Anh hùng La Văn Cầu: Phút giây chặt phăng cánh tay, lao lên chiến đấu

2020-08-18 22:39:46 1 Bình luận
Nhân dịp Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2020), chúng tôi có dịp tới thăm và lắng nghe câu chuyện chiến đấu hào hùng, vẻ vang của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân La Văn Cầu – người đã chặt phăng cánh tay bị thương để tiếp tục lao lên chiến đấu cùng đồng đội. Tên ông đã được nhắc tới với tấm lòng thành kính, nể phục, trân trọng và biết ơn: Anh hùng La Văn Cầu!

Khúc khải hoàn ca “Vang bóng một thời”

Ngay từ khi còn đi học, chúng tôi – những đứa trẻ ngây thơ vẫn thường truyền tai nhau bài vè:

“Anh Cầu ra trận

Giặc bắn què tay

Anh chặt phăng ngay

Mìn anh nổ trúng

Bịt lỗ châu mai

Giặc ngã sõng soài

Anh Cầu giỏi quá

Được Bác Hồ khen

Anh được nêu tên

Anh hùng quân đội”…

Những lời ca thuở ấy cứ ngân vang trong trái tim tôi, thôi thúc cho tôi động lực quyết tâm học tập, lòng dũng cảm, ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống muôn vàn khó khăn.

Anh hùng La Văn Cầu – vị anh hùng được nhiều người mến mộ, kính phục. Sự nghiệp chiến đấu của ông từng được đưa vào chương trình sách giáo khoa.

May mắn và vinh dự khi chúng tôi – nhóm phóng viên Tạp chí điện tử Hòa nhập được đến thăm nhà Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân La Văn Cầu – người đã chặt phăng cánh tay bị thương để ôm bộc phá lao lên bịt lỗ châu mai của địch, mở đường cho đồng đội xông lên chiến đấu. Anh hùng La Văn Cầu là một trong bảy người được Bác Hồ trao tặng danh hiệu “Anh hùng toàn quốc”, gồm: La Văn Cầu, Trần Đại Nghĩa, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị, Hoàng Hanh, Ngô Gia Khảm.

Ngôi nhà của Đại tá nằm khiêm tốn trên một con ngõ thuộc phố Tây Sơn (phường Quang Trung, quận Đống Đa, TP. Hà Nội), dưới tán cây rợp bóng mát trong lành. Đón chúng tôi là một người lính tuy đã 89 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn, niềm nở. Ông có nước da hồng hào, điểm chấm đồi mồi; đôi mắt sáng thể hiện rõ sự tinh tường. Ông bắt tay chúng tôi trong niềm hân hoan: “Ông đã đợi các cô các chú từ nãy giờ rồi. Ngồi xuống nghe ông kể về chiến tích Đông Khê oai hùng một thời nào!”

Mời chúng tôi tách trà sen nghi ngút khói, ông La Văn Cầu kể về quãng thời tuổi trẻ với những kỷ niệm khó quên . Anh hùng La Văn Cầu sinh năm 1931, tên thật là Sầm Phúc Hướng, người dân tộc Tày, quê thuộc bản Là Thoang, xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ông Cầu mồ côi bố từ nhỏ, khi mới lên 3, lên 4 nên thiếu vắng sự chở che, dạy dỗ của người cha. Khi ấy, người mẹ tảo tần mới chỉ 25 tuổi đã đi bước nữa để tìm chỗ dựa vững chắc để nuôi nấng cậu bé Phúc Hướng.

Cha dượng của ông tên Lã Văn Thanh – là một người đàn ông có sức ảnh hưởng lớn với cậu bé Phúc Hướng, hết lòng yêu thương, che chở, dạy dỗ cậu nên người. Tên Lã Văn Cầu cũng là cái tên mà sau này người cha dượng đặt cho cậu bé. Tuy nhiên, về sau khá nhiều người đọc nhầm, đọc chệch tên ông thành La Văn Cầu.

