Trực Ninh (Nam Định): Nâng cao hiệu quả tự đánh giá và đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục

2019-04-22 16:18:38 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Ngành GD&ĐT huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đang đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả việc tự đánh giá và đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục (CSGD). Mục tiêu nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục (CLGD) gắn với thực hiện phương châm toàn xã hội cùng chăm lo giáo dục học sinh.

Một lớp học tại Trường Mầm non Trực Tuấn (Trực Ninh, Nam Định)


Trước tiên, các CSGD phải nâng cao hiệu quả tự đánh giá

Cô giáo Bùi Thị Kim Liên, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định cho biết, tự đánh giá là khâu đầu tiên trong quy trình kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD), thể hiện tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường. Việc làm này đòi hỏi tính khách quan, trung thực, công khai và không được coi là báo cáo thành tích. Đây là một nội dung quan trọng trong quy trình, chu kỳ KĐCLGD đối với các CSGD theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Từ năm 2019, các CSGD tự đánh giá theo các tiêu chuẩn của Thông tư 17,18,19 của Bộ GD&ĐT về KĐCLGD và chuẩn quốc gia. Nội dung báo cáo phải phản ánh chính xác về tình trạng chất lượng, hiệu quả giáo dục, nhân lực, cơ sở vật chất cùng các vấn đề liên quan khác, làm cơ sở điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện để đáp ứng các tiêu chuẩn CLGD. Trước khi kết thúc năm học, các đơn vị tổng hợp kết quả tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài theo lộ trình quy định.

Những năm học vừa qua, Phòng GD&ĐT huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết về thực hiện nhiệm vụ khảo thí và KĐCLGD, có công văn hướng dẫn các CSGD tự đánh giá và tổ chức các lớp tập huấn cán bộ. Đồng thời lãnh đạo Phòng GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc công tác tự đánh giá, chú trọng xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng phù hợp, hiệu quả và khả thi. Các cán bộ Phòng GD&ĐT huyện thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện tự đánh giá. Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ các nhà trường về cải tiến chất lượng, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trong quy trình tự đánh giá đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết: Tính đến hết năm học 2017-2018, có 100% số CSGD trên địa bàn huyện Trực Ninh đã thực hiện tự đánh giá và có lộ trình đánh giá ngoài. Riêng năm học 2017-2018 có 6 CSGD trên địa bàn huyện đã được đánh giá ngoài gồm: Trường THCS Trực Thành, Trường THCS Trực Cường, Trường Tiểu học Trực Cát, Trường Tiểu học Trực Tuấn, Trường Tiểu học Trực Phú và Trường Tiểu học B Trực Đại. Nếu tính theo lộ trình cả giai đoạn (từ năm 2009 đến hết năm 2018) trên địa bàn huyện Trực Ninh đã có 46/82 (đạt 56,09%) cơ sở giáo dục (gồm 15 trường Mầm non, 13 trường Tiểu học, 18 Trường THCS) được kiểm tra đánh giá ngoài.

Năm học 2018-2019, huyện Trực Ninh có 7 CSGD tiếp tục được kiểm tra đánh giá ngoài. Đó là Trường Mầm non Trực Tuấn, Trường Mầm non Trực Khang, Trường Tiểu học Trực Cường, Trường Tiểu học Trực Hưng, Trường THCS Trực Thái, Trường THCS Trực Hùng và Trường THCS Trực Đạo. Như vậy, toàn huyện Trực Ninh đã có hơn 64,6% CSGD được kiểm tra đánh giá ngoài.

Hiệu quả thực tế tại các nhà trường


Trường Mầm non Trực Tuấn đang khẩn trương thi công hoàn thiện khu vườn hoa, cây xanh trong khuôn viên nhà trường


