Hội thảo khoa học 'Trung tướng Nguyễn Bình - Nhà quân sự tài năng, đức độ'
Sáng 21/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, tổ chức Hội thảo khoa học “Trung tướng Nguyễn Bình - Nhà quân sự tài năng, đức độ”. Hội thảo tổ chức nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Trung tướng Nguyễn Bình (30/7/1908 - 30/7/2023), nhằm khẳng định, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của ông với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Quân đội nhân dân Việt Nam, với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định – TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Đức Hải - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhìn nhận: “Kỷ niệm 115 năm ngày sinh Trung tướng Nguyễn Bình là một trong những hoạt động thiết thực để TP Hồ Chí Minh cùng nhau ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tri ân những đóng góp to lớn của ông với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng cho các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ...”.
Kỷ yếu hội thảo được in ấn, lưu giữ với 60 bài tham luận của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành phố; lãnh đạo Quân khu 7; Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành; các cơ quan nghiên cứu Trung ương, Thành phố; quê hương Trung tướng Nguyễn Bình, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu…
Với những tham luận, ý kiến đóng góp, hội thảo đã thể hiện một cách trọn vẹn cuộc đời, công lao, cống hiến, nhân cách tốt đẹp của Trung tướng Nguyễn Bình gắn liền với từng thời kỳ lịch sử: (1) Cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức cách mạng, tài năng, bản lĩnh của người anh hùng Nguyễn Bình; (2) Những đóng góp ông trong tổ chức và chỉ huy chiến đấu, xây dựng các cơ sở cách mạng, hình thành thế trận vững chắc tại Hải Phòng, chiến khu Đông Triều, chiến khu Duyên Hải - Bắc Bộ…trước năm 1945; (3) Những đóng góp ông tại chiến trường miền Nam và Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong kháng chiến chống thực dân Pháp; (4) Các bài học quý giá từ người anh hùng dân tộc; vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam nhìn nhận, với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, nhiều đồng đội và thế hệ sau này điều nhận thấy “cái đức, cái tài, cái dũng, cái nhân của anh Nguyễn Bình”, một vị tướng bằng hoạt động thực tiễn, đã để lại những dấu ấn đặc biệt.
PGS, TS Phan Xuân Biên – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhìn nhận, Trung tướng Nguyễn Bình là người mang dấu ấn đặc biệt trong quá trình hình thành và phát triển lực lượng vũ trang Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định.
Theo PGS, TS Phan Xuân Biên, Trung tướng Nguyễn Bình là một vị tướng lĩnh với nhiều kinh nghiệm chiến đấu tại nhiều chiến trường khác nhau, trong đó có vùng Nam bộ. Với tài năng, ý chí của một tướng lĩnh, ngay khi đến vùng đất Nam bộ, ông đã quan tâm đặc biệt đến vai trò, vị trí của đô thành Sài Gòn – Chợ lớn, vùng ven thành phố. Từ tháng 12/1945, người anh hùng Nguyễn Bình vừa là Tư lệnh quân giải phóng Nam bộ, vừa Khu trưởng Khu 7 và Chỉ huy lực lượng Sài Gòn.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu bế mạc hội thảo.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết: “Hội thảo khoa học “Trung tướng Nguyễn Bình - Nhà quân sự tài năng, đức độ” với các tham luận được các tác giả thể hiện đầy tâm huyết và trách nhiệm. Qua đó, giúp chúng ta có dịp suy ngẫm, soi rọi và liên hệ với trách nhiệm của cá nhân mình, cơ quan, đơn vị, địa phương mình, góp phần bồi dưỡng nhận thức, củng cố vững chắc niềm tin, tiếp tục thực hiện lý tưởng cách mạng toàn Đảng, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh tụ của Đảng đã dày công xây dựng, bảo vệ, phát triển, trao truyền lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau...”.
