Bại liệt vì nghề lặn: Bi kịch đến từ việc mưu sinh nơi đáy biển
Bi kịch từ nghề lặn
Cũng như những thanh niên lớn lên trên đảo Phú Quý, bước vào độ tuổi thanh niên, ông Trần Dậu (SN 1969) ở thôn Đông Hải (xã Long Hải, huyện Phú Quý) theo chân cha, chú ra biển. Được rèn giũa, ông quá quen với cuộc sống lênh đênh giữa khơi xa. Mong ước của người đàn ông này cũng là nỗi niềm của bao thanh niên trẻ khác, mang thật nhiều hải sản vào bờ, bán đi để có tiền chăm sóc tổ ấm của mình.
Ngoài 20 tuổi, khi đã tích lũy được ít kinh nghiệm đi biển cùng với chút vốn, ông Dậu cùng với khoảng 10 người khác trong thôn hùn tiền đóng một chiếc ghe để làm nghề lặn.
Trong dòng hồi tưởng của ông, nghề lặn thời đó ăn nên làm ra hơn hẳn những nghề biển khác. Thế nhưng ông trời giỏi trêu ngươi. Mới làm nghề lặn được khoảng 4 năm, tai họa ập xuống cuộc đời ông, đẩy gia đình ông vào tận cùng bi kịch.
Ông Đặng Dậu trở nên tàn phế sau một chuyến lặn xuống đáy biển cách đây 24 năm.
Ông kể, lần đó ông cùng anh em đến Gò Dài. Mỗi lần lặn xuống là 5 người, sau khi bắt được hải sản bỏ vào lưới thì giật dây để người trên ghe kéo lên. Cứ thế cho đến lượt ông, khi ông vừa lên ghe được 1 tiếng thì cơ thể bỗng nhiên tê tê, mất dần cảm giác. Nhận thấy điều không ổn, anh em đưa ông quay trở lại đảo. Thế nhưng khi về gần đến nơi, ông đã lịm đi, từ vùng bụng trở xuống tê liệt hoàn toàn.
“Từ đó đến nay cũng khoảng 24 năm, tôi sống đời tàn phế, đã không giúp gì thêm được cho vợ con, còn mang thêm gánh nặng”, ông Dậu bùi ngùi.
Ông nói rằng nhiều lúc muốn chết đi cho rảnh nợ, nhưng được người thân khuyên ngăn, ông sống nhưng cứ mang cảm giác tội lỗi, đau khổ.
“Tôi không thể tự chủ được cả việc đi vệ sinh của mình. Nhiều người bị giống tôi họ không cảm nhận được cảm giác mắc vệ sinh thì không nói, còn tôi cảm nhận được, biết đấy nhưng lại không thể tự chủ nữa”, ông tâm sự.
Cũng vì bị tai biến do nghề lặn khi còn quá trẻ, cuộc sống gia đình ông trở nên khó khăn, phải nhờ vào sự giúp đỡ của họ hàng. Thời điểm bị nạn, ông đã có 3 người con, 2 trai, 1 gái. Người con trai út vừa đầy năm.
Từ một thanh niên khỏe mạnh, ông phải sống cuộc đời tàn phế ở độ tuổi 27. Toàn bộ gánh nặng gia đình đè hết lên vai vợ của ông. Thế nhưng, bi kịch vẫn chưa dừng lại ở đó. Đang là những đứa trẻ bình thường, cả 2 con trai của ông bỗng trở nên ngây dại, chửi bới, la hét và hay bỏ nhà đi. Từ đó, vợ ông phải gồng gánh một gia đình có đến 3 người bệnh tật.
Đôi chân của ông Dậu đến nay không còn cảm giác nữa.
Đến hiện tại, toàn bộ thu nhập của gia đình ông phụ thuộc hết vào người vợ. Vợ ông đi quét rác cho trường học được 2,5 triệu đồng/tháng, cùng với tiền trợ cấp 1,2 triệu cho 3 người. Nhưng đến hơn hai phần ba trong số này là tiền thuốc cho ông và 2 người con. Người con gái lớn tuy bình thường nhưng đã lập gia đình, hoàn cảnh cũng không khấm khá và phải lo cho cuộc sống riêng.
“Giờ cuộc đời tôi coi như bỏ, chỉ mong sao 2 đứa con có thể bớt bệnh để tự lo cho cuộc sống sau này”, ông Dậu chia sẻ.
Nỗi niềm nhớ biển
Không quá bi kịch như ông Dậu, nhưng cuộc sống của ông Nguyễn Văn Thành (1979, thôn Đông Hải) chẳng khấm khá hơn là bao.
