xưa. Vị trí của chiến khu Rừng Sác giờ xanh thẫm màu lá. Không ai có thể tin nơi đây đã từng là chiến trường khốc liệt, để rồi trong cái môi trường khắc nghiệt này đã hình thành nên tên tuổi của một lực lượng nổi tiếng.

Sau những năm tháng đó, với những người lính đặc công, còn sống và được trở về là một sự ưu ái không tưởng. Trong ký ức của họ, những cánh rừng bạt ngàn đã che đi những nỗi đau thương, mất mát. Trong họ vẫn còn như in cảnh mượn tán rừng làm nhà, con sông Lòng Tàu làm nơi chiến đấu… người lính đặc công Huỳnh Đồng và cô quân y Phạm Thị Nhung, là những người nhận được sự ưu ái đó. 44 năm qua đi, họ vẫn cứ loay hoay trong miền kí ức, nước mắt vẫn trào ra khi nhớ về những người đồng đội cũ.

Ngồi nhớ lại chuyện xưa, ông Huỳnh Đồng (cựu chiến binh đoàn 10, chiến trường Rừng Sác) vẫn nhớ như in ngày đầu tiên tham gia vào đơn vị. Năm đó ông chỉ tròn 18 tuổi. Ông cũng không bao giờ hình dung được cảnh mượn rừng làm nhà, trèo cây, lội suối bám trụ trong rừng để chiến đấu. ‘Giặc đánh tới thì ở đâu cũng chết, tôi thà hi sinh để chiến đấu vì đất nước” ông Đồng bảo vậy.


Ông Huỳnh Đồng, đặc công Đoàn 10 - Chiến trường Rừng Sác. 


Cuộc sống trong rừng chỉ gói gọn trong hai từ “khốn khó”, “ngày đó cá, tôm thì nhiều nhưng ngặt một chỗ là không có gạo để ăn”, để còn sức mà chiến đấu, suốt mấy tháng trời ông đi kiếm trái cây rừng ăn kèm cho qua cơn đói. Không có gạo ăn, nước uống lại rất khan hiếm, “mỗi lần ra giếng lấy nước là gặp đồng đội mình, nhưng chỉ là những xác nằm trơ trọi dưới giếng, không thì trên đường về sẽ có vài người bỏ mạng”, có lần địch vây hãm không lấy được nước, cả ngày trời một đội mấy trăm người “chịu trận”, có người chịu không kham, lặn xuống sông mà hớp từng ngụm nước mặn cho qua cơn khát.

Chốn rừng thiên nước độc, bước xuống sông làm mồi cho cá sấu, ở trong rừng thì mưa bom vây quanh tứ phía, “đêm nào cũng bốn, năm lần chạy xuống hầm để tránh bom”, những lúc cận kề cái chết, tán rừng cũng không còn đủ sức che chở, để có thể níu giữ mạng sống trong gang tấc, những người lính đặc công chỉ biết bấu víu vào chiếc hầm tránh bom ngập nước, nhơ nhớp sình lầy. Sau mỗi đợt bom rơi, chui từ dưới hầm lên ai cũng ngoi ngót, ướt sũng, người lành lặn dìu kẻ bị thương dắt díu nhau quay về căn cứ.

Những lần chạy trốn bom đạn, như một cuộc rượt đuổi giữa sự sống và cái chết, người nào nhanh chân thì còn nguyên mạng sống, trễ hơn thì nát thây, bỏ mạng. Trong một đợt tấn công, giặc ném thủ pháo vào rừng, ông chui vội vào hầm, trong tích tắc chưa kịp rút chân, để rồi nén bao đau đớn ông đành gửi lại chiến trường một phần chân phải. “Tổng - một người anh em kết nghĩa của tôi, vừa khóc vừa khiêng tôi về Quân y chữa trị, nó chỉ sợ tôi bị cưa mất chân, sau này trở về què quặt”.

