Đi tìm niềm vui từ những điều nhỏ nhặt nhất
Anh Hòe chia sẻ: Mình sinh ra khỏe mạnh, phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, chỉ tới năm ba tuổi, trải qua một trận sốt co giật kéo dài đã khiến đôi chân của mình bị teo lại. Sự khiếm khuyết của đôi chân đã khiến mình không thể chạy nhảy, nô đùa với các bạn cùng trang lứa. Song, mình vẫn còn may mắn là vẫn tự đi lại được, dù việc đi lại rất khó khăn.
Anh Hòe cải tiến xe để tiện di chuyển ở địa thế nhỏ hẹp (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh Hòe kể tiếp: Thật buồn, căn bệnh quái ác trên, vẫn không chịu buông tha tôi. Rồi đến một ngày, khi tôi bước sang tuổi 15, thì một trận ốm nặng ập đến. Sau trận ốm đó, đôi chân tôi đã hoàn toàn không thể đi lại được nữa.
Mặc dù, sức khỏe bị giảm sút, việc đi lại không còn khả năng, song anh Phạm Công Hòe vẫn lạc quan, không than thân, trách phận mà chấp nhận thử thách số phận đưa ra quyết đi tìm niềm vui từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Sinh ra trong một gia đình đông con lại không có điều kiện về kinh tế, nên anh Hòe không có điều kiện cắp sách tới trường giống như nhiều gia đình khó khăn thời bấy giờ. Không được trải qua những năm tháng thiếu niên trên trường lớp, nhưng anh Hòe lại có một nghị lực kiên cường, không phụ thuộc hay dựa dẫm vào sự trợ giúp của người khác.
Mãi đến năm 16 tuổi, anh Hòe mới bắt đầu tiếp xúc với sách vở, nguyên nhân đến từ cuộc gặp gỡ của gia đình anh với một thầy phong thủy, xem tướng. Anh Hòe theo thầy học chữ với suy nghĩ: nhất định phải biết chữ mới có thể thành người. Tuy tiếp xúc với mặt chữ muộn màng, nhưng anh Hòe tiếp thu học với tiến độ rất nhanh, không cần tốn quá nhiều thời gian, chỉ trong vòng 1 tuần anh đã đọc thông viết thạo. Thấy anh học nhanh lại chăm chỉ, thầy đã truyền dạy nghề xem phong thủy cho anh. Sau 2 năm theo nghề này, nhận thấy không phù hợp với mình, anh Hòe đã quyết định dừng lại và đổi sang công việc khác để mưu sinh.
Rời nghề xem phong thủy, anh Hòe đã chuyển qua rất nhiều công việc khác nhau. Đầu tiên là làm pháo nổ, pháo hoa bán vào dịp lễ hội làng, hoặc ngày Tết... Được một thời gian, thì lệnh cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ được ban hành nên anh Hòe lại chuyển qua làm võng rồi làm liềm để bán ở đường làng các thôn, xóm. Làm những công việc đó, tuy vất vả, thu nhập thì bình thường, nhưng anh Hòe rất vui vì được làm việc và sống có ích cho đời.
Là một người bị khuyết tật vận động nên anh rất thấu hiểu và cảm thông với những khó khăn của những người cảnh ngộ. Trong suy nghĩ, anh luôn mong ước bản thân và những người cùng cảnh ngộ có được một phương tiện để di chuyển thuận tiện hơn mà không cần sự trợ giúp của người khác. Đây chính là động lực thôi thúc anh Hòe ngày đêm suy nghĩ, tìm hiểu và học hỏi về cách cải tiến và chế tạo xe điện.
Anh Phạm Công Hòe trên chiếc xe mình tự chế (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Sau một thời gian nghiên cứu anh Hòe đã bước đầu thành công tạo ra những chiếc xe điện có số tiến lùi, phục vụ cho người khuyết tật. Qua quan sát và rút kinh nghiệm từ bản thân, anh Hòe nhận thấy người khuyết tật tay chân yếu rất khó khăn trong việc lên xuống xe, do vậy anh tìm cách để cho ra đời chiếc xe thật nhỏ gọn, dễ lên xuống và có thể quay đầu trong địa thế nhỏ hẹp. Tuy điều kiện kinh tế có hạn, nhưng anh luôn mong muốn có thể góp một phần công sức của mình để phần nào chia sẻ gánh nặng với họ. Và thế là chiếc xe ba bánh tự chế nhỏ, gọn thuận tiện trong việc di chuyển đã ra đời.
Ngoài ra, để tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho những người cùng cảnh ngộ, anh Hòe đang có dự định mở một lớp dạy nghề điện tử dành cho người khuyết tật.
Trong tâm khảm anh Phạm Công Hòe luôn nghĩ: “Tự lực cánh sinh là điều tôi luôn hướng tới, hãy sống mà không trở thành gánh nặng cho xã hội hay bất kì ai bên cạnh mình!.. Cuộc đời sẽ thật dài và tẻ nhạt nếu chúng ta không tìm thấy người bầu bạn nhưng cũng thật ngắn ngủi để làm ấm trái tim của những ai đi cùng ta trong cuộc hành trình khó khăn đó! Vì vậy, hãy tự bước đi bằng “đôi chân” của riêng mình và trao đi năng lượng yêu thương khi còn có thể!”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.