Hà Tĩnh: Cụ bà hiến đất 2 lần để giúp thôn "làm con đường thêm đẹp"
Sinh ra và lớn lên trên vùng bãi ngang ven biển xã Đan Trường, những năm từ 1960 đến 1965, cụ Trần Thị Xoan tham gia dân công hỏa tuyến tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Sau đó, cụ về quê sinh sống cùng gia đình, tham gia sản xuất nông nghiệp.
Cụ bà Trần Thị Xoan năm nay đã 84 tuổi
Cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng khi xã, thôn đến vận động hiến đất mở rộng đường giao thông trục thôn, ngõ xóm, cụ đã không ngần ngại “gật đầu” đồng ý. Năm 2014, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, khi thôn Trường Thủy mở rộng tuyến đường trục thôn qua nhà cụ Xoan, cụ đã sẵn sàng hiến khoảng 60 m2 đất.
Cụ Xoan nhớ lại: “Đất nhà tôi rộng gần 700m2, trước đây chuyên trồng lạc và cây ăn quả như na, mít... Khi đó thấy vườn rộng mà đường xóm thì chật hẹp nên tôi đã lùi bờ rào vào một vài mét đất để thôn làm con đường thêm đẹp”.
Nhờ người dân hiến đất, tuyến đường thôn Trường Thủy đã được mở rộng
Vào tháng 7/2021, khi thôn Trường Thủy tập trung xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, để thực hiện tiêu chí giao thông là vấn đề rất khó khăn bởi “tấc đất, tấc vàng”.
Tuyến đường ngõ xóm đi qua nhà cụ Xoan dài 120m nhưng chỉ rộng 2 - 3m và nhiều chỗ quanh co. Với quyết tâm hoàn thành tiêu chí giao thông, cán bộ thôn đã tập trung vận động các gia đình hiến đất để mở đường.
Đồng lòng cùng thôn xây dựng nông thôn mới, 6 hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất, phá cổng, đập tường rào để làm giao thông nông thôn, trong đó cụ Xoan hiến diện tích lớn nhất với 85m2 (trị giá khoảng trên 300 triệu đồng). Nhờ đó, giờ đây tuyến đường đã rộng 4,5 - 5m, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và tạo cảnh quan thoáng đãng cho vùng quê.
Cụ Xoan bày tỏ: “Lúc đầu, khi thôn chặt mấy cây cổ thụ trong vườn, tôi cũng tiếc lắm vì cây đã gắn bó với cả cuộc đời mình. Nhưng rồi tôi lại nghĩ mình già rồi, sống ngày nào vui vẻ ngày đó. Đất có rộng, khi chết đi rồi cũng không mang theo được nên mình hiến cho xã hội mở đường, sau này thế hệ con cháu đi lại thuận tiện hơn. Dù vườn có bị thu hẹp lại nhưng nhìn đường sá rộng rãi thông thoáng, bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi là tôi vui rồi”.
Cụ Trần Thị Xoan được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới năm 2021. Ảnh Báo Hà Tĩnh
Chị Nông Thị Yến – con dâu cụ Xoan chia sẻ: “Dẫu “tấc đất tấc vàng”, gia cảnh không khá giả gì nhưng vì xóm, vì thôn, khi mẹ hỏi ý kiến việc hiến đất, tôi rất đồng tình và ủng hộ góp một phần nhỏ làm đẹp hơn cho quê hương. Mẹ cũng thường xuyên dặn dò con cháu phải luôn sống có ích cho xã hội, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương”.
Ngoài tấm gương là bà Xoan, cụ bà Nguyễn Thị Nhung (SN 1928) là mẹ của liệt sỹ Phan Đình Thanh - người đã anh dũng chiến đấu và ngã xuống ở chiến trường miền Nam trong cuộc đấu tranh đánh Mỹ cứu nước. Năm nay, dù tuổi đã cao, sức yếu, nhưng cụ Nhung còn rất minh mẫn, hoạt bát và luôn toát lên tinh thần cống hiến và trách nhiệm với cộng đồng…
Lãnh đạo Ban dân vận và Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lộc Hà động viên, thăm hỏi cụ Nguyễn Thị Nhung.
Ông Phan Đình Bé - Trưởng thôn Đồng Xuân cho biết: “Khi nhắc đến cụ Nhung (tên thường gọi là cố Hạnh) thì làng trên, xóm dưới ai nấy cũng đều khâm phục bởi đức tính hy sinh, chịu thương chịu khó, sống chuẩn mực, có trách nhiệm với mọi người, tình nghĩa với xóm giềng và luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Khi xóm làm tuyến đường mới để kết nối đường trục thôn với các tuyến đường ngõ, cụ đã sẵn sàng hiến hơn 200m2 đất mà không đòi hỏi gì”.
Ra vườn nhìn con cháu đang cùng cán bộ xã, cán bộ thôn kiểm đếm đất đai, cây cối trước lúc mở đường (ngày 11/3/2022), trên sắc mặt cụ Nhung luôn thường trực một nụ cười đôn hậu và mãn nguyện. Suốt buổi nói chuyện, cụ không một lần đề cập đến chuyện mất đất hương hỏa, thiệt thòi quyền lợi... Ngược lại, cụ luôn niềm nở với mọi người, hăng say kể về những tháng ngày tham gia việc xã hội trước kia, hào hứng nói về những người bạn đã cùng làm việc với mình ở Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thạch Hà và rất phấn khởi khi nói về những đổi mới của quê hương.
Trưởng thôn Phan Đình Bé chỉ phần đất hàng trăm m2 trước đây gia đình cụ Nhung từng hiến để mở đường.
Khi được hỏi về chuyện hiến đất nhiều như thế cụ có tiếc hay không, cụ Nhung nói rằng: “Để có đường to đẹp, xóm làng khang trang, đi lại thuận lợi, bà con chòm xóm được hưởng lợi, con cháu được mở mặt mở mày thì có gì mà tiếc. Xã hội cần thì cứ lấy, xóm làng cần thì bà cho, các cháu cứ việc đo đếm cho đủ mà làm đường”.
Theo chị Phan Thị Tuyết (con gái cụ Nhung), “đây không phải là lần đầu mẹ tôi làm như thế này. Trước đây, mẹ cũng đã nhiều lần hiến đất để xóm, xã mở rộng 2 tuyến đường chạy dọc 2 bên nhà với diện tích lên đến hàng trăm mét vuông và nhiều cây cối lâu năm. Riêng phần đất hiến đợt này thì cách đây mấy năm gia đình đã phải tốn đến hơn 100 triệu đồng để độn đất, nâng vườn, xây tường bao, trồng cây ăn quả…”.
Ông Hoàng Hải Đường - Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ đánh giá: “Cụ Nhung là người cao tuổi mẫu mực, bản thân luôn gương mẫu và vận động con cháu đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương. Đặc biệt, khi chúng tôi đặt vấn đề mở đường, cụ đã sẵn sàng hiến ngay cả diện tích đất lớn, giá trị cao. Hành động của cụ Nhung rất đáng được biểu dương, nêu gương”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.