“Vì ai cũng đều đặc biệt” – cách nhìn công bằng cho người khuyết tật

2018-02-16 20:07:00 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Đã hơn 3 năm kể từ ngày 28/11/2014 - khi Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phê duyệt Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. Tuy nhiên đến nay người khuyết tật vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận quyền của mình. Trên thực tế, người khuyết tật chưa được đối xử công bằng theo đúng nghĩa của nó.

Người khuyết tật - Họ là ai?

Ngày 27/1, sự kiện “Vì ai cũng đều đặc biệt” nhằm chia sẻ Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, những nghiên cứu về chống kì thị và bình đẳng giới với người khuyết tật đã được tổ chức tại trường Đại học Kinh tế quốc dân. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng giúp mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ có cách nhìn đúng đắn và hiểu biết hơn về người khuyết tật. Luật sư Trịnh Công Thanh - Chủ tịch hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam và TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội có mặt với vai trò là hai diễn giả.

Luật sư Trịnh Công Thanh chia sẻ: “Bản thân tôi không phải là người khuyết tật bẩm sinh, năm 20 tuổi tôi mới trở thành người khuyết tật. Trước đó tôi nghĩ người khuyết tật rất là ít, đâu đó mình mới gặp trên đường. Khi trở thành người khuyết tật rồi thì tôi mới thấy người khuyết tật có rất nhiều”


Luật sư Trịnh Công Thanh – Chủ tịch hội thanh niên khuyết tật Việt Nam chia sẻ tại sự kiện


Diễn biến về người khuyết tật cũng đi theo tiến trình lịch sử của xã hội. Trước đây, theo quan niệm của tôn giáo, người khuyết tật hay còn gọi là tật nguyền là do phải chịu báo ứng từ kiếp trước. Trong truyền thuyết có thuyền trưởng (cướp biển) là người khuyết tật bị chột mắt. Hay cổ tích Việt Nam có Thánh Gióng (3 năm không biết nói), Sọ Dừa ,… đều là người khuyết tật.

Luật sư Thanh khẳng định ở Việt Nam còn bỏ sót nhiều đối tượng theo đúng tinh thần của Công ước quốc tế: “Người khuyết tật là những người bị suy giảm chức năng hoặc khiếm khuyết một phần cơ thể gây khó khăn trong đời sống sinh hoạt hằng này”.

Như vậy, theo tinh thần công ước, người bị AIDS, trẻ em tự kỷ,… cũng là người khuyết tật. Khuyết tật vốn là đặc điểm hết sức đa dạng và bình thường trong dân cư. Theo thống kê của bộ Lao động thương binh vã xã hội năm 2015, tại Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật. Ngày nay, khi kinh tế xã hội phát triển thì coi vấn đề khuyết tật dưới góc độ quyền.

Cũng là người thường xuyên nghiên cứu về người khuyết tật, TS Khuất Thu Hồng – viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển xã hội khẳng định định nghĩa người khuyết tật đúng đắn giúp mọi người đều có khả năng tiếp cận các quyền, công ước; đồng thời giúp thay đổi trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc xã hội biện minh do ngân sách còn hạn hẹp nên không thể đáp ứng được điều kiện cơ sở hạ tầng cho người khuyết tật chính là kỳ thị, phân biệt đối xử giữa người khuyết tật và người không khuyết tật.


Mọi người lắng nghe diễn giả chia sẻ

Quyền của người khuyết tật không được đảm bảo.

Đã 11 năm kể từ khi Việt Nam ký kết là thành viên của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (năm 2007). Đã 3 năm kể từ khi quốc hội nước Việt Nam phê duyệt công ước (28/11/2014), dưới ánh sáng của công ước, các hoạt động của người khuyết tật đã đa dạng và phong phú hơn. Họ ra ngoài nhiều hơn, thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, thi đấu giải thể thao ở khu vực và thế giới. Tuy nhiên, người khuyết tật vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận quyền lợi của mình: quyền tự do đi lại, khả năng tiếp cận, quyền sống độc lập và hòa nhập cộng đồng,…

Trong công ước quy định các quốc gia thành viên phải có biện pháp phù hợp để đảm bảo cho người khuyết tật được tiếp cận trên cơ sở bình đẳng với người khác. Tuy nhiên tại Việt Nam, người khuyết tật gặp 2 rào cản. Rào cản về vật chất đối với người khuyết tật vận động; trường học không có đường dốc để đi học, trạm y tế không có đường dốc để chị em đến khám thai sản. Rào cản phi vật chất trong việc tiếp cận thông tin, người khuyết tật không thể tiếp cận được các trang Web của bộ, ngành.

