Kiểm soát tốt dịch Covid - 19: Điểm cộng thu hút FDI

2020-05-04 19:09:37 0 Bình luận
Mặc dù thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sụt giảm 21% trong 3 tháng đầu năm không có nghĩa là Việt Nam không còn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh khó khăn bao trùm vì dịch bệnh Covid-19, kết quả này vẫn đáng khích lệ và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam đầu năm 2020.

FDI sụt giảm vì dịch Covid-19

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), trong 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam chỉ thu hút FDI được 8,6 tỉ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, về vốn điều chỉnh có 236 lượt dự án đăng kí điều chỉnh với tổng vốn đăng kí tăng thêm đạt trên 1,07 tỉ USD, chỉ bằng 82% so với cùng kì năm ngoái.

Nếu như trong nhiều năm trở lại đây, hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có mức tăng mạnh theo từng quý, từng năm, thậm chí có thời điểm tăng tới gần gấp đôi so với cùng kì năm trước thì trong quý I/2020, tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là gần 2 tỉ USD. Con số này chỉ bằng 34,4% giá trị vốn góp so với cùng kì năm 2019, giảm tới hơn 65%. Chưa kể, vốn FDI giải ngân cũng giảm 6,6% so với năm ngoái. Đây là lần giảm đầu tiên của giải ngân vốn FDI trong giai đoạn 2016-2020.

Nguyên nhân dẫn tới sự giảm sút của vốn FDI vừa qua trước hết là do sự tác động của đại dịch Covid-19 lên toàn bộ nền kinh tế thế giới. Sự nguy hiểm và dễ lây lan của dịch bệnh đã khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài quyết định tạm hoãn các hoạt động khảo sát đầu tư hoặc tạm hoãn triển khai các dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung trao Quyết định Chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu 3.200 MW, trước sự chứng kiến của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quang Dương và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Ái Nam

Tuy dòng vốn FDI vào Việt Nam đã giảm mạnh trong quí I cũng không làm ban lãnh đạo của Kizuna, đơn vị cho thuê nhà xưởng xây sẵn tại Long An, ngừng kế hoạch mở rộng sản xuất của mình. Công ty này đang khẩn trương đầu tư xây dựng dự án Kizuna-Ready Serviced Space, tại khu nhà xưởng dịch vụ Kizuna 3 trên địa bàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Dự án với quy mô gần 80.000m2 nhà xưởng xây sẵn dự kiến sẽ được bàn giao và đưa vào sử dụng vào quí IV/2020 để đón đầu dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam hậu Covid- 19. Trong số ít ỏi dự án FDI, nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu (thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu) của nhà đầu tư đến từ Singapore với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG có giá trị 4 tỉ USD, chính là dự án FDI lớn nhất của Việt Nam trong quý I và là nhân tố chính làm cho tổng vốn đăng kí cấp mới của vốn FDI trong quý I đạt 5,5 tỉ USD, tăng 44,8% so với cùng kì năm 2019.

Bà Shirakawa Satoko, người phụ trách khối doanh nghiệp nói tiếng Nhật Bản và tiếng Anh ở khu công nghiệp Kizuna, tự tin cho rằng dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam sau khi dịch Covid-19 kết thúc, nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và có thể vượt qua đại dịch với mức tổn thất thấp nhất.

Bà Shirakawa Satoko tin rằng, sau đại dịch, sẽ có làn sóng các doanh nghiệp Nhật Bản đổ vốn đầu tư vào Việt Nam bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và cú sốc Covid 19 sẽ đẩy nhanh tiến trình đa dạng hóa hoạt động của doanh nghiệp Nhật, giảm sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Mới đây, Nhật Bản đã dành 2,2 tỉ USD trong gói cứu trợ kinh tế cao kỉ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển quy trình sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. Một cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu Tokyo Shoko cũng cho thấy 37% trong tổng số 2.600 doanh nghiệp được khảo sát muốn đưa nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc.

Không chỉ doanh nghiệp Nhật Bản, các doanh nghiệp châu Âu cũng đang tính nước cờ rời khỏi Trung Quốc. Một cuộc khảo sát mới công bố của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu và  Đức tại Trung Quốc, được tờ South China Morning Post dẫn nguồn cho thấy kết quả kinh doanh đáng thất vọng khi một nửa các công ty tham gia phỏng vấn cho rằng biên lợi nhuận của họ sẽ giảm khoảng 20%.

Khi chiến tranh thương mại là thông tin chiếm chủ đạo trên mặt báo hồi cuối năm 2019, các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Mỹ đã lên tiếng sẽ dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Hậu Covid-19 sẽ là lúc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ dịch chuyển này hơn. Theo Nikkei Asean Review, Google và Microsoft đang nhắm tới Việt Nam và Thái Lan để sản xuất các dòng điện thoại đời mới, máy tính xách tay và các sản phẩm khác trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng. Google được cho là sẽ sản xuất dòng điện thoại Pixel 4A và 5A tại Việt Nam. Trong khi Microsoft cũng có kế hoạch sản xuất dòng sản phẩm máy tính bảng và máy tính cá nhân ở phía Bắc của Việt Nam sớm nhất là trong quý II năm nay.

