Doanh nghiệp được tiếp thêm động lực

2021-10-11 11:04:13 0 Bình luận
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp bằng nhiều giải pháp tiếp thêm động lực cho khách hàng, doanh nghiệp để tập trung tái cơ cấu, đầu tư sản xuất - kinh doanh.

Doanh nghiệp được tiếp thêm động lực phục hồi

Theo báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tiếp 03 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5% - 2,0%/năm đối với lãi suất điều hành, giảm 0,6% - 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm), sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Kết quả mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1,0%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021 với mức giảm khoảng 0,55%/năm (tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước dịch).

Thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, 16 ngân hàng (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế), thông qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đã thống nhất nguyên tắc tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên đến 1,0%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam trong 5 tháng cuối năm 2021 đối với khách hàng, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, 16 ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng. Riêng 04 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách xã hội cho khách hàng, doanh nghiệp tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến ngày 31/8/2021, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch bệnh với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng. Lũy kế từ 23/01/2020 đến 31/08/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/8/2021 là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.

Tính đến 31/8/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ đồng, tăng 7,42% so với cuối năm 2020, tín dụng đối với các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm 2020, tín dụng các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, trong đó lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng cao hơn nhiều tăng trưởng tín dụng chung.

Chủ tịch HĐQT Sun Group Đặng Minh Trường cho biết, sự hỗ trợ có ý nghĩa lớn nhất đối với doanh nghiệp chính là việc NHNN ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để giúp cho các TCTD triển khai các giải pháp để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đặc biệt vừa qua, NHNN cũng đã tiếp tục ban hành Thông tư 14/2020/TT-NHNN sửa đổi và bổ sung một số điều của Thông tư 01. Trong đó, một số điều chỉnh và thay đổi rất quan trọng với nhiều chính sách hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời, Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ mới ban hành về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, với bốn nhóm giải pháp cụ thể nhắc đến việc NHNN sẽ tiếp tục xem xét để có những chính sách với lãi suất thấp hơn cho doanh nghiệp. “Đây là những việc làm rất có ý nghĩa, có ảnh hưởng rất quan trọng đến sự sống còn của các doanh nghiệp. Những chính sách này không chỉ góp phần tiếp sức cho các doanh nghiệp, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh trong dịch bệnh mà nó còn là cơ sở cho doanh nghiệp chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau dịch, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch” ông Trường nói.

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sun Group.

Chủ tịch HĐQT Sun Group cho biết thêm, Sun Group là khách hàng của Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB), những hỗ trợ kịp thời của MB đã giúp các doanh nghiệp như Sun Group tháo gỡ khó khăn về tài chính, ổn định dòng tiền và duy trì sản xuất - kinh doanh, chăm lo cho cán bộ, nhân viên ổn định cuộc sống trong dịch bệnh. MB cũng tạo điều kiện tối đa để khách hàng mua bất động sản của Sun Group có điều kiện và cơ hội vay vốn với lãi suất ưu đãi, thời gian ân hạn dài hơn. Đây là sự hỗ trợ hết sức có ý nghĩa bởi gián tiếp nâng cao uy tín thương hiệu bất động sản của Sun Group; đồng thời giúp cho khách hàng yên tâm gắn bó lâu dài và tin tưởng lựa chọn sản phẩm bất động sản của Sun Group cũng như dịch vụ của MB. “Với sự đồng hành, chia sẻ đầy trách nhiệm của các ngân hàng, đặc biệt là MB, doanh nghiệp được tiếp thêm động lực để tập trung tái cơ cấu, đầu tư sản xuất - kinh doanh, xây dựng những sản phẩm mới, sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi sau dịch”, ông Trường chia sẻ.

Hoàn thiện và triển khai chính sách, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng

Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát được Quốc hội và Chính phủ đề ra, NHNN xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho cả năm, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; thường xuyên rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và quản trị, điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, ưu tiên tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 tạo khuôn khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.

Ngày 07/9/2021, NHNN đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN, trong đó sửa đổi các mốc giới hạn thời gian khoản nợ được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh đang diễn ra, như mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ phát sinh từ trước ngày 01/8/2021, kéo dài thời gian áp dụng đối với khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022.

Tính đến ngày 31/8/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/01/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành hàng loạt các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Kịp thời ban hành các thông tư hướng dẫn và thực hiện tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ (quy mô 7.500 tỷ đồng). Đến ngày 10/9/2021, Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 367,5 tỷ đồng.

Sau hơn 2 tháng cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 17/9, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã phê duyệt 746 hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động với số tiền hơn 392 tỷ đồng để trả lương cho 112.397 lượt người lao động. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân được 382 tỷ đồng cho 730 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 109.373 lượt người lao động tại 63 tỉnh, thành phố.

