Phụ nữ Việt Nam đóng góp 110 triệu giờ làm việc không lương mỗi ngày

2016-10-20 20:57:54 0 Bình luận
Trung bình phụ nữ dành 5 giờ đồng hồ mỗi ngày để làm các công việc như nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc con…., nhiều hơn nam giới 2 giờ. Những công việc chăm sóc không được trả lương mà phụ nữ đang làm hàng ngày thực tế đã âm thầm hạn chế cơ hội của họ tham gia vào việc học tập, công tác xã hội và phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, những công việc này chưa được gia đình và xã hội công nhận, thậm chí còn khiến họ trở thành những người “yếu thế” trong gia đình.
Phụ nữ Việt Nam đóng góp 110 triệu giờ làm việc không lương mỗi ngày
Phụ nữ dành nhiều thời gian cho việc nhà, chăm sóc con cái hơn nam giới. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Phụ nữ làm việc nhiều hơn và ít nghỉ ngơi hơn

Theo một nghiên cứu được thực hiện trên 9 tỉnh thành phố từ tháng 1 đến tháng 6/2016 mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức ActionAid VietNam vừa công bố, nam giới được ưu tiên hơn nữ giới trong những hoạt động mang lại hiệu quả bằng tiền hoặc được nghỉ ngơi, học hành. Tuy nhiên, những công việc không được trả lương và công việc chăm sóc gia đình là công việc mà phụ nữ chiếm thời gian nhiều hơn nam giới.

Phụ nữ Việt Nam đóng góp 110 triệu giờ làm việc không lương mỗi ngày
Phụ nữ có thời gian làm việc không lương nhiều hơn và ít thời gian nghỉ ngơi, giải trí hơn. (Ảnh: ActionAid VietNam)

Nghiên cứu cho thấy trong các công việc chăm sóc không lương thì phụ nữ dành nhiều thời gian nhất vào việc nhà. Trung bình mỗi ngày phụ nữ dành 175 phút (khoảng 3 giờ) cho việc nhà, thời gian này nhiều hơn nam giới hơn 70 phút.

Công việc chiếm thời gian cao tiếp theo là chăm sóc trẻ em với hơn 60 phút và bình quân cao hơn nam giới gần 30 phút. Công việc lấy nhiên liệu/nước cũng lấy của phụ nữ trung bình gần 60 phút, cao hơn so với nam giới khoảng 15 phút. Mặc dù công việc chăm sóc người lớn trong nghiên cứu này không chiếm nhiều thời gian của phụ nữ khi họ dành khoảng 15 phút cho việc này nhưng đây cũng là công việc mà phụ nữ phải dành thời gian cao hơn nam giới.

Tại các tỉnh được thực hiện khảo sát và nghiên cứu, 100% phụ nữ và trẻ em gái trong các hộ gia đình tham gia nghiên cứu đều vẫn chịu định kiến giới nặng nề trong phân công lao động.

Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện ActionAid Việt Nam nhận định: “Dường như trách nhiệm đối với công việc chăm sóc không lương hiển nhiên là công việc của phụ nữ, điều này có nghĩa là họ có ít thời gian để chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi và tham gia vào các công việc được trả lương hoặc các công việc khác như được tham gia vào các công tác xã hội, được học tập để mở mang kiến thức nhằm bảo đảm những quyền của chính họ,”

Nếu tính mỗi người làm 5 giờ công việc không được trả lương một ngày thì 22 triệu phụ nữ Việt Nam ở độ tuổi lao động đang đóng góp tới 110 triệu giờ mỗi ngày cho gia đình và xã hội. Năm 2015, ước tính công việc không lương đóng góp tới 20% trong tổng GDP của Việt Nam (khoảng 41 tỷ USD tương đương hơn 900.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, những công việc chăm sóc không lương lại không được đánh giá cao.

Làm việc nhà nhiều hơn có tốt hơn cho phụ nữ?

Khi được khảo sát, hầu hết những người được hỏi đều cho rằng “thiên chức của người phụ nữ là nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc con cái”. Mặc dù những công việc này tiêu tốn thời gian, thường xuyên lặp lại khiến nhiều phụ nữ phải hy sinh nhiều quyền lợi khác của mình nhưng những công việc này thường không được các thành viên khác trong gia đình coi trọng. Ngay cả cộng đồng hay chính phụ nữ đều coi việc nhà là việc vặt, việc không quan trọng, bị coi nhẹ.

Bà Hoàng Phương Thảo cho rằng: "Nếu những công việc chăm sóc không lương này không được công nhận, ngày càng nhiều phụ nữ sẽ lâm vào nghèo đói do có ít thời gian để chăm sóc bản thân, đi làm được trả lương hay học tập để mở mang kiến thức. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân họ mà còn ảnh hưởng cả đến những thế hệ sau.”

Phụ nữ Việt Nam đóng góp 110 triệu giờ làm việc không lương mỗi ngày
Những việc làm không được trả lương khiến phụ nữ ít có vai trò quyết định trong gia đình. (Ảnh minh họa: Nguyễn Thủy/TTXVN)

Sự bất bình đẳng trong việc không chỉ làm hạn chế các cơ hội phát triển của phụ nữ mà nó còn là nguyên nhân dẫn tới bạo lực gia đình khi người phụ nữ làm nhiều công việc không được trả lương và bị coi là gánh nặng trong gia đình.

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho rằng việc người phụ nữ phải làm những công việc không lương trong thực tế ảnh hưởng rất lớn tới cơ hội việc làm, thu nhập, tham gia công tác xã hội, học tập… của phụ nữ.

Theo tiến sỹ Khuất Thu Hồng, phụ nữ làm các công việc không được trả lương trong gia đình cũng có thể làm gia tăng bạo lực gia đình. Khi phụ nữ phải dành nhiều thời gian làm việc nhà họ sẽ có ít thời gian làm việc ngoài xã hội, thu nhập sẽ ít hơn và đương nhiên vị thế của họ sẽ thấp hơn trong gia đình. Trong một số trường hợp, người đàn ông kiếm được nhiều tiền hơn nên luôn cho rằng mình là người quyết định, bất cứ việc làm nào của phụ nữ không làm hài lòng cũng có thể là cái cơ để họ bạo hành chị em phụ nữ.

Để ngôi nhà trở thành tổ ấm, điều chắc chắn là các thành viên trong gia đình cần chủ động chia sẻ công việc chăm sóc không lương với phụ nữ. Quan trọng nhất là phụ nữ cần tự nhận thức được vai trò và đóng góp của mình để lôi cuốn gia đình mình và cộng đồng cùng thay đổi cách nhìn và hành động, sao cho các công việc chăm sóc không lương được công nhận đầy đủ và chia sẻ giữa các thành viên.

Ông Phạm Ngọc Tiến,Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, khi những đóng góp của phụ nữ Việt Nam được ghi nhận rõ ràng thì xã hội sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ hơn về quyền bình đẳng giữa nam và nữ, sự phân công, san sẻ công việc không lương sẽ hài hòa, hợp lý hơn.

Công việc chăm sóc không lương là những công việc không được trả lương gồm chăm sóc cho các thành viên trong một hộ gia đình, làm việc nhà và các công việc tự nguyện vì cộng đồng. Những hoạt động này được coi là công việc và có thể được thực hiện bởi một bên cung cấp dịch vụ.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48
Đang tải...