Kiểm soát tốt Covid-19 điểm cộng thu hút FDI thời gian tới

Với sự ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu trong quý I thì kết quả thu hút FDI vừa qua là khá tích cực. Tại một số địa phương trọng điểm trong thu hút FDI như Vĩnh Phúc, thông tin từ Ban quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tuy có làm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài, song nhờ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai dự án, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tìm kiếm các nhà đầu tư mới, hai tháng đầu năm 2020, Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, tỉnh đã thu hút được hai dự án FDI mới và 4 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng kí đạt 21,4 triệu USD.

Đưa ra dự báo cho cả năm 2020, các chuyên gia có những nhận định tương đối tích cực. Nếu dịch được khống chế vào cuối tháng 4 thì tăng trưởng GDP vẫn kì vọng trên 6% và thu hút FDI dự đoán ở mức 38 tỉ USD, tương đương năm 2019. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP và thu hút FDI còn phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch của các quốc gia là bạn hàng-đối tác truyền thống của Việt Nam, bởi nếu các quốc gia đó còn bị ảnh hưởng lớn của dịch bệnh sẽ ảnh hưởng tới đầu ra-xuất khẩu của Việt Nam.

Ngay trong khó khăn, chúng ta sẽ tìm ra những tín hiệu lạc quan. Hậu Covid-19, giống như có một “lực nén”, thu hút FDI có thể sẽ bật tăng sau một thời gian chìm vào khoảng lặng. Nguồn vốn sẵn sàng, các dự án sẽ được triển khai nhanh chóng. Việt Nam đang là một trong những nước được đánh giá kiểm soát dịch Covid-19 tốt nhất, đây sẽ là điểm cộng trong thu hút đầu tư FDI thời gian tới. Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục đà chống dịch tốt như hiện nay thì sự tin tưởng của các quốc gia, của các doanh nghiệp FDI sẽ cao hơn.

Nhà máy Aoki Vietnam (Nhật Bản) vẫn hoạt động bình thường trong dịch bệnh Covid-19. Ảnh chụp ngày 1/4/2020

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: “Dự báo FDI vào Việt Nam năm 2020 sẽ giảm khoảng 10-20% so với năm 2019, do dịch bệnh này sẽ ảnh hưởng mạnh trong nửa đầu năm. Nửa cuối năm 2020 sẽ là thời gian để nền kinh tế của các nước được phục hồi, theo đó, FDI 2020 có thể giảm đi so với năm 2019. Bài học cho chúng ta sau khi Covid-19 qua đi là Chính phủ phải tận dụng cơ hội này để đỡ phụ thuộc vào Trung Quốc, phải tìm nguồn cung ứng khác theo hướng hoặc tự cung ứng hoặc thu hút FDI đầu tư vào nguồn nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung ứng nguyên liệu cho sản xuất”.

Giải pháp hậu Covid-19

Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã có chủ trương và thi hành một số giải pháp miễn giảm thuế, hạ lãi suất tiền vay, trợ cấp thất nghiệp, giảm thiểu thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp khi xuất khẩu qua biên giới… đã có tác động làm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy vậy, một số giải pháp như thuế, tín dụng, trợ cấp thất nghiệp chậm được triển khai làm cho số doanh nghiệp có nguy cơ ngừng hoạt động có xu hướng gia tăng.

Kiến nghị Chính phủ cần có chính sách và cơ chế hỗ trợ thích ứng với thực trạng sản xuất và kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp và từng ngành, nghề để xử lý kịp thời khó khăn mới xuất hiện.

Việc hạ thấp lãi suất tín dụng mới áp dụng cho khoản vay mới, trong khi nhiều doanh nghiệp dù khó khăn nhưng không thể vay thêm vì đến hạn trả nợ cũ. Đa số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không thể vay được khoản vay ưu đãi, lãi suất thấp vì không có tài sản thế chấp, trong khi có doanh nghiệp chỉ cần vay 300-500 triệu đồng để trả lương, làm vốn lưu động là có thể vượt quá khó khăn để khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng nhà nước cần hướng dẫn các ngân hàng thương mại phối hợp với các hiệp hội nghề nghiệp tại địa phương để nhận biết thực chất nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ - những doanh nghiệp có nguy cơ phá sản lớn nhất để xử lý từng trường hợp theo hướng giãn thời gian trả nợ đến hạn, không để rơi vào nhóm nợ xấu; thực hiện vay lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất vay đối với cả nợ cũ và tín dụng mới.

Korcham, Eurocham kiến nghị các ngân hàng thương mại gia hạn khoản nợ vay ngân hàng, giảm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp FDI.

Bộ Tài chính cần ban hành kịp thời chủ trương giảm, miễn thuế đối với các ngành nghề, lĩnh vực chịu tác động khác nhau. Trong đó giảm thuế giá trị gia tăng có tác động thiết thực, kích thích nhu cầu tiêu dùng đối với thị trường trong nước, giảm thuế xuất khẩu hàng hóa làm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng cần tính đến, nhưng chỉ có tác dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Thời gian miễn giảm thuế có thể đến cuối quý II hoặc cuối quý III.

