Dự kiến 38.800 tỷ đồng hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025
Ảnh minh họa
Mục tiêu Chương trình đặt ra là phát triển mở rộng số lượng các tổ chức kinh tế tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) trong tất cả các ngành, lĩnh vực; các hợp tác xã gắn với thực hành sản xuất xanh, gắn với chuỗi giá trị và sản phẩm chủ lực của địa phương. Tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần cải thiện công bằng xã hội và ổn định kinh tế, chính trị, xã hội.
Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
Dự thảo nêu rõ, đối với bồi dưỡng: Ngân sách Nhà nước bảo đảm 100% kinh phí bồi dưỡng ngắn hạn trong và ngoài nước đối với cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, bao gồm: kinh phí đi lại, tài liệu, giáo trình, học phí, bảo hiểm, chi phí ăn, ở, sinh hoạt phí.
Đối với đạo tạo chính quy: Ngân sách Nhà nước đảm bảo 100% chi phí cho việc trả học phí, tài liệu học tập theo quy định của cơ sở đào tạo. Hỗ trợ chi phí ăn, ở cho học viên bằng 02 lần mức lương tối thiểu áp dụng đối với công chức đối với cán bộ, thành viên hợp tác xã; cán bộ, giảng viên về kinh tế tập thể trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; cán bộ Liên minh hợp tác xã các cấp, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị, chính trị- xã hội.
Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất hỗ trợ đưa cán bộ trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể. Đối tượng hỗ trợ là cán bộ, người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học cam kết làm việc lâu dài tại tổ chức kinh tế tập thể; tốt nghiệp các ngành phù hợp với nhu cầu của tổ chức kinh tế tập thể.
Mức hỗ trợ cán bộ bằng 02 lần mức lương tối thiểu áp dụng đối với công chức, tối đa trong vòng 03 năm/cán bộ, tối đa 02 cán bộ/tổ chức kinh tế tập thể/năm. Nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước bảo đảm 100%.
Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm lên tới 30 tỷ/dự án
Đối tượng hỗ trợ gồm các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp (gọi chung là hợp tác xã nông nghiệp).
Điều kiện hỗ trợ là liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã có số lượng thành viên lớn, địa bàn hoạt động rộng, chiếm ít nhất 50% tổng số hộ hoạt động kinh tế nông, lâm, ngư, diêm nghiệp cùng sản xuất một loại hàng hóa chung trên địa bàn. Ưu tiên những tổ chức kinh tế tập thể có tỷ lệ thành viên tham gia cao hơn; ở vùng khó khăn, miền núi, hải đảo.
Nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ kinh phí cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xây dựng kết cấu hạ tầng và trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng thành viên, bao gồm: Nhà kho, xưởng phân loại và đóng gói sản phẩm, xưởng sơ chế - chế biến; hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình thủy lợi, giao thông nội đồng trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp…
Ngân sách nhà nước hỗ trợ: 100% ở vùng đặc biệt khó khăn; 80% đối với các vùng khác; phần kinh phí còn lại được huy động từ những nguồn đóng góp hợp pháp khác. Mức hỗ trợ tối đa 30 tỷ/dự án quy mô cấp tỉnh, liên tỉnh, tối đa 05 tỷ/dự án quy mô cấp xã, huyện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin của Bộ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.