Chuyện về sư thầy chuyên tái chế xe lăn cho người khuyết tật
Sư thầy Đức Minh, tại tràng đạo An Viên (quận 12, TP.HCM) suốt 7 năm qua giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Trí thức trẻ, thầy Đức Minh cho biết, năm 2017 theo đoàn từ thiện vào Bệnh viện Phục hồi chức năng ở quận 8, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (quận 5). Tại đây, chứng kiến những cuộc đời thiệt thòi, đau đớn vì bệnh tật, mất khả năng lao động khiến thầy muốn làm gì đó để giúp đỡ họ.
Chiếc xe lăn do thầy tái chế (Ảnh: Tri thức trẻ)
Khi trở về chùa, thầy Đức Minh bắt đầu tìm mua xe lăn cũ, với giá từ 200 - 300 nghìn đồng rồi về sửa lại. Cũng từ đó, thầy tìm hiểu về cấu trúc của xe lăn, mày mò đi tìm mua từng phụ tùng như để lắp ráp.
"Có chiếc nhận về chỉ có khung sắt thôi, có phần còn rỉ sét do bệnh nhân người ta ngồi lên xe để tắm. Đây là nguyên nhân khiến xe dễ xuống cấp nhất. Tôi xuống Chợ Lớn (quận 5) để tìm mua bánh xe, vỏ xe, tấm gỗ, miếng vải bố... Nói chung thiếu cái gì, mình mua phụ kiện để đắp cái đó. Chiếc xe chính là đôi chân của người khuyết tật, vì thế, tôi muốn làm cho nó thật vững chãi để họ an tâm và bước đi", thầy Minh nói.
Thầy Đức Minh bỏ tiền túi sáng chế xe lăn phù hợp với nhu cầu của mỗi người (Ảnh: Tri thức trẻ)
Dần dần thành quen, tính đến thời điểm hiện tại, thầy Minh đã làm ra được hàng nghìn chiếc xe lăn, gửi tặng bệnh nhân khuyết tật trên khắp mọi miền đất nước. Mỗi ngày, thầy Minh cùng các Phật tử có thể làm từ 3-4 chiếc xe, sau khi hoàn thành sẽ chuyển đến bưu điện.
Khi đóng xe lăn gửi đi, thầy Minh vẫn nhét thêm vào đó hộp khẩu trang, túi bánh... như một món quà nho nhỏ động viên họ vượt qua khó khăn.
"Đa phần, người ngồi xe lăn lâu sẽ gặp một biến chứng là lở loét thịt da. Mỗi chiếc xe lăn mà chúng tôi làm ra đều tương thích, phù hợp với người được tặng. Ví dụ, tôi sẽ hỏi họ tình trạng thế nào, có những người đi bán vé số, trên nóc phải có mui che, có bạn lại không đi vệ sinh được, tôi buộc phải có những thiết kế khác. Có người xe lăn bề ngang chỉ cần 30 cm, có người lại là 40 cm", thầy Minh tâm sự.
Một phật tử giúp thầy Đức Minh lau dọn xe lăn (Ảnh: Tri thức trẻ)
Không chỉ vậy, có những người khuyết tật từ xa đến TP.HCM chữa bệnh đã chọn đạo tràng An Viên làm nơi lưu trú. Mỗi lần như thế, thầy và các đệ tử lại tất tả chuẩn bị đủ số lượng quạt máy, chiếu, mền... để họ có một chỗ nghỉ tươm tất.
Cuộc đời vẫn còn bao nhiêu người tốt, những việc làm ấp áp nghĩa tình khiến người đời nể phục. Như anh Lê Huy Tích, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình).
Gần 20 năm trước, anh là một thanh niên mang đầy nhiệt huyết và hoài bão xây dựng quê hương. Thế nhưng, sau một vụ tai nạn đã biến anh thành người bại liệt, phải di chuyển trên xe lăn. Không buông xuôi, anh Tích vươn lên làm lại cuộc đời, bắt đầu với công việc sáng chế xe lăn cho người cùng cảnh.
Năm 2016, cùng số vốn tich cóp và vay mượn người thân, anh mở cơ sở sửa chữa xe điện, nghiên cứu chế tạo, lắp ráp thành công sản phẩm xe lăn đầu kéo điện dành cho người khuyết tật.
Sản phẩm xe ngày càng hoàn thiện với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, tiện dụng, giá thành hợp lý, nhiều người biết đến hơn. Kết cấu xe có phần đầu kéo riêng, dễ dàng lắp ghép với xe khác, giúp người dùng chủ động tháo lắp mà không cần sự giúp đỡ của người khác. Khi không cần đi xa, người dùng có thể tách rời đầu kéo và di chuyển bằng bánh lăn. Giá xe lăn đầu kéo điện trên thị trường khoảng 20 triệu đồng/chiếc, tại cơ sở của anh Tích từ khoảng 18 triệu đồng/chiếc, được khách hàng là người già, người khuyết tật tin tưởng. Tính từ năm 2016 đến nay, hàng trăm sản phẩm của cơ sở được cung cấp đến hơn 15 tỉnh, thành phố trên cả nước. Từ Yên Bái, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, đến Quảng Nam, Đắk Nông, TP Hồ Chí Minh...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.