Điểm cao 689 Khe Sanh: 50 năm nhớ lại..!
![]() |
Thương binh Nguyễn Văn Hợi, Trưởng BLL K3 Tam Đảo xúc động kể về đồng đội đã ngã xuống tại Điểm cao 689 |
Thương binh ¼ Nguyễn Văn Hợi, nhớ lại: Tại Điểm cao 689 này, cách đây 50 năm, đã diễn ra trận đánh quyết liệt giữa quân giải phóng và quân địch. Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, Đoàn Tân Trào, Quân khu Việt Bắc (nay thuộc Sư đoàn 346, Quân khu 1), chúng ta đánh bại hàng chục đợt phản kích của địch. Đặc biệt, rạng sáng ngày 8/7/1968, sau 11 ngày đêm giao tranh quyết liệt, Tiểu đoàn 3 đã đánh trận quyết định, tiêu diệt toàn bộ quân địch trên mỏm A, Điểm cao 689.
|
Lễ cắt băng khánh thành Bia tưởng niệm Điểm cao 689 |
Chiến thắng tại Điểm cao 689 góp phần quan trọng vào chiến thắng chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh và giải phóng Hướng Hóa năm 1968. Thương binh Nguyễn Văn Hợi, xúc động nói: "Với một quyết tử để giải phóng Khe Sanh, chúng tôi đã đánh chiếm được hoàn toàn Mõm A, cao điểm 689. Đến rạng sáng ngày 8/7/1968, sau khi đế quốc Mỹ không đánh chiếm được thì chúng dùng 90 phút bom Na – pan 250 bảng Anh hủy diệt toàn bộ căn cứ này. Trên dưới 200 đồng đội của chúng tôi không lấy được xác ai, cái giá của trên dưới 200 đồng đội ngã xuống đấy "rất đắt". Thế nhưng, lại làm được việc rất lớn là giải phóng toàn bộ huyện Hướng Hóa với trên một vạn dân".
Hàng trăm người con anh hùng đất Việt đã để lại khúc ca hùng tráng nơi Điểm cao 689, một cứ điểm được ví như đồi A1 của Điện Biên Phủ; để rạng sáng 8/7/1968, lá cờ giải phóng quân ngạo nghễ tung bay trong khói bom, đạn lửa trên Điểm cao 689 làm quân thù thất kinh báo hiệu cho chiến bại của Mỹ-ngụy tại cứ điểm Đường 9 - Khe Sanh.
Sau ½ thế kỷ, nay đi trên con đường bê tông mới dẫn lên Điểm cao 689, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Anh hùng LLVT Nguyễn Hữu Quyền (nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo năm xưa) nhớ lại: “Trước kia, đường đi chỉ có một lối mòn - cỏ dại, cây bụi mọc chen lối. Chiến tích oai hùng nơi Điểm cao 689 chỉ còn lại trong trái tim cán bộ, chiến sĩ K3 - Tam Đảo và dần bị bụi thời gian phủ mờ”.
Anh hùng LLVT Nguyễn Hữu Quyền cho biết: Chính CCB Nguyễn Văn Hợi là người không kể sức yếu (bị thương tật tới 81%), cất công đi tìm lại từng đồng đội, thu thập từng chi tiết về trận đánh và viết tâm thư gửi lên các cấp chính quyền, cơ quan chức năng. Tâm thư của ông đã được Bộ GTVT và Lữ đoàn 384 - đơn vị nhà thầu thi công các dự án giao thông và công trình trọng điểm trên địa bàn Quảng Trị phối hợp tài trợ và thiết kế thi công Công trình bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ trên Điểm cao 689. Hơn thế nữa, ông Hợi cùng ban liên lạc truyền thống Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo tiếp tục vận động xã hội hóa được 6,9 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng khu tưởng niệm Di tích lịch sử Điểm cao 689, Khe Sanh.
Để rồi, ngày 05/03/2016 tại Điểm cao 689, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Lữ đoàn 384 đã phối hợp với Bộ GTVT tổ chức Lễ khánh thành (Giai đoạn 1) Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, Đoàn Tân Trào, Quân khu Việt Bắc (QK 1) trong trận tập kích, đánh chiếm Điểm cao 689 – Khe Sanh năm 1968.
Công trình bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Điểm cao 689 được Bộ GTVT cung tiến, Lữ đoàn 384 thiết kế, thi công. Công trình thể hiện sâu đậm đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình cảm, sự tri ân của cán bộ, nhân viên ngành GTVT; cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 384;... đối với anh linh các Anh hùng liệt sỹ.
Và giờ đây Điểm cao 689 đã trở thành địa chỉ đỏ, địa chỉ quen thuộc để nhân dân địa phương cũng như đồng đội, người thân và gia đình của các Liệt sỹ đến thăm, tưởng nhớ những người con đất Việt đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
|
Chỉ huy Trung đoàn 246, BLL K3 Tam Đảo tặng quà gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách và hộ nghèo huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị |
Một số hình ảnh tại buổi lễ khánh thành Bia tưởng niệm giai đoạn 1:
|
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.