Bảo đảm tiến độ, chất lượng biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần rà soát, cắt bỏ các thủ tục, hoạt động không cần thiết trong quá trình biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Trong năm 2017, Hội đồng Chỉ đạo và Ban Chủ nhiệm Đề án phối hợp với cơ quan chủ trì là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã chỉ đạo các Ban biên soạn chuyên ngành tập trung vào việc hoàn thiện thuyết inh và dự toán của nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng Đề cương quyển chuyên ngành thuộc Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam".
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang cho biết dự kiến, năm 2018, sau khi nghiệm thu nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng Đề cương quyển chuyên ngành thuộc Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam", các quyển sẽ chính thức bắt tay vào biên soạn các muc từ đã được xác lập trong quá trình xây dựng đề cương năm 2017.
Việc xây dựng cuốn Cẩm nang biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam được thực hiện trên cơ sở 5 nhiệm vụ: Biên soạn khung mẫu cho một quyển chuyên ngành và biên soạn mục từ mẫu; xây dựng nguyên tắc xây dựng bằng mục từ; xây dựng nguyên tắc chính tả; xây dựng nguyên tắc phiên chuyển tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xây dựng nguyên tắc phiên chuyển tiếng dân tộc sang tiếng Việt. Ban Thư ký đã hình thành bộ tài liệu hướng dẫn trình Ban Chủ nhiệm và đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua 4/5 nhiệm vụ, đang chờ chỉnh sửa theo yêu cầu.
Ban Chủ nhiệm đã chỉ đạo Văn phòng Đề án thực hiện cơ chế tài chính thí điểm, phục vụ thanh quyết toán cho Đề án và các nhiệm vụ của 37 Ban Biên soạn chuyên ngành.
Các phần mềm "Hệ thống phần mềm quản lý nhà khoa học, nhiệm vụ khoa học, hội đồng khoa học và hỗ trợ tương tác tự động" và "Hệ thống phần mềm tự động thống kê, tra soát, chọn lọc, so sánh, phân loại mục từ và văn bản" phục vụ cho công tác Đề án đã xây dựng xong và đang được chạy thử để chính thức đi vào hoạt động.
Tại cuộc họp các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận về một số nội dung mang tính kỹ thuật, liên quan đến biên soạn mục từ của một số phân ngành; cơ chế khoán, thanh toán cho các nhà khoa học nhận xét, góp ý, phản biện các mục từ; thanh toán một số hoạt động khác...
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng sau gần 2 năm thực hiện, nhiều công việc đã dần đi vào nền nếp, cần tiếp tục xây dựng nguyên tắc hoạt động cho giai đoạn tới, rà soát, cắt bỏ các thủ tục, hoạt động không cần thiết.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chủ nhiệm đề án, các cơ quan liên quan cần có cơ chế giao quyền chủ động cho Trưởng ban biên soạn về sử dụng kinh phí chuyển cho các thành viên biên soạn, căn cứ vào tiến độ và chất lượng công việc, nhằm tránh trường hợp có thành viên nhận tiền những không làm hoặc có làm nhưng sản phẩm không đạt chất lượng.
“Cơ chế tài chính sau thời gian thí điểm cần xây dựng chính thức, theo hướng bổ sung, khắc phục những bất cập trong quá trình thực hiện. Các đồng chí cần chú ý việc xây dựng định mức, đơn giá đối với việc biên soạn mục từ cần khuyến khích theo hướng cô đọng, ngắn gọn nhất, tránh tình trạng đếm chữ lấy tiền. Thủ tục phải đơn giản để giúp nhà khoa học tập trung vào công việc biên soạn. Thời gian biên soạn nên đủ để các nhà khoa học thực hiện công việc một cách hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.
Theo kế hoạch, trong năm 2018, Ban Chủ nhiệm Đề án sẽ nghiệm thu 37 nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng Đề cương quyển chuyên ngành thuộc Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam"; triển khai biên soạn các mục từ, trong đó, ưu tiên biên soạn trước các mục từ chuyên ngành đặc thù; ban hành cơ chế tài chính chính thức...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.