Phóng viên Hòa Nhập đã về xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định vào dịp địa phương đang khẩn trương thi công các hạ mục công trình, đảm bảo cho việc đánh giá ngoài “ba trong một” (kiểm định chất lượng, chuẩn quốc gia, xanh sạch đẹp an toàn). Chủ tịch UBND xã Trần Văn Cương bộc bạch: Từ năm 2017, UBND tỉnh Nam Định đã có quyết định công nhận xã Trực Tuấn (Trực Ninh) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. Tuy nhiên, địa phương vẫn tiếp tục hoàn thiện tiêu chí trường học bao gồm: Hoàn thành xây dựng 4 phòng chức năng, xây dựng nhà để xe, tu sửa 8 phòng học tại trường THCS và xây mới 6 phòng học tại trường mầm non. Vì vậy, năm học 2018-2019 này, UBND xã đã trích ngân sách địa phương, huy động nguồn lực xã hội hóa tổng cộng 2,5 tỷ đồng đầu tư xây dựng 6 phòng học cao tầng (trong đó có 3 phòng học, 3 phòng chức năng) tại Trường Mầm non Trực Tuấn. Đồng thời, tổ chức phun cát san lấp mặt bằng, quy hoạch lại khuôn viên, đổ bê tông sân trường và nâng cấp các công trình vệ sinh. Để triển khai thực hiện thi công, nhà trường cùng địa phương đã phải bỏ ra nhiều công sức để đảo cát, di rời tổng cộng 80 hài cốt, mộ chí ra khu vực nghĩa trang của xã. Nhiều cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh đã tự nguyện đóng góp công sức, tiền bạc để hỗ trợ nhà trường. Trong đó, riêng cá nhân cô hiệu trưởng Vũ Thị Mai Sen đã tự nguyện ủng hộ 5 triệu đồng.

Khi chúng tôi đến Trường Mầm non Trực Tuấn, cô giáo Vũ Thị Mai Sen, hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: Trường đang có 298 trẻ em trong độ tuổi ở 11 lớp học. Trước đây nhà trường gặp nhiều khó khăn, nhưng hiện nay đang vững bước vươn lên để tự khẳng định chính mình, tạo nên uy tín, thương hiệu riêng và được mọi người dân tin yêu. Thành tích nổi bật nhất của trường là năm học 2016-2017 bé Nguyễn Mai Linh, lớp 5 tuổi của nhà trường đã đạt giải Nhất tại cuộc thi “Bé kể chuyện, hát hay” cấp học Mầm non toàn tỉnh Nam Định.


Trường Tiểu học Trực Hưng (Trực Ninh, Nam Định) xây dựng năm 2012 đã đạt chuẩn quốc gia mức độ II


Tại Trường Tiểu học Trực Hưng (Trực Ninh, Nam Định), cô giáo Đào Thị Tràn, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ lòng biết ơn trước sự quan tâm lãnh đạo của các cấp, các ngành, cơ quan chủ quản cùng vai trò năng động của chính quyền địa phương. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng từ năm 2012, UBND xã Trực Hưng đã dồn sức đầu tư xây dựng mới trường tiểu học có khuôn viên hơn 7.000 m2 trị giá 8,5 tỷ đồng, được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ II vào năm học 2012-2013. Năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Trực Hưng là CSGD được lựa chọn tự đánh giá, đánh giá ngoài về KĐCLGD, công nhận lại chuẩn quốc gia mức độ II và thư viện tiên tiến. Thành tích nổi bật nhất của trường trong năm học này là học sinh Ngô Hiền Anh, lớp 5A đã đoạt giải Nhất cấp tiểu học (loại xuất sắc nhất cả ba cấp học) tại Hội thi “Hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh”.

Khi chúng tôi về Trường THCS Trực Hùng, thầy giáo Lâm Thái Dương, một hiệu trưởng, bí thư chi bộ trẻ tuổi, có tác phong nhanh nhẹn, quyết đoán, cho biết: Có được những kết quả, đổi thay toàn diện của nhà trường hôm nay chính là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Trực Ninh, lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND xã Trực Hùng và tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không biết mệt mỏi của toàn trường. Được biết, từ năm 2007, nhà trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng trải qua hơn 10 năm các hạng mục công trình đã xuống cấp hoặc không còn phù hợp với các tiêu chí đạt chuẩn theo quy định mới. Năm học 2018-2019, UBND xã Trực Hùng đã trích ngân sách hơn 2 tỷ đồng xây dựng mới 3 phòng học, nâng cấp sửa chữa, bổ sung xây dựng 8 hạng mục công trình khác trị giá khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, nhà trường còn tích cực huy động các nguồn lực khác để xây dựng bổ sung, hoàn thiện một số cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học theo tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II.


