Ký ức 40 năm của người mẹ về đứa con trai 17 tuổi hoá thành bất tử
Năm 1977, cùng với hàng ngàn hàng vạn thanh niên khắp mọi miền, chàng trai 17 tuổi Nguyễn Thế Tạo (sinh năm 1960) quê ở xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã tạm gác bút nghiên và ước mơ hoài bão lên đường vào chiến trường biên giới Tây Nam chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc.
Chân dung liệt sĩ Nguyễn Thế Tạo
Ở độ tuổi được xem là đẹp nhất của đời người, khi mà tình yêu vừa mới chớm nở, chỉ mới e ấp, cầm tay nhau, nhưng chàng thanh niên ấy đã gác lại niềm vui riêng rời xa gia đình, rời xa người thương yêu vì nhiệm vụ, vì lý tưởng cách mạng, một lòng quyết tâm chiến đấu vì sự bình yên của nhân dân, đất nước cùng lời hứa sẽ trở về. Ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi ấy, có khi chẳng đủ sức cầm khẩu súng, vậy mà anh Tạo vẫn xung phong ra trận tiêu diệt kẻ thù với một tinh thần "thép". Đối với anh, tình yêu cách mạng, yêu Tổ quốc đã trở thành lẽ sống và cống hiến.
Những ngày tháng đó, nơi chiến trường khốc liệt với nỗi nhớ nhà da diết những lá thư tay vẫn đều đặn được biên về cho gia đình, người thương thông báo tình hình cùng những hẹn ước bâng quơ, có khi chôn chặt nỗi niềm vì ngày trở về mong manh… Bởi với chàng thanh niên năm ấy đứng trước cuộc chiến chưa biết ngày nào kết thúc thì tất cả những nỗi niềm đều phải gói gém và dấu kín trong tim, để tiếp tục kiên cường đứng vững.
Thế nhưng, mới vào chiến trường chưa được một năm thì bom đạn vô tình đã cướp anh đi khi tuổi xuân còn quá trẻ để lại người mẹ già cùng 6 em thơ nơi quê nhà và mối tình dang dở.
Anh đã chiến đấu ngoan cường, cống hiến tuổi thanh xuân, cống hiến máu xương để quê hương, đất nước vui trong hòa bình, trong sự tiếc thương của đồng đội. Ngày anh đi, bầu trời vẫn vậy, nơi quê nhà mẹ già vẫn hằng đêm mong mỏi hướng về biên giới Tây Nam và người con gái anh thương vẫn giữ niềm chung thủy đợi chờ.
Mẹ của liệt sĩ Nguyễn Thế Tạo, bà Bùi Thị Niêm năm nay đã 85 tuổi. Trong ký ức nhớ nhớ quên quên của người mẹ tóc đã điểm bạc, mỗi khi có ai đó nhắc nhớ về con trai thì nước mắt lưng tròng. Với bà mất mát ấy mỗi lần nhắc đến như vết sẹo chạm tới còn đau.
44 năm qua đi, thể trạng dù yếu đi nhiều, song tâm trí bà không hề quên những chuyện của ấu thơ, của quá khứ. Người mẹ ấy vẫn đang miên man trong những kỷ niệm tươi đẹp, đắm chìm trong ký ức về cậu con trai Nguyễn Thế Tạo ở cái ngày anh mới 17 tuổi. Ngày ấy, bà cũng nơm nớp lo sợ sự an nguy của con, nhưng khác với những bà mẹ khác, bà đã ủng hộ anh Tạo tham gia kháng chiến với lòng tin vào lời hứa của con trai: “Mẹ ở nhà cứ yên trí, con nhất định trở về”.
Bà Bùi Thị Niêm- Mẹ của liệt sĩ Nguyễn Thế Tạo
Nhưng khi mà những lá thư tay không còn nhận được, tin tức về anh Tạo cũng không có, bằng linh cảm thiêng liêng của tình mẫu tử, mẹ Niêm cứ bồn chồn nghĩ tới chuyện chẳng lành. Trong sâu thẳm của người mẹ ấy, vẫn ngóng trông, chờ đợi và tin rằng con trai mình còn sống, chờ một ngày được đoàn tụ.
Ngày nhận tin anh Tạo hi sinh khi đang làm nhiệm vụ, mẹ Niêm suy sụp, bàng hoàng không thể tin vào sự thật. Đau đớn hơn, liệt sĩ Nguyễn Thế Tạo hi sinh, không còn lại bất cứ hiện vật gì, cũng không có thông tin về hài cốt của anh. Lại thêm một lần nữa, người mẹ già ngóng đợi tin, mong một ngày được đón người con trai hi sinh trở về.
Đằng đẵng 24 năm nỗ lực kiếm tìm thông tin con, không phụ lòng người, đến năm 2002 mẹ Niêm đã được ôm hình hài đứa con trai yêu quý gói gọn trong lá cờ Tổ quốc mà nghẹn ngào: "Mẹ đợi được con rồi”.
Hơn 4 thập niên qua, cờ Tổ quốc luôn tung bay trên mái nhà của cụ Niêm như một sự ghi nhớ, tự hào về những trang lịch sử vẻ vang của dân tộc, của người con trai cả anh dũng.
Mãi mãi tuổi đôi mươi
Những Huân chương Chiến công giải phóng; Tổ quốc ghi công; Huân chương Chiến sĩ giải phóng… được Đảng và nhà nước truy tặng, gia đình liệt sĩ Nguyễn Thế Tạo vẫn luôn giữ gìn như báu vật.
Chiến tranh đã lùi xa, nước mắt còn rơi trong những hồi niệm nhớ quên của người thân và đồng đội, hình ảnh chàng thanh niên năm ấy vẫn luôn hừng hực sức trẻ và lý tưởng, mãi mãi sống tuổi mười tám đôi mươi đẹp tươi, vẹn nguyên tình yêu Tổ quốc.
Những câu chuyện, những hình ảnh về người liệt sĩ năm ấy là minh chứng cho những trang sử hào hùng của dân tộc, để những thế hệ mai sau không khỏi tự hào, quý trọng bình yên hôm nay./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.