Bản tin Hoà Nhập ngày 28/2/2022: Việt Nam dự kiến mở cửa du lịch toàn quốc từ 15/3
Theo đó, nhằm đảm bảo mở cửa lại hoạt động du lịch an toàn, hiệu quả và chất lượng, Bộ VHTT&DL yêu cầu Sở quản lý du lịch các tỉnh/thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh/thành phố ban hành kế hoạch, phương án mở cửa du lịch phù hợp với địa phương, trên cơ sở tiếp tục thực hiện các hướng dẫn của Bộ VHTT&DL, Bộ Y tế và các chủ trương, văn bản hướng dẫn liên quan đến mở cửa lại hoạt động du lịch.
Chuẩn bị mở cửa lại hoạt động du lịch trên cả nước. Ảnh minh hoạ.
Các địa phương cần ban hành các chính sách kích cầu thu hút khách như giảm giá vé tham quan, tặng thêm dịch vụ trải nghiệm cho khách du lịch. Phổ biến, thực hiện các chính sách giảm phí cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, phí cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động của Trung ương và địa phương để khuyến khích các chủ thể tham gia tích cực phục hồi hoạt động du lịch.
Sở quản lý du lịch các tỉnh/thành phố phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn chuẩn bị cho mở cửa lại hoạt động du lịch, đồng thời xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.
Thu giữ hàng nghìn kit test, thuốc 'chữa COVID-19' không rõ xuất xứ tại Hà Nội và Hải Dương
Trên 5.000 que test nhanh COVID-19 bị lực lượng chức năng thu giữ.
Cụ thể ngày 25/2, khi kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ kỹ thuật TNT có địa chỉ tại số 5, lô A.2, khu đô thị mới Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Đội QLTT số 13, Cục QLTT TP. Hà Nội đã phát hiện và tạm giữ 5.000 bộ kit test nhanh COVID-19 do nước ngoài sản xuất; 600 máy đo nồng độ oxy trong máu. Theo ước tính lô hàng có trị giá khoảng 300 triệu đồng.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ sở hữu lô hàng có xuất trình đầy đủ hóa đơn chứng từ. Tuy nhiên trên sản phẩm không có đầy đủ nhãn phụ theo quy định của pháp luật. Đội QLTT số 13 đã tiến hành các thủ tục tạm giữ toàn bộ lô hàng. Theo dự kiến, đơn vị vi phạm sẽ bị phạt hành chính 30,5 triệu đồng.
Cũng trong ngày 25/2/2022, Đội QLTT số 11, Cục QLTT TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra Nhà thuốc Big Family Pharmacy tại địa chỉ số 88 đường Phú Cường, P. Phú Lương, Hà Đông.
Tại thời điểm kiểm tra, Đội đã phát hiện tại Nhà thuốc đang bày bán 130 bộ kit test nhanh COVID-19 Rapid Antigen Test không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.
Lớp 1-6 ngoại thành Hà Nội ngừng học trực tiếp
Học sinh trường Tiểu học Ngô Sĩ Kiện, huyện Thanh Trì, đến trường sáng 10/2. Ảnh: Phạm Chiểu
Sáng 27/2, tại cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Hà Nội, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết 15/18 huyện, thị xã ngoại thành đề nghị chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến với khối lớp 1-6 để đảm bảo an toàn cho các cháu (khi chưa được tiêm chủng). Sở đã trình đề xuất để UBND Thành phố quyết định.
Chiều cùng ngày, UBND thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất dừng học trực tiếp với hơn 500.000 học sinh lớp 1-6 ở 18 huyện, thị ngoại thành từ ngày 28/2, cho đến khi có thông báo mới.
Theo đánh giá mới nhất về cấp độ dịch, Hà Nội có 74 đơn vị cấp xã, phường ở cấp độ ba. Thành phố có ngày trên 10.000 ca mắc Covid-19. Khảo sát của Sở cho thấy, thời gian qua, tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 xấp xỉ 10% so với tổng số ca nhiễm, tương đương hơn 17.300 trẻ. Trong đó, gần 600 em phải điều trị tại các bệnh viện, chiếm 3,4%.