Trung tướng Nguyễn Bình - vị Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam
Ông Nguyễn Bình tên là Nguyễn Phương Thảo, sinh ngày 30/7/1908 tại thôn Yên Phú, xã Tịnh Tiến (nay là xã Giai Phạm), huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ngay từ nhỏ ông ra Hải Phòng ăn học và có điều kiện tiếp xúc với nhiều trí thức thông qua hoạt động của anh trai mình là Nguyễn Thế Nức - người trí thức yêu nước, tham gia sáng lập Hội Trí Tri và Hội Dục Anh.
Chân dung Trung tướng Nguyễn Bình - Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân.
Năm 1925, khi mới 17 tuổi, ông tham gia vận động học sinh Trường Kỹ nghệ Hải Phòng bãi khóa phản đối chính sách hà khắc của thực dân Pháp, tổ chức lễ truy điệu nhà chí sĩ Phan Chu Trinh. Sau đó, ông làm thủy thủ trên tàu viễn dương của Pháp, chạy tuyến Sài Gòn - Marseille (Pháp). Làm thủy thủ một thời gian, Ông bỏ việc, về sống ở Sài Gòn và được đồng chí Trần Huy Liệu móc nối, gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng (1928). Năm 1930, sau vụ khởi nghĩa Yên Bái của Quốc dân Đảng thất bại, ông cùng các cán bộ Trần Huy Liệu bị bắt, rồi bị Tòa đại hình Sài Gòn kết án 6 năm tù và đày ra Côn Đảo.
Năm 1935, sau khi ra tù ông Nguyễn Phương Thảo bị chính quyền thực dân trục xuất khỏi Sài Gòn, quản chế tại Hải Phòng. Tại đây, ông đổi tên thành Nguyễn Bình với ý nghĩa cùng ước vọng “bình thiên hạ”.
Tháng 10/1945, trước âm mưu và hành động gây hấn của thực dân Pháp hòng quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, tình hình cực kỳ khó khăn trong buổi đầu của cuộc kháng chiến ở miền Nam, ông Nguyễn Bình được Bác Hồ tin cậy cử vào chỉ huy cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.
Ngay khi vào đến Nam Bộ, ngày 22/10/1945, người anh hùng Nguyễn Bình đã viết bản Thông cáo số 1 gửi Nhân dân Nam Bộ. Không chỉ kêu gọi, ngày 20/1/1945, đồng chí Nguyễn Bình lấy tư cách là phái viên của Chính phủ Trung ương đã mời tất cả chỉ huy các lực lượng vũ trang ở Nam Bộ về họp tại An Phú Xã. Dưới sự chủ trì của ông, Hội nghị nhanh chóng thống nhất đặt tên các đơn vị thành chi đội, bầu ông là Tư lệnh Quân Giải phóng Nam Bộ.
Ngày 6/1/1946, ông triệu tập Hội nghị để thống nhất các chi đội, phân đội vũ trang nội thành, lấy tên là Ban Công tác thành, có nhiệm vụ vừa tiêu diệt địch, vừa tuyên truyền, vận động nhân dân kháng chiến ở nội thành. Đây cũng chính là tiền thân của lực lượng vũ trang biệt động Sài Gòn.
Tháng 6/1946, ông Nguyễn Bình được Trung ương Đảng phê chuẩn kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Trước những cống hiến, đóng góp quan trọng cho cách mạng, trong đợt phong quân hàm tướng đầu tiên vào tháng 1/1948, người anh hùng Nguyễn Bình đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh phong quân hàm Trung tướng, là Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Người anh hùng Nguyễn Bình là một trong 11 vị tướng lĩnh được phong hàm tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam vào năm 1948 - Nguồn ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.
Năm 1951, Trung tướng Nguyễn Bình được Trung ương triệu tập ra Bắc báo cáo tình hình Nam Bộ. Trên đường thi hành nhiệm vụ, ông bị địch phục kích và hy sinh ngày 29/9/1951 tại Campuchia. Năm 2000, với sự giúp đỡ của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Đoàn công tác Bộ Quốc phòng đã tìm thấy và đưa hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình về nước và mai táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Hồ Chí Minh. Trung tướng Nguyễn Bình được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.