Đầy ắp tình yêu thương
Khám sức khỏe cho trẻ em có HIV được nuôi dưỡng thường xuyên tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội.
Miệt mài chăm sóc những mảnh đời kém may mắn
Gắn bó với những học sinh đặc biệt từ năm 2006 đến nay, anh Nguyễn Hữu Tuấn, Phòng Giáo dục và Hướng nghiệp, Trung tâm Phục hồi chức năng Việt Hàn, xã Đông Yên (huyện Quốc Oai) không thể nhớ hết bản thân đã chăm sóc, dạy dỗ, phục hồi chức năng cho bao nhiêu học trò. Song, chắc chắn rằng, mỗi ngày làm việc của anh Tuấn là một ngày có rất nhiều cung bậc cảm xúc. Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, anh Nguyễn Hữu Tuấn cho biết: “Học sinh của tôi là trẻ em mắc chứng tự kỷ hoặc khuyết tật nặng. Chương trình giảng dạy không thể theo giáo án, mà phải linh hoạt theo từng tình huống, từng dạng tật. Vì thế, tôi hạnh phúc khi thấy học trò tiến bộ từng ngày”. Ngoài giờ lên lớp, anh Tuấn còn thường xuyên dành thời gian hướng dẫn trẻ khuyết tật giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống, vui chơi, chăm sóc vườn cây ăn quả…
Chăm sóc, yêu thương những học trò đặc biệt như người thân, anh Nguyễn Hữu Tuấn cùng các đồng nghiệp đã giúp không ít người phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng. Điển hình là trường hợp em Nguyễn Diệu Linh, bị bại não có thể múa vờn, vượt qua 120 người khuyết tật khác để giành Huy chương vàng, đồng thời giành giải thưởng “Thí sinh được khán giả bình chọn nhiều nhất” tại cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin toàn cầu với thanh, thiếu niên khuyết tật”, diễn ra ở Hàn Quốc vào năm 2014. Hiện tại, Nguyễn Diệu Linh là học sinh của Trường Trung học phổ thông Xuân Mai (huyện Chương Mỹ).
Tương tự, nhiều năm qua, chị Ngô Kim Ngân, nhân viên Phòng Y tế - Nuôi dưỡng, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) trở thành người mẹ thứ hai của trẻ khuyết tật trí tuệ. Hằng ngày, chị Ngân dành nhiều thời gian tiếp xúc, vui chơi, nói chuyện với các cháu, giúp các cháu cảm nhận được tình yêu thương. Với những trẻ khó kiềm chế cảm xúc, thường có hành vi tiêu cực, chị Ngân nhẹ nhàng tìm cách giúp trẻ hướng đến những hành vi tích cực hơn.
Ngoài ra, còn nhiều cán bộ, nhân viên làm công tác bảo trợ xã hội miệt mài gieo những yêu thương cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, như chị Nguyễn Thị Hà, bà mẹ gia đình A1 của Làng trẻ em SOS Hà Nội; chị Đào Thị Huyền, Trưởng phòng Chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, xã Yên Bài (huyện Ba Vì); anh Chu Văn Hưng, cán bộ Phòng Tiếp nhận quản lý giáo dục dạy nghề, Trung tâm Bảo trợ xã hội I, xã Dục Tú (huyện Đông Anh)…
Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái đánh giá: “Trái tim nhân ái, tấm lòng bao dung, tinh thần làm việc nhiệt huyết, không quản ngại khó khăn, gian khổ của những cán bộ, giáo viên, nhân viên gắn bó với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các trung tâm bảo trợ xã hội đã và đang thu về những “trái ngọt”. Đó là sự hòa nhập xã hội của nhiều mảnh đời kém may mắn”.
Còn đó những nỗi niềm trăn trở
Trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ trẻ em có HIV, hơn ai hết, đội ngũ cán bộ, nhân viên, giáo viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các con. Chị Hồ Thị Thu Chín, cán bộ chăm sóc y tế cho hay, những năm gần đây, trẻ có HIV được đưa vào nuôi dưỡng tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 đều phát triển tốt. Qua đó có thể nhận thấy, nếu được chăm sóc đúng cách, uống thuốc điều trị đều đặn, trẻ có HIV vẫn sống khỏe mạnh, đủ khả năng hòa nhập xã hội. Tiếc rằng, đâu đó vẫn có những người còn kỳ thị, xa lánh trẻ có HIV; còn một số những đơn vị, doanh nghiệp chưa sẵn sàng đón nhận lao động có HIV vào làm việc…
Chung nỗi niềm, chị Đinh Thị Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Yên Bài B được phân công giảng dạy cho trẻ em bậc tiểu học tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội bộc bạch: “Ai cũng biết các cháu có HIV đến trường học không ảnh hưởng đến những người xung quanh, nhưng không phải ai cũng mở lòng đón nhận các cháu”.
Cùng với sự quan tâm, thấu hiểu và chia sẻ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đến độ tuổi lao động cần được định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Vì vậy, đại diện các trung tâm bảo trợ xã hội mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ tư vấn, tổ chức dạy nghề cho nhóm trẻ đặc biệt bằng nhiều hình thức linh hoạt. Với trẻ mồ côi, việc dạy nghề có thể triển khai tương tự như trẻ ngoài cộng đồng. Với nhóm trẻ khuyết tật, việc dạy nghề cần được tiến hành song song với học văn hóa và phục hồi chức năng. Đối với trẻ có HIV, nghề phù hợp nhất là máy tính văn phòng, thiết kế đồ họa…
Về vấn đề này, Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái khẳng định, những vướng mắc nêu trên không khó tháo gỡ. Nếu thấy các cháu đam mê, có năng khiếu với nghề nào, thì cán bộ các trung tâm bảo trợ xã hội chủ động đề xuất, giới thiệu cho các cháu theo học nghề đó. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu học nghề yêu thích.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.