Tiếp sau đợt giảm lãi suất cho vay hồi giữa tháng 7/2021, nhiều ngân hàng vừa tiếp tục công bố giảm thêm lãi suất để hỗ trợ và đồng hành cùng vượt qua đại dịch Covid-19. Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank vừa công bố tiếp tục thực hiện giảm mạnh lãi suất cho vay đối với 19 tỉnh, thành phía Nam, hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, Agribank đã chia sẻ, đồng hành cùng khách hàng và người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, như: cơ cấu lại, miễn giảm lãi, phí cho 12.500 khách hàng với dư nợ 30.109 tỷ đồng, cho vay mới hơn 203.000 tỷ đồng cho trên 50.000 khách hàng. Đồng thời, triển khai nhiều chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi, bao gồm: tăng gấp đôi hạn mức chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với quy mô 100.000 tỷ đồng, mức lãi suất, phí hỗ trợ tối đa 2,5%/năm; cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô 30.000 tỷ đồng, hỗ trợ mức phí tối đa 2,0%/năm; cho vay ưu đãi đối với khách hàng xuất - nhập khẩu quy mô 15.000 tỷ đồng và 300 triệu USD; cho vay khách hàng  lớn quy mô 15.000 tỷ đồng; cho vay khách hàng tiêu dùng quy mô 20.000 tỷ đồng; từ ngày 15/7/2021 Agribank giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5,0%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7,0%/năm trở lên.

Với việc hạ lãi suất lần này, Agribank dự kiến cắt giảm khoảng 7.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2021 để hỗ trợ khách hàng và nền kinh tế. Còn Vietcombank cũng công bố giảm lãi suất tiền vay trong thời gian từ ngày 18/8 - 31/12/2021 đối với tất cả doanh nghiệp và cá nhân ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam hiện đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, với TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, Vietcombank thực hiện giảm tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng; 16 tỉnh còn lại (Đồng Nai, TP. Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang), Vietcombank điều chỉnh giảm lãi suất tới 0,3% cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng. Lãnh đạo Vietcombank cho biết, đây đã là lần giảm lãi suất thứ 8 kể từ đầu năm 2020 đến nay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và thiên tai. Tính đến hết tháng 6/2021, tổng số tiền đã hỗ trợ giảm lãi cho khách hàng của Vietcombank lên tới hơn 5.400 tỷ đồng…

Giải thưởng “Nơi làm việc tốt nhất châu Á” được Tạp chí HR Asia trao cho MB.

Ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành MB cho biết, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua, ngay khi NHNN ban hành Thông tư 04, sửa đổi Thông tư 01, MB đã lập tức phối hợp với khách hàng để gia hạn gốc, lãi cho khách hàng. Về công tác hỗ trợ giảm lãi cho khách hàng, từ tháng 7/2021, MB dự toán giảm 1.000 tỷ đồng tiền lãi cho khách hàng. Tính đến đến đầu tháng 9/2021, MB đã giảm 560 tỷ đồng cho 104.000 khách hàng với tổng dư nợ khoảng 98.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng số khách hàng và tổng dư nợ được giảm chiếm khoảng 1/3 danh mục của MB.

Ông Ánh cho biết thêm, về đối tượng khách hàng được giảm lãi, căn cứ vào mức độ ảnh hưởng của khách dưới tác động của dịch Covid-19. Đối với các khoản lãi khách hàng đang vay tại ngân hàng, MB sẽ ưu tiên khách hàng đang có lãi suất cao, không dùng các gói ưu đãi tại ngân hàng, những khách hàng đang nằm trong vùng dịch, vùng bị phong tỏa đang thực hiện Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ. Mức giảm là 0,5% – 1,5% cho lãi suất cho vay. Khách hàng không cần bất cứ đề nghị hay thủ tục gì với ngân hàng. MB sẽ xem xét trên danh mục hiện có và thực hiện giảm ngay cho khách hàng, sau đó thông báo cho khách hàng bằng tin nhắn hoặc bằng văn bản.

Trong thời gian từ nay đến cuối năm và sang đầu năm 2022, để vừa tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế, NHNN tiếp tục triển khai một số giải pháp, điều hành tín dụng trọng tâm sau: (1) Tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; (2) Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; (3) Theo dõi, đôn đốc các TCTD trong triển khai Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chỉ đạo TCTD quyết liệt thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán; tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh Covid-19 nói chung, đặc biệt là vấn đề sản xuất, lưu thông hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm nói riêng với thời hạn và lãi suất hợp lý.

Phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg trong đó chú trọng sửa đổi, nới lỏng điều kiện tiếp cận chính sách vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...