AIC trúng thầu dễ dàng: Quan trắc môi trường cũng 'độc quyền'
Thời gian qua, nhiều vụ sai phạm trong hoạt động đấu thầu bị phanh phui. Những vụ đại án về đấu thầu của AIC, Việt Á đã khiến dư luận rất bức xúc và lên án mạnh mẽ. Việc vi phạm trong đấu thầu ảnh hưởng vô cùng to lớn tới sự cạnh tranh lành mạnh và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị và sự vào cuộc của các cơ quan pháp luật, nhiều đối tượng tham nhũng, tiêu cực đứng sau các vụ đấu thầu trái luật đã lần lượt lộ diện.
Doanh nghiệp chi hoa hồng để trúng thầu
Vụ án tiêu cực đấu thầu của Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) đã khiến hàng loạt lãnh đạo, cán bộ nhiều địa phương vướng vòng lao lý.
Cuối năm 2022, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cựu chủ tịch Công ty AIC cùng cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái bị kết án trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Chưa dừng lại, vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện sản nhi Quảng Ninh của AIC lại khiến nhiều lãnh đạo cán bộ ở đây bị khởi tố.
AIC khiến hàng loạt lãnh đạo, cán bộ tại nhiều địa phương vướng vòng lao lý
Cách đây không lâu, Bộ Công an tiếp tục khởi tố cựu lãnh đạo của AIC trong vụ án mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. Nhiều lãnh đạo và người liên quan của Trung tâm này cũng không thoát trách nhiệm.
Theo báo cáo, đánh giá của nhiều cơ quan có thẩm quyền, qua các vụ án đã bị khởi tố, xét xử, nhiều chiêu thức giống nhau cùng được áp dụng. Việc doanh nghiệp chi "hoa hồng" là bắt buộc.
Theo đánh giá từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 59% doanh nghiệp tự hiểu "luật bất thành văn" khi đấu thầu mua sắm công phải chi "hoa hồng". Qua ba vụ đại án, mức này phổ biến 3-7% giá trị gói thầu.
Tình trạng doanh nghiệp trả "phí ngoài" để tăng khả năng trúng thầu khá phổ biến. Khảo sát trên hơn 9.200 doanh nghiệp, 59% doanh nghiệp coi việc này là "luật bất thành văn" phải tự hiểu khi tham gia đấu thầu. "Luật bất thành văn" trong vụ án AIC là trường hợp điển hình. Công tố viên khi buộc tội tại toà đã gọi đây là "cơ chế ngầm".
Đó là những gói thầu đã bị phanh phui sai phạm và được công bố. Vậy còn hàng loạt những gói thầu khác của AIC ở những địa phương khác, liệu có đảm bảo tính minh bạch và cạnh tranh công bằng theo Luật Đấu thầu?
AIC còn trúng thầu ở nhiều tỉnh thành
AIC tham gia vào rất nhiều hoạt động kinh tế ở các lĩnh vực. Kể cả gói thầu dự án “Giải pháp tổng thể nâng cấp Kênh Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam VOVTV từ tiêu chuẩn SD lên HD”, AIC cũng trúng. Ngoài những gói thầu giáo dục, y tế đều đã được báo chí truyền thông đưa tin và cơ quan pháp luật điều tra khởi tố, không thể không kể về những gói thầu tại Sở TN-MT các tỉnh. Có thể không phải tất cả gói thầu của AIC đều sai phạm nhưng nhà thầu này quả thật có mặt và thâu tóm khắp mọi nơi.
Ngày 8/8/2017, AIC trúng gói thầu tại Sở TN-MT tỉnh Bắc Ninh với 159 tỷ đồng. Cũng trong năm 2018, AIC trúng thầu “Xây dựng 03 trạm quan trắc nước mặt tự động trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu” của Sở TN-MT tỉnh Bạc Liêu giá 39,5 tỷ đồng.
Tháng 11/2018 Sở TNMT tỉnh Hưng Yên cũng mua trạm quan trắc tự động của AIC với giá chỉ 69,5 tỷ đồng;
Tháng 11/1018, Sở TNMT tỉnh Sóc Trăng cũng mua Hệ thống quan trắc môi trường tự động của AIC với giá 63.6 tỷ đồng;
Tháng 7/2019 tại sở TN&MT tỉnh Gia Lai mua sắm thiết bị quan trắc và phân tích môi trường cũng của AIC với giá 26,7 tỷ đồng.
Việc trúng thầu môi trường khắp nơi với giá khác nhau như vậy vẫn khó tránh khỏi hoài nghi, liệu có đảm bảo tính cạnh tranh công bằng và tạo cơ hội đầu tư thuận lợi, phát triển cho địa phương, có đảm bảo ngân sách nhà nước được sử dụng hiệu quả?
Tạo môi trường đấu thầu cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp
Trong các vụ án liên quan đến AIC, kết quả điều tra của cơ quan chức năng cũng xác định các bị can đã có hành vi thông đồng với đơn vị tư vấn thẩm định giá, ban hành chứng thư thẩm định giá theo giá cao hơn thị trường, móc ngoặc với nhà thầu và Công ty AIC để nâng giá thiết bị y tế. Tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, trong quá trình lập hồ sơ điều chỉnh dự án, hồ sơ đấu thầu 12 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, các cán bộ thuộc chủ đầu tư, Công ty AIC, đơn vị thẩm định giá đã thông đồng để "thổi giá” thiết bị, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 152 tỉ đồng.
Hiện nay, Luật Đấu thầu và Luật giá (sửa đổi) đang được dự thảo và lấy ý kiến rộng rãi nhằm bịt kín những kẽ hở lớn của pháp luật đang tạo điều kiện thuận lợi để cho các đối tượng lợi dụng, “lách luật” để trụng lợi từ hoạt động đấu thầu, mua sắm công trong thời qua.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, để sớm phát hiện những hành vi sai phạm trong hoạt động đấu thầu, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu ban hành những bộ nhận diện hành vi sai phạm trong đấu thầu đối với từng lĩnh vực cụ thể. Điều này sẽ giúp cho bất kỳ ai, dù cá nhân hay tổ chức đều có thể dễ dàng nhận diện những hành vi sai phạm. Luật Đấu thầu hiện hành và cả dự thảo Luật Đầu thầu (sửa đổi) cũng chưa đề cập về vấn đề này.
Để ngăn chặn những tiêu cực trong đấu thầu, mua sắm công, thời gian tới, song song với việc nhanh chóng sửa đổi bổ sung, hoàn thiện pháp luật nhằm bịt các lỗ hổng, cần tăng cường các hoạt động giám sát của xã hội, của các tổ chức xã hội… đặc biệt giám sát của báo chí. Điều này sẽ góp phần bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong đấu thầu.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.