Cũng như những thanh niên vùng biển khác, ông Thành đi biển từ năm 16 tuổi. Ông Thành cùng các anh em khác thường làm nghề ở khu vực đảo Hòn Trứng (cách đảo Phú Quý 5-6 hải lý). Chính vì hiểu từng vùng cá, rạn san hô của vùng này, chỉ với dụng cụ rất đơn giản là kính mắt, ống hơi, ông có thể lặn sâu hàng chục mét để bắt cá, hải sâm. Thế nhưng, tai ương bất ngờ ập đến vào 7 năm trước.
“Lúc đó tôi đang lặn để bắt hải sâm, 15 phút sau thì cơ thể bị tê, rồi chuột rút. Lúc đó anh em có thả tôi xuống biển lại nhưng không kịp nữa, tôi bị hoa mắt, tức ngực tưởng chết rồi. Anh em cho ghe vào đảo để đưa tôi đến bệnh viện nhưng không kịp nữa. Sau mấy tháng nằm viện thì tôi trở thành người tàn phế”, ông Thành nhớ lại.
Ông Thành gặp nạn cách đây 7 năm, đến nay chỉ ở nhà nhổ lông gà, lông vịt cho người ta để kiếm sống.
Thoát chết trong gang tấc, nhưng từ đó nghiệp biển với ông Thành cũng chấm dứt. Không chịu nổi cảnh phải chăm người chồng tàn tật, vợ ông bỏ đi, để lại con nhỏ cho ông chăm sóc. Một người tàn tật, thường xuyên bị những cơn đau nhức hành hạ lại phải chăm sóc con, ông Thanfnh trở nên tàn tạ. Mới 41 tuổi nhưng trông ông già hơn hẳn, cơ thể teo tóp, ốm yếu.
Từ ngày gặp tai nạn rồi vợ bỏ đi, ông Thành làm nghề nhổ lông gà, lông vịt thuê cho người ta với giá 20 - 30 nghìn đồng/con. Mỗi ngày, ông cũng kiếm đủ tiền rau cháo. Vì đau nhức thường xuyên, ông phải dùng thuốc. Tiền ăn còn chưa có, lấy đâu ra tiền mua thuốc thường xuyên, ông chỉ có thể uống ngày được ngày không. Vậy nhưng, thỉnh thoảng đâu đó trong tiềm thức, ông ước rằng mình có thể được tiếp tục ra khơi.
“Vừa rồi mạnh thường quân có tặng cho một chiếc xe lăn, tôi mới có thể đi ra ngoài cho khuây khỏa, chứ không cứ ở trong nhà thôi. Tôi ước hồi đó chữa trị kịp, cuộc đời tôi không thê thảm thế này”, ông nói.
Không quá bi quan, tuyệt vọng như ông Dậu hay ông Thành, ông Phạm Sinh (SN 1975) ở thôn Đông Hải lúc nào cũng nở nụ cười trên môi. Cuộc đời ông cũng chẳng khấm khá hơn những mấy bạn trong “biệt đội xe lăn” - cái tên ông Sinh đặt cho những người bị tàn phế vì nghề lặn biển. Từ người có cuộc sống khấm khá nhờ nghề biển, gia đình hạnh phúc, giờ đây cuộc sống của ông phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc xe lăn và nghề bán vé số.
Ông Sinh hoài niệm về một thời ngụp lặn dưới đáy biển quê hương.
“Tôi bị nay cũng 10 năm rồi, xương giờ mục hết rồi còn gì nữa đâu, mà buồn bã cũng để làm gì. Tôi nghĩ cứ vui vẻ đi, giờ còn sống được mấy ngày nữa đâu, đến đâu thì đến”, ông Sinh tươi cười nói.
Có lẽ sau nhiều năm sống cuộc đời tàn phế, những người đàn ông này đã không còn hy vọng về tương lai. Cuộc sống mưu sinh hàng ngày khiến họ dần quên mất cảm giác về biển. Thế nhưng đâu đó trong tâm thức, họ vẫn nhớ rằng mình là những người trưởng thành nhờ đạp đầu sóng ra khơi.
“Là dân biển mà giờ không đi biển được cũng buồn chứ, nhiều lần tôi thấy người ta đi biển lòng cũng xốn xao, nhưng cuộc đời mình vậy rồi. Giá mà ngày đó được điều trị đàng hoàng, có lẽ cơ hội quay lại nghề vẫn còn với tôi”, ông Sinh bần thần.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.