Trước đó, khối lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện, thị học trực tiếp từ 10/2. Tính đến 25/2, có 45,2% số lớp tiểu học và lớp 6 ngoại thành phải chuyển sang trực tuyến.
Nguyên nhân là số ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội trên dưới 10.000, trong đó không ít là học sinh, giáo viên. Nhiều phụ huynh không yên tâm nên cho con ở nhà học trực tuyến.
Hàng không đã sẵn sàng lên đường đón người Việt rời vùng chiến sự Ukraine
Các hãng hàng không Việt Nam đã sẵn sàng lên đường đưa công dân Việt Nam ở Ukraine hồi hương (Ảnh minh họa: Tuấn Mark).
Chiều 27/2, trao đổi với PV Dân trí, đại diện Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) thông tin, hãng đã lên kế hoạch và sẵn sàng về con người, máy bay để có thể triển khai các phương án theo chỉ đạo.
"Kế hoạch về thành viên tổ lái, tổ tiếp viên, đội ngũ kỹ thuật và các máy bay của hãng đều đã sẵn sàng. Khi có "lệnh" của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và nhà chức trách hàng không là phi hành đoàn có thể lên đường" - đại diện Vietnam Airlines cho hay.
Theo vị đại diện, vấn đề lớn nhất là Việt Nam không có đường bay kết nối với Ukraine, vì thế hãng đang nghiên cứu phương án về một điểm trung chuyển hàng không ở biên giới nước này. Việc này cần có sự thống nhất giữa nhà chức trách hàng không các nước để khai thác chuyến bay vận chuyển công dân Việt Nam rời vùng chiến sự Ukraine thuận lợi.
Chiều 27/2, Hãng hàng không Bamboo Airways cũng thông tin đã và đang chuẩn bị đầy đủ các phương án để vận chuyển công dân Việt tại Ukraine hồi hương theo chỉ đạo từ cơ quan chức năng.
Bắt giữ xe ô-tô chở gần 2 tấn nội tạng bò không rõ nguồn gốc
Lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện, bắt giữ lô hàng nội tạng không rõ nguồn gốc vận chuyển qua địa bàn.
Ngày 27/2, thông tin từ Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đang tiến hành các thủ tục để bàn giao lô hàng với số lượng gần 2 tấn nội tạng bò không rõ nguồn gốc cho cơ quan thú y xử lý theo đúng chức năng, thẩm quyền.
Trước đó, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với lực lượng CSGT phát hiện, bắt giữ xe ô-tô tải mang BKS 43H-01226 khi đang lưu thông trên quốc lộ 1A đoạn qua khu vực Đá Bạc, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Tiến hành kiểm tra, lực lượng Công an đã phát hiện trên xe có 19 thùng nội tạng bò không rõ nguồn gốc với tổng trọng lượng gần 2 tấn.
Tìm thấy 2 thi thể một phụ nữ và một trẻ em vụ lật ca nô ở biển Cửa Đại, còn mất tích 2 người
Ca nô chở khách ở Cửa Đại trục vớt trong đêm, bị vỡ - Ảnh: UB ATGT Quốc gia.
Sáng 27/2, chính quyền phường Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) cho biết lực lượng chức năng đã tìm thêm được 2 thi thể trong vụ chìm ca nô chiều 26/2 trên vùng biển Cửa Đại. Hiện cơ quan chức năng đang xác định danh tính các nạn nhân trên.
2 thi thể gồm em Ngô Minh H. (sinh năm 2010) và chị Nguyễn Thị Giản Đ. (sinh năm 1998, cùng quê Hà Nội). Hiện còn 2 nạn nhân mất tích là 2 cháu Nguyễn Minh Q. và Nguyễn Mai A. (cùng sinh năm 2019, cùng quê Hà Nội).
Tính đến nay, vụ tai nạn lật ca nô trên biển Cửa Đại đã khiến 15 người tử vong, vẫn còn 2 người chưa được tìm thấy.
Trước đó,Theo những nhân chứng còn sống, vụ chìm ca nô xảy ra khoảng 14h cùng ngày, ca nô do ông Lê Sen làm thuyền trưởng chở khách du lịch từ đảo Cù Lao Chàm vào cảng Cửa Đại. Khi cách bờ khoảng 2km, ca nô bị lật úp xuống nước, nhiều người chới với trong dòng nước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.