Hạt kiểm lâm Quế Phong - Nghệ An: Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
![]() |
Người dân xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong trao đổi kinh nghiệm bảo vệ rừng |
Hiện trên địa bàn huyện có trên 173.209,8 ha đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích có rừng là 145,023,08 ha. Với vốn rừng hiện có, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn đã được các cấp, ngành, chính quyền đặc biệt quan tâm. Trong đó, việc thành lập và vận hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã có tác động rất lớn làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ đó, đã ngăn chặn hiệu quả tình trạng đốt, phá rừng, các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng giảm đáng kể. Ông Lê Hải Lý, hạt trưởng hạt kiểm lâm Quế Phong, cho biết: Đến nay, đã có 5 đơn vị ký kết hợp đồng chi trả DVMTR, với số tiền hàng năm trên 5 tỷ đồng. Qua đó, đã tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng và UBND xã có rừng. Tính đến thời điểm này, các hộ gia đình, cá nhân, và tổ cộng đồng,... nhận bảo vệ rừng. Với diện tích 20,768 ha thuộc 5 xã (Đồng Văn, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Châu Kim) nằm trên 3 lưu vực thủy điện: Bản Cốc, Sao Va, Hủa Na. Với mức chi trả bình quân 273 ngàn đồng/ha/năm, góp phần cải thiện đời sống cho người dân.
Được biết, trước đây công tác bảo vệ rừng ở các địa phương gặp nhiều khó khăn nhưng từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, người dân ngày càng tham gia nhiều vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Nhiều hộ gia đình, cộng đồng có đất được giao đã lập nên hương ước, quy ước bảo vệ rừng. Ông Lô Văn Bảo, Tổ trưởng Tổ cộng đồng bản Mường Phiệt (xã Thông Thụ) chia sẻ: Được hưởng chính sách chi trả DVMTR, đời sống của người dân trong thôn được cải thiện, người dân rất tích cực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Cứ 3-5 ngày, chúng tôi thay phiên nhau đi kiểm tra khu vực rừng trên đất được giao, để kịp thời phát hiện những đối tượng vi phạm để báo cho các cơ quan chức năng.
Việc triển khai chính sách chi trả DVMTR không chỉ làm thay đổi nhận thức của người dân về công tác bảo vệ rừng, nâng cao ý thức trách nhiệm và hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát triển rừng của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng và chính quyền địa phương, tạo đà cho mối quan hệ giữa người dân với lực lượng Kiểm lâm gắn bó hơn, tạo thu nhập ổn định, bền vững cho người dân tham gia bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, tạo nguồn tài chính ổn định để chính quyền địa phương đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, giảm thiểu tình trạng mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao chất lượng rừng, chống biến đổi khí hậu… góp phần đáng kể vào việc làm tăng độ che phủ của rừng trong toàn huyện lên 44,1%. Số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng giảm rõ rệt, các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã giảm đáng kể. Nhiều hộ gia đình, tổ cộng đồng đã sử dụng nguồn kinh phí để chi trả cho việc tuần tra, phát dọn thực bì… Qua đó, từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp, tạo động lực vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.