Bao giờ có chính sách hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3?
Ông Nguyễn Khắc Bình và đứa cháu bị bại liệt vì nhiễm chất độc da cam
Ông Nguyễn Khắc Bình ở thôn Mỹ Thành, xã Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên) đã không biết bao lần khóc thầm vì nỗi đau da cam dai dẳng ở những đứa cháu nội của mình.
Năm 1972, ông Bình lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nam Bộ. Cuối năm 1975, ông phục viên về quê sinh sống và được hưởng chế độ bệnh binh. 5 người con của ông lần lượt chào đời mạnh khỏe, vậy nhưng, thứ chất độc quái ác đã âm thầm truyền sang thế hệ thứ 3 là cháu nội của ông.
Con trai ông Bình, anh Nguyễn Khắc Hùng xây dựng gia đình lần lượt sinh 3 người con và đều khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Nhưng cứ lên 3, lên 7 thì đều bị bại liệt nằm một chỗ. Tuy nhiên, trong 3 người con của anh Hùng chỉ có đứa con út dưới 18 tuổi được hưởng chế độ bảo trợ hàng tháng.
“Khi đưa các cháu đi khám, bác sỹ thông báo cháu bị nhiễm chất độc da cam, lúc đầu tôi chưa tin vì các con tôi sinh ra đều bình thường. Đến khi nghe nhiều thông tin trên báo đài, tôi nhận ra cái thứ chất độc chết người mà quân đội Mỹ rải xuống trong chiến tranh lại tác động ghê gớm đến chính mình và cháu” - ông Bình nghẹn ngào kể.
3 đứa cháu ông Bình bị di truyền chất độc da cam từ ông nội
Ôm đứa cháu nội 6 tuổi vào lòng, bà Lê Thị Mai ở phường Đại Nài (Tp Hà Tĩnh) kể cho tôi nghe về gia đình mình. Chồng bà, ông Trần Hậu Trung từng chiến đấu ở mặt trận phía Nam khu vực sân bay Biên Hòa, Bình Trị Thiên. 14 năm về trước, ông mất vì ung thư dạ dày.
Di chứng của chất độc da cam đã ảnh hưởng đến 2 người con trai của ông bà là Trần Hậu Quang và Trần Hậu Hoàng khi thần kinh không bình thường. Đến thế hệ thứ 3, con trai của anh Quang nhanh nhẹn, khỏe mạnh nhưng bác sỹ chuẩn đoán cháu có đầu to, không được bình thường so với những đứa trẻ khác.
Như rất nhiều gia đình bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin ở Hà Tĩnh, vợ chồng bà Mai từng trải qua những ngày tháng cơ cực. Họ phải vất vả kiếm sống để nuôi những người con, cháu bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Anh Trần Hậu Quang bị nhiễm chất độc da cam từ bố. Con trai anh Quang cũng có biểu hiện đầu to hơn bình thường
Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Tĩnh, toàn tỉnh có gần 6.500 nạn nhân chất độc da cam/dioxin được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, còn hơn 400 nạn nhân thế hệ thứ 3 và chưa được hưởng chế độ. Đa số các trường hợp này đều có cuộc sống khó khăn, bệnh tật triền miên và ngại tiếp xúc, giao lưu, hòa nhập cuộc sống.
Ông Nguyễn Quang Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Tĩnh cho biết: "Hiện nay, Nhà nước chưa có chế độ, chính sách nào hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3. Phần lớn họ chỉ mới được hưởng chế độ hỗ trợ của người khuyết tật. Để họ có thêm điều kiện vượt qua khó khăn, bệnh tật, ổn định cuộc sống, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã nhiều lần kiến nghị các cấp, ngành xem xét có chính sách hỗ trợ thỏa đáng đối với nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.