“Khổ mấy cũng phải giữ, có chết cũng phải giữ”…!
Đô đốc Giáp Văn Cương sinh ngày 13/9/1921 trong một gia đình nông dân tại xã Bảo Đại, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Năm 1942, ông xin vào ngành hỏa xa, trước là Ký ga, sau làm Truwongr ga Quy Nhơn, Diêu Trì (Bình Định). Ông tham gia cách mạng tháng 1/1945, đến tháng 8/1945 là Ủy viên quân sự tỉnh Bình Định, phụ trách công binh xưởng Hoàng Hoa Thám; năm 1946, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đô đốc Giáp Văn Cương và Tổng Bí thư Lê Duẩn - Ảnh Tư liệu
Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã từng giữa chức vụ Tiếu đoàn trưởng Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 96; Trung đoàn trưởng Trung đoàn 84 và Trung đoàn 108 thuộc Liên khu V.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324, Sư đoàn 3 và Sư đoàn 2; Tham mưu trưởng Quân khu V; Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Mặt trận 44 Quảng Đà; Tư lệnh Quân khu IV.
Năm 1974, ông được thăng hàm Thiếu tướng, giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN. Từ tháng 3/1977 – 1980, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Năm 1984, ông được bổ nhiệm là Tư lệnh Quân chủng Hải quân lần thứ 2 và giữ cương vị này đến khi ông qua đời vào ngày 23/3/1990 tại Hà Nội.
Nhắc đến ông, cán bộ chiến sĩ Hải quân không chỉ nói về vị Đô đốc đầu tiên của Quân chủng mà thường nhắc đến “Tầm nhìn Giáp Văn Cương”, “Ý chí Giáp Văn Cương”… hay “Vị Đô đốc hết mực thương yêu lính…”.
Để hiểu hết được tình thương yêu lính của Đô đốc Giáp Văn Cương, tôi xin trích đăng nguyên văn cuộc đối thoại giữa Đô đốc Giáp Văn Cương và chiến sĩ Hải quân dưới quyền ông.
Tướng Giáp Văn Cương (Đô đốc đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam) bảo: “Tớ đâu có muốn đày đọa các cậu. Giá trị gì mấy cái hòn đá cằn cỗi này mà phải gìn giữ? Nhưng đây là Tổ quốc của mình, là máu thịt của mình. Có phải chúng ta giữ mấy hòn đá hoang dại này đâu mà là giữ biển đấy! Mất đảo là mất biển, mà biển lại bao bọc suốt từ Bắc đến Nam. Tất cả kẻ thù đánh ta đều đi từ đường biển vào. Thế nên chúng ta phải giữ đảo, giữ biển. Khổ mấy cũng phải giữ, có chết cũng phải giữ! Thế nên chúng mày mới phải chịu cảnh này”.
“Tớ già rồi, ngoài 70 rồi, lẽ ra được ở nhà an thú tuổi già, vậy mà vẫn phải lọ mọ lặn lội sóng gió ra đây với chúng mày, vẫn phải làm tư lệnh. Tất nhiên tớ biết, các cậu vất vả hơn tư lệnh nhiều, khổ hơn tư lệnh nhiều vì tư lệnh còn được ở đất liền. Hay là các cậu vào đất liền, làm tư lệnh thay tớ, để tớ giữ đảo cho? Ở đây có cậu nào làm được tư lệnh không, xung phong nào! Cậu nào làm được tư lệnh, tớ sẽ báo cáo quân chủng, báo cáo Bộ Chính trị cho thay ngay Giáp Văn Cương”.
Đô đốc Giáp Văn Cương kiểm tra bắn đạn thật ở Trường Sa năm 1988
Ông tâm tình: “Còn việc về phép của các cậu, chúng tớ có tiếc gì đâu. Nhưng Bộ Tư lệnh nghèo quá, đất nước nghèo quá. Chúng ta vừa qua chiến tranh, còn hàng triệu bà mẹ liệt sĩ thiếu ăn, hàng triệu trẻ con không có trường học. Đưa một cậu về phép, Bộ Tư lệnh phải xuất 20 tấn dầu cả tàu ra, tàu về, rồi tàu lại ra. Mà dầu thì ta không có, phải mua của nước ngoài, rất đắt. Mỗi đứa bớt một lần về phép thì một trăm bà mẹ liệt sĩ có được đến mấy tháng ăn...”.
Thế rồi ông khóc. Lính cũng khóc: “Thôi, chúng con hiểu rồi. Bố đừng nói nữa, chúng con thương bố lắm”. Tướng Cương bảo: “Chẳng ai nỡ làm cái việc táng tận lương tâm là cắt phép của các cậu. Nhưng hôm nay tớ phải làm cái việc táng tận lương tâm ấy đấy. Cắt phép. Còn nếu cậu nào có thể tự túc về được thì tớ cho đi ngay, bất cứ lúc nào. Có ai bơi được về đất liền không? Không à? Trai trẻ gì mà kém thế! Tớ mà trẻ trai như các cậu là tớ trốn đấy”. Thế là tướng với lính cười bò. Cười mà nước mắt giàn giụa./.
|
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.