Cho phép các doanh nghiệp gặp khó khăn giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu đến cuối quý III hoặc quý IV.

Chính phủ cần hướng dẫn UBND tỉnh, thành phố có dư địa về ngân sách địa phương đề ra chính sách và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong khung khổ pháp luật, để không làm nảy sinh tình trạng thiếu thống nhất trong cả nước, thậm chí vi phạm luật pháp nhà nước.

Đối với việc nhập cảnh của các chuyên gia trong các dự án ĐTNN đề nghị cho phép áp dụng thống nhất như trường hợp của Tập đoàn Samsung: nhập cảnh theo hình thức đặc biệt vào Việt Nam sau khi có xét nghiệm âm tính, làm việc tại khu độc lập, tự cách ly, do UBND tỉnh bảo lãnh và giám sát (công văn số1746/VPCP-QHQT ngày 6/3/2020 và công văn số 1849/VPCP-QHQT ngày11/3/2020).

Các chuyên gia, kĩ thuật nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp ĐTNN được gia hạn Giấy phép lao động để tạm thay thế cho những người chưa được nhập cảnh.

Áp dụng thủ tục thông quan nhanh đối với nguyên vật liệu, hàng hóa nhập khẩu để sản xuất trong thời gian đang có dịch. Các doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm. Trong trường hợp kết quả hậu kiểm sau thông quan phát hiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý nghiêm minh.

UBND tỉnh, thành phố và Ban Quản lý KCN, KKT cần làm việc với nhà đầu tư xin giãn tiến độ thực hiện dự án do khó khăn dịch bệnh, kéo dài thời hạn nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án để xử lý theo pháp luật hiện hành; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo với Thủ tướng để xử lý.

Khó dự báo thời điểm thế giới kết thúc đại dịch COVID-19, do đó để chủ động trong các tình huống, kể cả tình huống xấu nhất, nước ta cần nghiên cứu với cách tiếp cận đa chiều từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, quan hệ đa phương và song phương để đề ra chủ trương, giải pháp ứng phó.

Từ diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới vào đầu tháng 4, có thể dự báo Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đang có chuyển biến tích cực, sản xuất kinh doanh trong nước, xuất nhập khẩu hàng hóa từng bước được phục hồi có tác động đối với quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam. Hiện nay nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã có số công nhân đến làm việc đạt trên 90%, trong khi thị trường Mỹ và EU có khó khăn thì ASEAN trở thành thị trường chính của nước này, do đó cần hướng dẫn các doanh nghiệp định hướng mới khi khôi phục quan hệ du lịch, thương mại với doanh nghiệp và FDI với nhà đầu tư Trung Quốc.

Mỹ và nhiều nước ở Châu Mỹ đang phải đối mặt với dịch COVID-19 thời kỳ cao điểm, có thể kéo dài đến cuối quý II, tác động tiêu cực đến xuất nhập khẩu và FDI của nước ta. CPTPP trải qua hơn một năm nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội, nay lại gặp dịch, do đó các nước châu Mỹ như Canada, Mexico gặp khó khăn khi thực hiện CPTPP (Canada đã kiến nghị hoãn thực thi USMCA-NAFTA mới) do đó cần hướng dẫn các doanh nghiệp tìm hướng đi thích hợp với tình hình quý II, đồng thời chuẩn bị đón cơ hội mới khi dập tắt dịch, khôi phục quan hệ thương mại và đầu tư vào nửa cuối năm.

EU áp dụng biện pháp cách ly, hạn chế đi lại ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh bình thường; do đó mặc dù EVFTA có thể có hiệu lực từ đầu tháng 7, nhưng để tận dụng cơ hội mới sau khi dịch đã qua thì cần hướng dẫn doanh nghiệp tìm hiểu kỹ đối tác đang có quan hệ thương mại để biết được tình hình cụ thể (tồn tại, khó khăn, phá sản), tìm kiếm đối tác mới đáng tin cậy để mở rộng xuất nhập khẩu với EU.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quảng Ninh: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh

Sau một ngày (19/4) làm việc khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Ninh khóa XIV nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 18 theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định pháp luật hiện hành.
2024-04-20 13:28:10

Hải Phòng tổ chức thi kể chuyện theo sách

Đây là hoạt động thường niên và là năm thứ 10 TP.Hải Phòng tổ chức, hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, khẳng định sách và văn hóa đọc mãi trường tồn.
2024-04-20 09:09:26

Hải Phòng tổ chức gặp mặt chiến sĩ Điện Biên và thân nhân

Sáng 19/4, TP.Hải Phòng tổ chức buổi gặp mặt thân nhân liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
2024-04-20 08:25:46

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Cựu chiến binh xã Quảng Hải tổ chức nhiều mô hình phát triển kinh tế

Chiều 19/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024.
2024-04-19 16:20:00

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44
Đang tải...