Doanh nghiệp có được sử dụng lao động là người khuyết tật không?
Thống kê của Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật từ cuối năm 2019 cho thấy, cả nước có gần 8 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, bằng 7,8% dân số, trong đó 40% người khuyết tật còn khả năng lao động. Đa số người khuyết tật trong độ tuổi lao động, sống ở nông thôn, gặp khó khăn về nhiều mặt. Cũng có rất nhiều doanh nghiệp sử dụng và hỗ trợ cho người lao động khuyết tật. Vậy khi sử dụng người lao động là người khuyết tật người sử dụng lao động cần lưu ý điều gì ? Đầu tiên quay lại định nghĩa người khuyết tật là gì ? Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Doanh nghiệp có được sử dụng lao động là người khuyết tật không?
Căn cứ theo quy định của Luật người khuyết tật 2010 quy định:
– Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật.
– Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật tùy theo điều kiện cụ thể bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật.
– Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về lao động đối với lao động là người khuyết tật.
Như vậy, doanh nghiệp có được sử dụng lao động là người khuyết tật nhưng phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về lao động đối với lao động là người khuyết tật.
Trách nhiệm của doanh nghiệp
- Đảm bảo điều kiện lao động phù hợp với người khuyết tật
Căn cứ theo Bộ luật lao động năm 2012, Doanh nghiệp phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với người khuyết tật và thường xuyên chăm sóc sức khỏe của họ bằng việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 06 tháng/lần.
- Phải tham khảo ý kiến lao động khuyết định khi quyết định chính sách liên quan đến họ
Trong trường hợp vi phạm sẽ bị phạt từ 1 – 15 triệu đồng, đồng thời, buộc thực hiện theo đúng quy định nêu trên.
- Không phân biệt người lao động khuyết tật với người lao động khác
Trong trường hợp vi phạm, bị xử phạt từ 3 – 5 triệu đồng.
- Không được sử dụng lao động khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Doanh nghiệp được sử dụng với trường hợp suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.
Ngoài ra, không được làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục do Bộ lao động thương binh và xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
Trong trường hợp vi phạm sẽ bị phạt từ 1 – 15 triệu đồng, đồng thời, buộc thực hiện theo đúng quy định nêu trên.
- Bố trí cho người lao động khuyết tật được nghỉ phép năm 14 ngày
Áp dụng đối với người lao động khuyết tật có đủ 12 tháng làm việc.
Những quyền lợi doanh nghiệp được hưởng
- Được miễn thuế Thu nhập doanh nghiệp
Áp dụng đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có có số lao động là người khuyết tật (phải có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền về số lao động là người khuyết tật) bình quân trong năm chiếm từ 30% trở lên trong tổng số lao động bình quân trong năm của doanh nghiệp.
- Được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm
Tuy nhiên, cần phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định;
– Dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án;
– Có bảo đảm tiền vay.
- Được hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cho người khuyết tật
Mức hỗ trợ theo tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định mức kinh phí hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cho cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật.
- Ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước
Nhà nước đưa ra những chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp khi sử dụng lao động là người khuyết tật. Việc ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật.
- Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước
Áp dụng đối với đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên.
Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật.
Trong thời gian được miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước, cơ sở sản xuất, kinh doanh không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước; không được thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn liên doanh, liên kết bằng quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.