CSGT không được tự ý trưng dụng phương tiện

2016-02-01 14:01:12 0 Bình luận
Chỉ trong một số trường hợp đặc biệt, CSGT mới được trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện liên lạc của người đi đường.

Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT sẽ có hiệu lực từ ngày 15-2. Trong đó, việc quy định cho phép CSGT được “trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển”, đồng thời “có quyền sử dụng phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật” đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Phải có lệnh của bộ trưởng Bộ Công an

Trao đổi với phóng viên, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), cho biết việc trưng dụng được tiến hành trong những trường hợp vì mục đích quốc phòng, an ninh trong những điều kiện nhất định hoặc cứu hộ, cứu nạn. “Thực ra, phương tiện của CSGT bây giờ đã tốt hơn nên quy định này mang tính dự phòng. Bình thường chỉ là huy động phương tiện giao thông, phương tiện liên lạc của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo Luật Công an Nhân dân. Còn nếu nói trưng dụng thì phải người có thẩm quyền, theo luật là của bộ trưởng Bộ Công an và khi có lệnh thì người dân phải thực hiện”- Thiếu tướng Quân nói.

CSGT đang làm nhiệm vụ trên đường Mai Chí Thọ, quận 2, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
CSGT đang làm nhiệm vụ trên đường Mai Chí Thọ, quận 2, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Giải thích rõ hơn, trung tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Tuyên truyền, Cục CSGT (C67, Bộ Công an), cho biết theo Luật Công an Nhân dân, công an có quyền huy động, trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện theo quy định trong các tình huống cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra. Ví dụ trường hợp CSGT Đội 5 ở Hà Nội bị kéo lê, CSGT có quyền trưng dụng phương tiện để truy đuổi tài xế. Người có phương tiện bị trưng dụng không chấp hành thì căn cứ vào hậu quả, tính chất, mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự. “Dĩ nhiên, CSGT phải nói rõ mục đích và đề nghị người dân hợp tác. Khi phương tiện bị hư hỏng do việc trưng dụng gây ra thì đơn vị trưng dụng phải bồi thường” - trung tá Nhật nói thêm.

Người dân có quyền ghi hình CSGT

Liên quan đến quyền dừng phương tiện của CSGT dù người dân có vi phạmluật giao thông hay không, trung tá Nhật cho biết CSGT chỉ được dừng phương tiện trong các trường hợp: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị nghiệp vụ phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ; thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cục trưởng Cục CSGT hoặc giám đốc công an cấp tỉnh trở lên; thực hiện kế hoạch tuần tra xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của trưởng phòng tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT, trưởng phòng CSGT hoặc trưởng công an cấp huyện trở lên; có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự... Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp; tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.


Về quy định cho phép CSGT ngoài kiểm tra giấy tờ người cầm lái còn được kiểm soát cả giấy tờ tùy thân của người ngồi trên phương tiện đó, nhiều ý kiến lo ngại quy định này có thể xâm phạm quyền riêng tư, cá nhân. Trung tá Nguyễn Quang Nhật giải thích quy định này không có gì mới và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, công dân phải có giấy tờ tùy thân như CMND, thẻ căn cước...


“Ở nước ngoài đã làm từ lâu, người dân ra đường không có hộ chiếu sẽ bị phạt. Việc kiểm tra xử lý người ngồi trên phương tiện khi không có chứng minh thư, hộ chiếu, thẻ căn cước đều có quy định trong các Luật Cư trú, Luật Căn cước công dân và việc xử phạt hành chính cũng căn cứ vào Nghị định 167 trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Khi dừng xe, CSGT phải thông báo lỗi vi phạm. Người dân có quyền hỏi mình bị lỗi gì và chứng minh mình không vi phạm. Người dân còn có quyền khiếu nại, khiếu kiện nếu không đồng ý với quyết định xử phạt nhưng không có quyền đòi xem kế hoạch, văn bản của CSGT” - trung tá Nhật lưu ý.


Về thắc mắc người dân có thể giám sát, ghi hình, chụp ảnh CSGT khi làm nhiệm vụ hay không, trung tá Nhật nhấn mạnh tất cả người dân đều có quyền được phản ánh, có quyền được quay phim, chụp ảnh, đặc biệt là phản ánh về những CSGT vi phạm điều lệnh, có dấu hiệu tiêu cực.

Nhiều điều cần làm rõ

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM), để Thông tư 01/2016/TT-BCA thực thi trong cuộc sống, phải xác định chi tiết hơn nữa về thẩm quyền trưng dụng của CSGT nhằm tránh sự lạm quyền của người trưng dụng và sự bất tuân từ người bị trưng dụng. Theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008, chỉ bộ trưởng hoặc chủ tịch tỉnh mới có thẩm quyền và phải ban hành bằng văn bản mới được trưng dụng tài sản.

Hơn nữa, thông tư không xác định khi CSGT trưng dụng tài sản thì người nào, phương tiện nào giám sát việc trưng dụng. “Khoảng hở” này là rủi ro lớn cho cả CSGT lẫn người bị trưng dụng. Thông tư cũng không quy định chi tiết về thủ tục và các loại giấy tờ khi trưng dụng trường hợp khẩn cấp, tức sử dụng lệnh miệng. Lấy ví dụ phương tiện bị trưng dụng là chiếc điện thoại thông minh chứa mọi dữ liệu cá nhân công việc. Nếu điện thoại hư, mất hết dữ liệu quan trọng sau khi bị trưng dụng (có đủ cơ sở chứng minh), đơn vị trưng dụng có đền bù được không?

Đối chiếu Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008, Thông tư 01 trái tinh thần và quy định. Nói cách khác, xét về giá trị thì quy định của luật chuyên ngành luôn có giá trị cao hơn trong tính thẩm quyền so với 1 văn bản ngành.

 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quảng Ninh: Hội thảo khoa học thúc đẩy động lực tăng trưởng phát triển kinh tế di sản của Quảng Ninh

Ngày 21/12, tại huyện Vân Đồn, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh”.
2024-12-21 19:31:32

Hải Phòng giao lưu nghệ thuật ‘Sáng mãi phẩm chất bộ đội cụ Hồ’

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Đài PT&TH Hải Phòng phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố tổ chức giao lưu chương trình nghệ thuật “Sáng mãi phẩm chất bộ đội cụ Hồ” vào tối 20/12, tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Tiệp.
2024-12-21 17:06:05

Sóc Sơn: Hơn 1.000 đặc sản vùng miền quy tụ tại Lễ hội mua sắm năm 2024

Tối 20/12, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn tổ chức Lễ hội mua sắm năm 2024. Đây là chương trình kích cầu mua sắm, tiêu dùng lớn nhất trong năm tại huyện Sóc Sơn.
2024-12-21 15:05:14

80 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam: Truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024).
2024-12-21 08:00:00

Triển Lãm Quốc phòng Quốc tế 2024: “Nâng tầm quốc phòng Việt Nam lên một bước mới”

Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2024 đã chính thức khai mạc, thu hút sự chú ý của hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều cường quốc quân sự lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Israel... Sự kiện này không chỉ là một dịp quan trọng để giới thiệu và trưng bày các thành tựu công nghiệp quốc phòng, mà còn mang tầm vóc quốc tế, thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng.
2024-12-21 02:34:58

Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội nhân dân Việt Nam - Niềm tự hào dân tộc

Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết "Quân đội nhân dân Việt Nam - niềm tự hào dân tộc"
2024-12-20 19:10:00
Đang tải...