Bản tin Hoà Nhập ngày 4/1/2022: Học sinh từ lớp 7 ở TP.HCM đã trở lại trường
Theo khuyến cáo, người bệnh cần bổ sung thực phẩm dễ ngủ như tim sen, rau xanh, trái cây màu xanh...
Theo BS Hạnh, hiện nay, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân khỏi Covid-19 đến thăm khám hậu Covid-19, trong đó có 50% bệnh nhân bị mất ngủ.
Đặc điểm của virus SARS-CoV-2 là ưa khí nên sẽ làm tổn thương phổi và nhiễm trùng. Lúc này, cơ thể sẽ huy động toàn bộ miễn dịch để chống lại nhiễm trùng khiến hệ miễn dịch hoạt động quá mức ảnh hưởng gan, thận, tim... dẫn đến tình trạng mất ngủ.
Người trưởng thành từ 18-40 tuổi, giấc ngủ cần đạt từ 6-8 giờ/đêm, trên 60 tuổi cần khoảng 4-6 giờ. Ngoài ngủ đủ thời gian, chất lượng giấc ngủ còn là sau khi ngủ dậy, cơ thể có thật sự sảng khoái hay không. Nếu không trọn vẹn 2 tiêu chí này thì cần phải điều trị.
Mất ngủ do hậu Covid-19 nếu được chữa trị kịp thời, người bệnh phối hợp tốt với bác sĩ thì có thể chữa khỏi trong vòng từ 3-6 tháng.
TP HCM: Hôm nay thêm 680 nghìn học sinh được trở lại trường học
Ảnh minh hoạ.
Ngày 4/1, thêm khoảng 680.000 học sinh từ lớp 7 tại TP HCM trở lại trường học tập trực tiếp, bên cạnh gần 150.000 học sinh lớp 9 và 12 đã học trực tiếp từ ngày 13/12.
Theo quy định của Sở GD-ĐT TP HCM, việc tổ chức ôn tập, bổ sung kiến thức và kiểm tra học kỳ I năm học 2021-2022 được thực hiện trực tiếp tại trường từ ngày 4 đến 22/1.
Hiệu trưởng các trường được giao trách nhiệm tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức cho HS và tổ chức kiểm tra định kỳ theo đúng quy định.
Đối với HS khối 6 và HS thuộc các khối lớp khác vì lý do bất khả kháng không thể đến trường tham dự kiểm tra học kỳ trực tiếp trong khoảng thời gian trên thì được kiểm tra sau khi quay lại trường học tập và để được bổ sung kiến thức, khắc phục các hạn chế do học tập trực tuyến kéo dài.
Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp và kéo dài, HS khối 6 chưa thể đến trường học tập trực tiếp, Sở GD-ĐT thành phố sẽ có hướng dẫn kiểm tra học kỳ I cho khối này.
Cháy lớn tại Hà Nội khiến 3 người tử vong
3 nạn nhân được xác định tử vong trong vụ cháy này. Ảnh: Người dân cung cấp
Cụ thể, khoảng 21h30 ngày 3/1, đơn vị nhận được tin báo về việc một căn nhà trong ngách 79, ngõ 18 phố Định Công Thượng, quận Hoàng Mai phát ra tiếng nổ lớn, lửa và khói bốc lên ngùn ngụt.
Ngay khi nhận tin báo, Đội Cảnh sát PCCC Công an quận Hoàng Mai đã được điều động đến hiện trường phối hợp với Công an khu vực và người dân nỗ lực dập lửa. Đến khoảng 22h, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có 3 nạn nhân đã tử vong bên trong căn nhà.
Căn nhà bị cháy có diện tích khoảng 10m2, mái lợp bằng Fibro xi măng, tường gạch. Ngoài 3 nạn nhân tử vong được tìm thấy, lực lượng chức năng cũng phát hiện 2 xe máy cháy trơ khung, 1 bình gas loại 12kg, vật dụng trong nhà cháy hoàn toàn.
Nguyên nhân ban đầu xác định là nổ khí gas thoát ra ngoài phòng trọ.
Bé gái 13 tuổi rơi từ tầng 28 chung cư xuống đất tử vong
Chung cư nơi cháu bé 13 tuổi rơi lầu tử vong.
Ngày 3/1, Công an TP Thủ Đức, TP HCM đang điều tra làm rõ nguyên nhân bé gái 13 tuổi rơi lầu tử vong tại một chung cư trên địa bàn.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 21 giờ ngày 2/1, cư dân đang đi dưới khuôn viên chung cư Palm Heights (phường An Phú, TP Thủ Đức) thì nghe tiếng la hét từ trên cao. Khi mọi người chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì phát hiện 1 bé gái rơi xuống đất tử vong tại chỗ.
Được biết, em V. sống chung với mẹ ở căn hộ trên. Thời điểm em V. gặp nạn, người mẹ đang đi tập thể dục trong chung cư. Bước đầu, công an nhận định có khả năng em V. chơi đùa rồi té từ tầng 28 chung cư xuống đất tử vong.
Không khí Hà Nội sáng 4/1 ô nhiễm nhất thế giới
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình trạng sương mù tại Hà Nội kéo dài đến hết ngày 5/1.
Sáng 4/1, bầu trời Hà Nội chìm trong sương mù và bụi bẩn, không khí đặc quánh. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp diễn ra tình trạng này.
Lúc 9h, ứng dụng Airvisual cảnh báo chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) trung bình tại Hà Nội là 326 đơn vị. Với số liệu này, Hà Nội đứng đầu trong số các thành phố ô nhiễm không khí trên thế giới ngày 4/1. Thành phố New Delhi (Ấn Độ) đứng thứ hai với chỉ số ô nhiễm 259 đơn vị.
Hệ thống quan trắc của PamAir cho thấy chất lượng không khí ở nhiều nơi như Tây Hồ, Hoàn Kiếm vượt ngưỡng nguy hại với AQI trên 300 đơn vị. Các quận nội thành khác như Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng có AQI dao động 220-260, rất có hại cho sức khỏe con người khi tham gia hoạt động ngoài trời.
Chất lượng không khí được cải thiện hơn ở các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và nhiều quận, huyện ngoại thành. Chỉ số AQI ở những khu vực này dao động 150-190 đơn vị, có hại cho sức khỏe.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, không khí lạnh suy yếu và biến tính, cộng với các hoạt động thi công, di chuyển có tần suất cao khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô tái diễn. Các chất ô nhiễm không thể khuếch tán, kết hợp với sương mù tạo ra bầu không khí đặc quánh, tầm nhìn xa giảm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.