Theo công ước, nhà nước phải giúp người khuyết tật đi lại thuận tiện với giá cả hợp lý. Tuy nhiên, tại Việt Nam còn quan tâm nửa vời, đầu tư cơ sở không đồng bộ.Luật sư Trịnh Công Thanh chia sẻ: “Tôi đã đi thử, ở nhà ga Hà Nội có đường dốc dành cho người khuyết tật đi xe lăn từ ngoài đường vào nhà ga, từ nhà ga ra bến đỗ; nhưng lên đó rồi thì không biết xuống thế nào cả vì các nhà ga ở tỉnh khác không đầu tư đồng bộ. Đáng buồn là chúng ta có thể lên Hà Nội nhưng không thể xuống được Thanh Hóa”.

Quyền được sống độc lập tức là người khuyết tật được sống theo đúng nhu cầu và nguyện vọng của mình. Ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, các trung tâm sống độc lập rất phát triển. Người khuyết tật được cung cấp một người hỗ trợ cá nhân giúp họ hoạch định các kế hoạch, định hướng nghề nghiệp. Người khuyết tật có thể tự đi chợ, tham gia vào các hội thảo và hoàn toàn không phụ thuộc vào gia đình. Ở Việt Nam, đã bắt đầu xuất hiện các trung tâm sống độc lập ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng; tuy nhiên không phát triển được do nhà nước chưa quan tâm và thiếu ngân sách.

Chia sẻ về kết quả công trình nghiên cứu 8000 hộ gia đình tại 4 địa phương có nhiều người khuyết tật nhất tại Việt Nam (Thái Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Đồng Nai), TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển xã hội khẳng định phụ nữ và đàn ông khuyết tật thường gặp phải nhiều định kiến. Trong đó, phụ nữ khuyết tật thường bị cho rằng là gánh nặng của gia đình và xã hôi, khó làm tròn nghĩa vụ làm mẹ, làm vợ nên tốt nhất không nên kết hôn, sinh con. Định kiến đối với nam giới khuyết tật thường là khó có khả năng làm trụ cột gia đình, không có cơ hội thành đạt và không thể thực hiện trách nhiệm có con trai nối dõi tông đường. Phụ nữ và trẻ em còn phải chịu thêm các hình thức bạo lực khác như bắt buộc triệt sản, nạo hút thai, cưỡng ép làm nô lệ tình dục.


TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng viện nghiên cứu Phát triển xã hội


Người khuyết tật không được tôn trọng quyền riêng tư

Sống hòa nhập cộng đồng, đâu là rào cản?

TS Khuất Thu Hồng cho rằng rào cản đối với người khuyết tật nằm trong chính suy nghĩ ích kỷ của mọi người. Giới tính của người khuyết tật thường bị bỏ qua, người khuyết tật bẩm sinh thường bị đối xử như là không có giới tính, thường bị coi là trẻ con ngay cả khi đã trưởng thành. Ngay cả người trong gia đình thường gọi người khuyết tật là “thằng què” hay “con mù”…

Trong sự kiện “Vì ai cũng đều đặc biệt”, trả lời câu hỏi của người tham gia: “đâu là cách thức để người khuyết tật tự làm chủ cuộc sống của mình khi mà hiện nay cũng có nhiều thanh niên khuyết tật khởi nghiệp?”. Luật sư Trịnh Công Thanh – chủ tịch hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam khẳng định: các thanh niên khuyết tật hãy không ngừng học hỏi, quan trọng là tự học, chuẩn bị nhân lực, kỹ năng, kiến thức…, cùng với sự hỗ trợ của các trung tâm các bạn hoàn toàn có thể khởi nghiệp thành công.

Diễn giả Trịnh Công Thanh nói với chúng tôi trong lúc giải lao khi biết có một nhóm sinh viên báo chí đến sự kiện: “Các em là sinh viên báo chí cứ viết dung dị, bình thường, viết một cách tích cực về người khuyết tật thôi. Đừng viết: đám cưới cổ tích của một thanh niên khuyết tật, truyện thần kỳ, cố lên, vươn lên … Người khuyết tật cũng như tất cả mọi người bình thường, không có gì khác biệt cả. Đó là thực lực, sự cố gắng và khả năng của họ, không có gì là thần kỳ hay cổ tích hết”.

Vâng! Anh nói đúng. Báo chí phần nào đã “bi kịch hóa” cuộc đời của người khuyết tật. “Truyện cổ tích”, “thần kỳ” sẽ chỉ là hy hữu, hiếm có trong đời sống; đa số người khuyết tật sẽ nghĩ chuyện “đám cưới cổ tích” hay một việc gì đó “thần kỳ” sẽ không bao giờ đến với mình. Báo chí cần viết công bằng và bình đẳng hơn.

“Vì ai cũng đều đặc biệt”, 93 triệu người Việt Nam, mỗi người là một phiên bản duy nhất và mỗi người cũng đều đặc biệt theo cách của riêng mình.



Mọi người tham gia cùng chụp ảnh với diễn giả.


 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48
Đang tải...