Mới 16 tuổi nhưng cậu bé thuở ấy đã hăng hái đăng ký tham gia đánh giặc với mục tiêu duy nhất: “Trả thù nhà, đền nợ nước”. Không đủ tuổi chiến đấu và là con một trong gia đình, cậu bé được các cán bộ trả về địa phương. Tuy nhiên, cậu bé La Văn Cầu với đôi mắt sáng lấp lánh, lòng quyết tâm cao độ đã khai tăng lên tuổi để được tham gia kháng chiến. Với cậu bé ấy, yêu nước là quét sạch lũ giặc ngoại xâm cướp nước.

Trò chuyện với ông La Văn Cầu đã gần 90 tuổi nhưng chúng tôi bái phục ông bởi trí nhớ siêu việt. Từng vị trí chiến đấu, căn cứ điểm và những kỷ niệm “sống chết” cùng đồng đội được ông kể lại trong không khí xúc động. Thi thoảng tôi lại thấy ông đưa khăn lên lau nước mắt. Những lúc ấy, tôi hiểu: ông đang nhớ quê hương, nhớ những người đồng đội cùng sát cánh “vào sinh ra tử”.

Năm 1948, khi tròn tuổi 16, ông Cầu đứng trong hàng ngũ của Đại đội 73 thuộc tỉnh Cao Bằng. Tới năm 1949, ông là chiến sĩ chiến đấu thuộc Trung đoàn 74 thuộc Sư đoàn 316 (Quân khu 2). Trận đánh Đông Khê là trận đánh mở màn nằm trong Chiến dịch Biên giới Thu Đông bởi Đông Khê có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Giữ được Đông Khê, ta nắm chắc được thắng lợi trong tay. Vì là trận đấu quan trọng nên Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp ra mặt trận chỉ huy: “Chúng ta phải đánh cho kỳ thắng, không được thua”.

Giai đoạn 1946 – 1949: Là thời gian phòng ngự, chuẩn bị mọi thứ từ nhân lực đến vũ khí, thuốc men. Đến năm 1950, quân ta quyết định mở cuộc Tổng tiến công hùng tráng khiến giặc phải khiếp sợ. Trong trận đánh lớn, đồng chí La Văn Cầu thuộc tiểu đội gồm 5 người, được giao nhiệm vụ đánh vào lỗ châu mai, lô cốt của địch.

Đạn bắn như mưa, khói bay mù mịt, cái chết cận kề nhưng không “chùn vai mỏi bước”. Quân ta quyết xông lên tiêu diệt giặc, sẵn sàng hy sinh máu xương để đổi lại nền độc lập, tư do của Tổ quốc. Và cứ thế, lần lượt 3 đồng chí chiến đấu cùng ông La Văn Cầu “ngã xuống”. Gạt đi giọt nước mắt, ông Cầu càng quyết tâm ôm bộc phá tới gần địch, diệt giặc để trả thù cho đồng đội.

Với dáng người nhỏ bé, vỏn vẹn 50kg, ông Cầu ôm quả bộc phá nặng 12kg xông lên chiến đấu, mở đường cho đồng đội tiến lên. Trong khi lao lên nhằm tiêu diệt địch, ông bị một viên đạn bắn trúng. Đạn khiến ông bị bất tỉnh, mê man. “Khi ấy, tôi tưởng tôi sẽ chết, toàn thân nhũn lại. Tôi ngã xuống, mê man, không biết gì. Từng kỷ niệm thuở thiếu thời cứ hiện lên như một thước phim quay chậm. Ở đó, tôi được gặp lại cha mẹ, bạn bè, hàng xóm...” – Ông La Văn Cầu bùi ngùi kể lại.

Nhắc về kỷ niệm chiến đấu, ông La Văn Cầu lại bồi hồi, xúc động.