Hôm đó, ông Tổng cứ nhìn chân người anh kết nghĩa nước mắt chực trào thế rồi cả hai người cùng khóc, “Tổng sợ tôi buồn, mảnh bom mà lệch sang phải một chút nữa thì phải cưa chân”. Ông Tổng để ông nằm lại trại quân y rồi lên đường tiếp tục trở về căn cứ nhận nhiệm vụ. Trước lúc đi, người em kết nghĩa quệt hai hàng nước mắt, gửi gắm lại cho ông 2 hộp sữa, 1 kí đường với 1 cây thuốc lá. “Nó nói đùa từ rày về sau tôi “yên tâm rồi”, còn nó không biết số phận sẽ an bài ra sao”.

Nằm trong trên giường bệnh, nghe tiếng bom vang cả khu rừng mà lòng ông quặn thắt, lòng tự nhủ không biết anh em ngoài kia có trở tay kịp không, rồi bao nhiêu người nữa sẽ phải ra đi. Bên ngoài, thanh niên xung phong đẩy cáng đưa đồng đội bị thương vào ra liên tục, người nhẹ thì gãy chân, gãy tay, kẻ nặng thì toàn thân bê bết máu trộn sình. Cảnh những đồng đội nằm thoi thóp chờ cứu chữa trong sự thiếu thốn y tế khiến ông không cầm được nước mắt, có người vì thiếu thuốc đã phải ra đi vĩnh viễn.

“Tổng bị trúng đạn, tôi nhớ lúc đó nó bị thương nặng lắm, 4 giờ sáng cấp cứu xong người ta đem nó ra nằm giường kế bên tôi, hai anh em lại lặng lẽ nhìn nhau, rồi đột nhiên nó trút hơi thở cuối cùng. Tôi còn nợ cái ơn, cái nghĩa, tôi còn nhớ rõ mấy món đồ nó gửi lại trước lúc ra đi, mà chắc phải đợi kiếp sau mới mong trả được...”

Có những nỗi đau không bao giờ dứt

Sống trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, cô Phạm Thị Nhung (quân y, chiến trường Rừng Sác) mang sẵn trong người một dòng máu yêu nước. Trở thành đứa con của rừng sác từ năm 14 tuổi, “đi vào rừng thì cũng sợ lắm, vì mình còn quá nhỏ, nhưng lại được các anh chị yêu thương chỉ bảo như người một nhà”.


Cô Phạm Thị Nhung, quân y tại Đoàn 10 Rừng Sác anh hùng. 


Cô Nhung lúc đó chỉ học ca hát, đi đoàn dân công phục vụ văn nghệ, tiếp sức tinh thần cho các anh chiến sĩ. Đến năm 1964, cô đi học y tá tại Bà Rịa – Vũng Tàu, đành phải rời xa ngôi nhà chung tại rừng sác. Hai năm sau, như một cái duyên chưa dứt, cô lại quay trở về chốn cũ, trở thành người “đi trước về sau” tại Đoàn 10 Rừng sác anh hùng.

Công tác ở nơi mà sự sống – cái chết chỉ cách nhau một sợi chỉ, quá khứ bi hùng, cô Nhung là người chứng kiến rõ nhất. Làm quân y trong môi trường thiếu thốn đủ bề, điều kiện y tế yếu kém, thiếu thuốc chữa bệnh là chuyện xảy ra thường ngày. “có lần hết nước cất, tôi phải lấy nước dừa tươi bơm vào ống thuốc rồi chích cho bệnh nhân”. Giữa những khó khăn đó, nhiều đồng đội ra đi ngay trên tay cô, mắt không kịp nhắm, khóe mắt vẫn còn đọng đầy nước.