Khu lớp học cao tầng Trường THCS Trực Hùng (Trực Ninh, Nam Định)


Ý kiến người trong cuộc

Theo Nhà giáo ưu tú Đặng Xuân Hữu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trực Ninh (Nam Định) việc triển khai tự đánh giá, đánh giá ngoài năm học có ý nghĩa xã hội to lớn, rất cần thiết và hữu ích. Việc làm này không chỉ giúp cho các nhà trường tự đánh giá đúng CLGD, tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên mà còn để toàn xã hội chung tay chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Đây là dịp các CSGD thông báo công khai với các cơ quan quản lý nhà nước và toàn xã hội về thực trạng chất lượng của nhà trường. Từ đó, để cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, công nhận hoặc không công nhận CSGD có đạt KĐCLGD hay không. Đồng thời, khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội cùng chăm lo giáo dục đào tạo, góp phần tạo điều kiện cho nhà trường tiếp tục nâng cao CLGD. Quan trọng hơn nữa là hoạt động này đã giúp cho các nhà trường hoàn thiện bộ hồ sơ quản lý, lưu trữ thông tin; nắm vững các thông tư về chế độ chính sách, quy định pháp luật liên quan đến hoạt động dạy và học. Từ đó có kế hoạch khắc phục kịp thời những thiếu sót, tồn đọng, nhất là việc huy động nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học.

Thực chất của tự đánh giá và đánh giá ngoài xét trên mọi góc độ đều là vì học sinh, vì các thế hệ con em của chúng ta. Đây cũng là dịp nhà trường, người dân và toàn xã hội cùng chung tay làm giáo dục. Thực tế trong những năm vừa qua, phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới (trong đó có 2 tiêu chí về giáo dục) ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đã đem lại nhiều kết quả nổi bật. Toàn huyện đã huy động nguồn lực xã hội hóa hàng trăm tỷ đồng để đầu tư xây dựng, tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường học. Đây chính là điều kiện thuận lợi nhất để các CSGD thực hiện đạt hiệu quả cao nhất nhiệm vụ giáo dục đào tạo, cũng là dịp các nhà trường tự hoàn thiện, thực hiện đúng tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu.


Học sinh Trường THCS Trực Hùng (Trực Ninh, Nam Định) vui chơi bên ao cá trong khuôn viên nhà trường.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Sáng sớm 18/4, mặc dù trời mưa lớn nhưng từ khắp các ngả đường, dòng người đông đúc tiến về Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, mùng 10/3 âm lịch.
2024-04-18 11:46:40

Lời chia buồn

Nhận được tin Cụ La Đức Đan là thân phụ ông La Đức Hùng- Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng đã tạ thế vào hồi 23h20’ ngày 17/04/2024 (tức ngày 9/3 năm Giáp Thìn), tại Lào Cai. Ban Biên tập và cán bộ, phóng viên của Tạp chí điện tử Hoà nhập gửi tới ông La Đức Hùng – Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng và gia quyến lời chia buồn sâu sắc.
2024-04-18 11:29:00

Chủ tịch HĐND Hải Phòng thăm cựu thanh niên xung phong Điện Biên Phủ

Chiều 17/4, Chủ tịch HĐND TP Phạm Văn Lập đi thăm, tặng quà thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến - những người đã có nhiều cống hiến to lớn, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”
2024-04-18 09:36:19

Bí thư Thành ủy Hải Phòng thăm chiến sĩ Điện Biên ở Hải An

Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến hiện đang sinh sống tại địa bàn quận Hải An.
2024-04-18 09:28:29

Nam Định: Thành lập Hội Thương binh nặng tỉnh

Đồng chí Nguyễn Trung Sơn - Trưởng Ban vận động thành lập Hội được bầu làm Chủ tịch Hội Thương binh nặng tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2024-2029.
2024-04-17 18:18:05

Khách hàng HDBank rộn ràng nhận thưởng “tiền tỷ”

HDBank hoàn tất trao thưởng 10 sổ tiết kiệm giá trị cao cho 10 khách hàng may mắn nhất trong chương trình “Khai Xuân Đắc Lộc - Năm Mới Phát Tài cùng HDBank”. Tỷ phú đầu năm 2024 của HDBank đến từ xứ rừng ngập mặn - huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
2024-04-17 16:35:01
Đang tải...