Đến khi ông Cầu tỉnh dậy, đất đá kín đầy miệng và mắt. Viên đạn xoẹt qua má khiến một bên má mất đi, sưng rất to do nhiễm trùng và cánh tay phải bị thương nặng. Sờ lên đầu và ngực thấy không bị sao, ông vội vàng lần tìm trái bộc phá để tiếp tục lao lên nhưng chỉ cánh tay trái cử động được, còn cánh tay phải khi di chuyển lủng lẳng va vào cành cây rất đau. Lúc ấy, thấy vô cùng vướng víu, ông Cầu đã có một quyết định dũng cảm: Nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay phải bị thương.

Khi đề xuất ý kiến đó, đồng chí Nông Văn Phiêu – Đại đội trưởng ngăn cản: “Không được đâu cậu ơi! Cậu về đi cho người khác lên thay”. Tuy nhiên, ông Cầu nhất định không chịu nghe và nài nỉ đồng đội thực hiện. Nông Văn Phiêu biết không cản nổi liền đi mài thật sắc lưỡi lê của Nhật rồi chặt phăng cánh tay phải lủng liểng của ông Cầu, sau đó băng bó lại qua loa, sau đó ông Cầu tiếp tục chiến đấu, quyết hoàn thành nhiệm vụ được giao của trận chiến. 

Khi hồi tưởng lại những ký ức lịch sử ấy, ông vẫn không tin nổi đó là những lời cuối cùng mà người đồng đội nhắn nhủ với mình. Ông Nông Văn Phiêu cũng hy sinh trong trận đánh ấy. Ông Cầu là người duy nhất sống sót trong tiểu đội 5 người. Ông xúc động nói trong nước mắt: “Qủa thật đạn tránh tôi chứ tôi không tránh đạn. Suốt ba tháng sau khi chặt lìa cánh tay, đêm nào tôi cũng nằm mơ về trận đánh ấy, nhớ về giây phút đớn đau cùng những lời căn dặn xót xa của đồng đội. Cánh tay ấy – tôi dành để lại một phần xương thịt, một phần cơ thể cho trận đánh Đông Khê”.

Sau trận đánh, anh hùng La Văn Cầu vượt núi băng rừng về trạm xá. Vết thương ở tay bị hoại tử nặng, thâm tím lại. Các bác sĩ đã phải chặt gần đến vai mới giữ lại được mạng sống cho La Văn Cầu. Xoa xoa mỏm tay cụt của mình, ông nở nụ cười hiền hậu. Chúng tôi – thế hệ sau càng thêm hiểu và trân trọng hơn những đóng góp lớn lao, vĩ đại của cha ông đi trước, hiểu được những mất mát to lớn phải đánh đổi để gìn giữ độc lập Tổ quốc.

Tấm gương sáng thế hệ sau noi gương

Với những hi sinh và đóng góp lớn trong chiến quân của quân và dân ta, năm 1952, ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân khi đang là Tiểu đội phó thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Được phong hàm Đại tá từ năm 1985, ông được Nhà nước tặng Huân chương chiến công hạng Nhì, hạng Ba, Huân chương khánh chiến hạng Nhất. Ngoài ra, ông từng là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bức ảnh chụp khi ông Cầu vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bước ra khỏi trận đánh, trở về với đời thường với thương tích do chiến tranh. Anh hùng La Văn Cầu tập làm mọi việc bằng cánh tay trái. Ông là tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo về tinh thần quả cám, ý chí kiên cường, luôn khắc phục khó khăn, phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật cao và quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Trở về, ông tập trung học văn hóa, chính trị và trở thành một cán bộ tuyên huấn, chuyên trách công tác thanh niên ở Quân khu Việt Bắc. Năm 1952, ông La Văn Cầu được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ nhất, được Bác Hồ khen tặng và tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Năm 2019, khi TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị biểu dương tấm gương điển hình về người tốt, việc tốt, vinh danh 10 công dân Thủ đô ưu tú. Trong số 10 cá nhân được tặng thưởng có Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân La Văn Cầu.

