Đất thép Củ Chi kỷ niệm 56 năm phong danh hiệu
Tham dự buổi họp mặt có mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ; Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ; Trung tướng Nguyễn Trường Thắng - Tư lệnh Quân khu 7...
Ông Nguyễn Minh Triết - Nguyên Chủ tịch nước trao hoa, chúc mừng địa phương Củ Chi nhân ngày họp mặt.
Với những chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai. Ngày 17/9/1967, tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam lần thứ 2, quân và dân huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trao tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng”.
Ông Phan Văn Mãi cùng và Nguyễn Thị Lệ (phía phải) , trao hoa chúc mừng đến lãnh đạo huyện Củ Chi.
Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Quyết Thắng – Chủ tịch HĐND huyện Củ Chi đã ôn lại những chiến công vẻ vang của dân và quân địa phương trong các cuộc kháng chiến. Trải qua hàng chục năm chiến tranh, toàn huyện có 11.000 liệt sĩ, 13.598 thương bệnh binh; 20.208 gia đình có công với cách mạng, 2.135 mẹ Việt Nam anh hùng.
“Khi quê hương sạch bóng quân thù, niềm vui, niềm tự hào dâng lên trong lòng mọi người dân huyện Củ Chi. Với sức mạnh của những dấu son lịch sử cùng sự hỗ trợ của Trung ương, Thành phố đã và đang tạo động lực thúc đẩy Củ Chi bước vào thời kỳ mới, tiên phong kiến tạo, xây dựng quê hương phát triển trên mọi lĩnh vực...” - ông Nguyễn Quyết Thắng chia sẻ.
Ông Nguyễn Quyết Thắng thông tin, ngoài nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, địa phương sẽ nỗ lực thực hiện công tác tri ân, đền ơn đáp nghĩa ngày một tốt hơn.
Bí thư huyện uỷ huyện Củ Chi nhấn mạnh, công tác đền ơn đáp nghĩa là công việc thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Đơn cử, huyện xây mới và sửa chữa 4.489 căn nhà tình nghĩa. Từ đầu năm 2020 đến nay, huyện đã vận động các nguồn hỗ trợ 500 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho người có công cách mạng; phụng dưỡng 31 mẹ Việt Nam anh hùng đang còn sống.
Qua 48 năm xây dựng sau giải phóng, huyện Củ Chi đã chuyển biến trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, công tác xây dựng Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị...
Ngoài danh hiệu cao quý “Đất thép Thành đồng” và tặng thưởng Huân chương Thành đồng Hạng ba vào năm 1967. Đến năm 1976, huyện Củ Chi vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Toàn huyện có 40 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Giai đoạn 1994 - 2004, huyện đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Năm 2015, Củ Chi là huyện ngoại thành đầu tiên của Thành phố được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2020 - 2021, huyện được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Năm 2023, huyện đón nhận Huân chương độc lập hạng 3 đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc...
Thay mặt lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, Trung tướng Nguyễn Văn Nam – Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố bày tỏ lòng tự hào với truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân Củ Chi. TP Hồ Chí Minh luôn khắc ghi và biết ơn sâu sắc sự cống hiến và hy sinh to lớn của các mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh và đồng bào. Tất cả cùng đồng lòng, đứng lên tham gia chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Trung tướng Nguyễn Văn Nam nhắc nhở các thế hệ sau cần nối tiếp truyền thống hào hùng của cha ông đi trước, ra sức thi đua phấn đấu xây dựng phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.
“Sự tri ân không bao giờ đủ nhưng sự tri ân của các thế hệ hiện tại và mai sau với các mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, gia đình chính sách, người có công cần phải thực hiện tốt và thực hiện thường xuyên...” – Trung tướng Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.
Trung tướng Nguyễn Văn Nam đề nghị địa phương cần thực hiện đầy đủ các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt là công tác chăm lo bằng nguồn xã hội hóa, chăm sóc các phần mộ liệt sĩ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ. Phải thể hiện đạo lý, bổn phận của những người đang sống là an tỏa hương linh người đã khuất, vơi nhẹ đi nỗi đau và niềm thương nhớ của người ở lại. Qua đó, góp phần củng cố, xây dựng niềm tin và sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Bác Hồ và nhân dân đã chọn.
Ngày 17/9 hàng năm, huyện Củ Chi tổ chức họp mặt nhân kỷ niệm 56 năm ngày địa phương được phong tặng danh hiệu "Đất thép thành đồng". Đây là một trong những dịp lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, huyện Củ Chi tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ, thăm hỏi động viên các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, người có công...
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Trung tướng Nguyễn Văn Nam trao hoa, mừng sức khỏe mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông. Mẹ Kiều Thị Nông (sinh năm 1936), được trao tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng từ năm 2014. Gia đình mẹ có truyền thống cách mạng khi mẹ của mẹ Nông cũng là mẹ Việt Nam anh hùng; cha, chồng, em và một người con của mẹ Nông là liệt sĩ.
Các đại biểu gửi lời thăm hỏi đến Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Tô Văn Đực (phía phải). Ông là một trong những người con đặc biệt ưu tú của vùng đất Củ Chi anh hùng. Năm 1967, ông vinh dự được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
Trước đó, sáng 17/9, đoàn đại biểu gồm lãnh đạo Thành ủy, UBND, HĐND, Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh, Quân khu 7 và các lực lượng vũ trang trên địa bàn đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ đã hy sinh tại Đền tưởng niệm Bến Dược và Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Củ Chi.
Những vòng hoa tươi thắm dâng lên như một lời khắc ghi, tưởng nhớ sâu sắc công ơn to lớn của bao thế hệ ông cha anh hùng, đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thắp hương các phần mộ liệt sĩ.
Ngay sau đó, đoàn đã đến thăm hỏi, trao quà và gửi lời động viên các gia đình mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn.
Ông Phan Văn Mãi gửi lời động viên đến mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Tám (sinh năm 1925, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi). Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh mong muốn mẹ Bùi Thị Tám luôn giữ gìn sức khỏe, tiếp tục là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ địa phương học tập và noi theo.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thăm mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phái (sinh năm 1914, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi). Năm nay tuy 109 tuổi nhưng mẹ Nguyễn Thị Phái vẫn rất minh mẫn, gửi lời cảm ơn đến quý lãnh đạo đã đến tận nơi thăm hỏi.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.