Trong chiến tranh, việc mất mát, đau thương là điều không thể tránh khỏi, sau mỗi trận chiến những người bị thương đếm không xuể. “đánh nhau ở chiến trường xa, ác liệt những người bị thương khiêng về nhanh còn giữ được mạng sống, chậm thì làm lễ truy điệu… không ít đồng đội cấp cứu xong vài tiếng sau ra đi…”

Cô Nhung nhớ một lần giặc đánh bom vào căn cứ, anh Thanh (một chiến sĩ đặc công) bị thương phải cưa chân, “lúc đó, tôi vừa làm y tá vừa làm hậu phẫu, phải dùng tay của mình giữ chân đồng chí để bác sĩ cưa chân”. Nhìn đồng đội mình đau đớn mà lòng cô xót xa, “không thuốc giảm đau, cưa chân xong, anh ấy ngất lịm …”. Hôm đó phẫu thuật xong tay cô bị nhiễm trùng, sưng phù, tím tái, vừa băng bó xong thì địch cũng càn tới, phải ôm lấy bàn tay mà tháo chạy. Giờ mỗi khi nhìn vết sẹo, kỷ niệm đó lại ùa về.

Không ít lần, cô Nhung theo chân những người lính trực tiếp tham gia chiến đấu, cấp cứu ngay trên chiến trường. “lúc đó, các anh chỉ là thanh niên 18 – 20 tuổi, họ trẻ và nhiệt huyết, nhiều trận số thương binh nhiều đến mức tôi không trở tay kịp. Bị thương nhẹ, cứu kịp thì sống sót, còn không họ nằm lặng lẽ chết ngay trên sình lầy. Lương tâm một người quân y không muốn để ai phải ra đi cả, nhưng lực bất tòng tâm, lúc đó chỉ có nước mắt như một lời tạ lỗi”.

Chiến tranh ác liệt, đạn bom vây tứ hướng, trên thì máy bay rải chất độc, sông thì tàu địch bắn tỉa vào rừng, trên bộ thì bộ binh càn quét. “khi nào địch càn thì mình chạy, còn thấy “êm” thì cứ tiếp tục chữa trị cho anh em”.Trong một cuộc tấn công, bom trúng ngay nắp hầm, anh em cùng nhau tháo chạy, đến chiều mọi người quay lại, căn cứ vẫn còn, trái bom kia không nổ. “có lẽ ông trời còn thương, cho mình tiếp tục sống để giúp đỡ anh em”.

Nhưng không phải lúc nào cũng may mắn, “ngày xưa trong đoàn quân y có chị Bảy Mến, một người y sĩ tận tâm với nghề, tôi và chị thân nhau như chị em ruột”. Trong một đợt bắn phá của địch, cả căn cứ tháo chạy, cô chạy phía trước còn chị Bảy chạy theo sau, nghe tiếng bom dội, thất thần quay lại “tôi chỉ thấy một mảnh áo của chị Bảy còn vướng lại trên rễ cây…”

10 năm chiến đấu tại Rừng Sác, đã để lại quá khứ bi tráng mà hào hùng trong lòng những người lính đặc công năm xưa. Để có được hòa bình hôm nay, họ đã đổi bằng máu xương của mình. 44 năm sống trong hòa bình, vẫn không thể xóa nhòa những vết thương lòng.
Vẫn mãi còn đó nỗi nhớ thương những đồng đội đã đi mà không có ngày về. Giờ những mái đầu xanh ngày nào đã bạc màu. Nhớ lại chuyện cũ không ai không bồi hồi xúc động. Rừng Sác đã xanh, nhưng trong tâm tưởng của họ, mỗi gốc cây vẫn còn đó màu đỏ của máu, màu của năm tháng khốc liệt gian nan mà họ và những đồng đội đã cống hiến cho sự nghiệp độc lập dân tộc.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48

Lễ hội Hoa Phượng đỏ 2024: Lần đầu tiên tổ chức bắn pháo hoa

Trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng 2024 với chủ đề “Bừng sáng miền di sản” sẽ có hơn 70 sự kiện và nhiều hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn trong tháng 5. Nhiều doanh nghiệp đã chung tay hỗ trợ Lễ hội số tiền gần 25 tỷ đồng.
2024-04-26 07:52:37

Phụ nữ Cảnh Dương hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp cho hội viên

Chiều 25/4, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Cảnh Dương tổ chức Đại hội Đại biểu Hội LHTN Việt Nam xã lần thứ V, nhiệm kỳ 2024 – 2029.
2024-04-25 17:35:00
Đang tải...