Cuộc đời Anh hùng La Văn Cầu là một khúc “khải hoàn ca” vang dội, tráng lệ. Trong thời chiến, ông anh dũng chiến đấu, trở về với thời bình, ông lại là một người công dân ưu tú, là tấm gương sáng cho thế hệ sau.

Chia tay Anh hùng La Văn Cầu, những vần thơ đã đi vào lịch sử "Anh Cầu ra trận/ Giặc bắn què tay/ Anh chặt phăng ngay/ Mìn anh nổ trúng/ Bịt lỗ châu mai/ Giặc ngã sõng soài/ Anh Cầu giỏi quá/ Được Bác Hồ khen/ Anh được nêu tên/ Anh hùng quân đội”... vẫn âm vang bên tai chúng tôi như một lời nhắc nhở cần phải dũng cảm, nghị lực và luôn phấn đấu sống có ích cho cộng đồng và xã hội.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

1
0
0979099098

hay

Thái Nguyên vinh danh các cựu binh gương mẫu

10 tập thể, 23 cá nhân được Trung ương Hội CCB Việt Nam trao Bằng khen; UBND tỉnh Thái Nguyên trao Bằng khen cho 6 tập thể, 7 cá nhân; Hội CCB tỉnh Thái Nguyên cũng trao Giấy khen cho 36 tập thể, 60 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước “CCB gương mẫu” giai đoạn 2019-2024 tại Đại hội thi đua yêu nước vừa được tổ chức sáng 15/10.
2024-10-15 21:42:00

Khánh thành 2 công trình lớp học trị giá 12,5 tỷ đồng tại tỉnh Điện Biên do SHB trao tặng

Vượt qua những điều kiện khắc nghiệt về thời tiết, giao thông và địa hình, hai công trình lớp học do SHB tài trợ xây dựng tại huyện Tủa Chùa và Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã chính thức được khánh thành và đưa vào hoạt động.
2024-10-15 17:14:00

Nghề xoa bóp bấm huyệt giúp người mù huyện Nam Trực vững tin hòa nhập

Với 6 cơ sở xoa bóp bấm huyệt (XBBH), tạo việc làm cho hơn 30 lao động với mức thu nhập bình quân mỗi tháng 4,5 triệu đồng/người, riêng những hội viên có sức khỏe, kỹ thuật cao tại cơ sở XBBH số 195 Quán Chiền, TL490C, xã Nam Dương đạt mức thu nhập mỗi tháng 9 triệu đồng/người, Hội Người mù huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đang tự tin, gắn bó với nghề, nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng.
2024-10-15 15:57:44

Tân sinh viên trường báo hào hứng check in 'photo booth' ngày nhập học

Nằm trong khuôn khổ chương trình chào tân sinh viên “FPS 2024 - Time Capsule”, sự kiện check - in photo booth diễn ra từ ngày 14/10 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thu hút nhiều bạn sinh viên tham gia.
2024-10-15 13:49:42

Xác lập kỷ lục thế giới “Tháp Thần nông - tạo hình hạt lúa”

Trong các ngày từ 11 - 13/10/2024, tại Trung tâm sát hạch lái xe Đông Đô - KCN Lâm Bình, Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh; Công ty TNHH Kỹ thương Đông Đô phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích và Xúc tiến du lịch Bắc Ninh tổ chức Liên hoan bánh dân gian ba miền và kết nối du lịch Bắc Ninh.
2024-10-14 19:35:00

Để gậy trắng thực sự là bạn đồng hành của người khiếm thị

Gậy trắng đã trở thành biểu tượng quen thuộc của những người khiếm thị trên toàn thế giới. Nó không chỉ là một công cụ hỗ trợ di chuyển mà còn là dấu hiệu nhận biết giúp cộng đồng dễ dàng nhận diện và hỗ trợ người khiếm thị. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số lượng người khiếm thị sử dụng gậy trắng vẫn còn rất ít.
2024-10-14 16:11:56
Đang tải...