Kỳ tích Thái Nguyên
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải thăm gian hàng nông sản của tỉnh tại Hà Nội.
Bạn tôi, Nhà báo Nguyễn Ngọc Quang, mới đây kể câu chuyện khoảng chục năm trước, anh cùng đoàn lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên vào làm việc với Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Trong báo cáo rất phấn khởi của tỉnh lúc ấy có nhắc đến thu ngân sách đạt gần 2.700 tỷ đồng. Khi đó lãnh đạo đài TP Hồ Chí Minh có nói 1 câu làm mọi người nhớ mãi: Thế là ngang với phòng quảng cáo của đài chúng tôi rồi đấy!
Đầu năm 2024, một tin vui cũng về ngân sách của Thái Nguyên khiến nhiều người mừng bởi con số đã đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng.
Thực là kỉ lục…
Vẫn biết so sánh sao được với đầu tàu kinh tế của đất nước vì số thu của Thái Nguyên cũng chỉ bằng khoảng 20 ngày thu ngân sách của thành phố mang tên Bác thôi. Tuy nhiên so với các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc thì cũng…rất đáng tự hào.
Tôi bảo: 20.200 tỷ đồng là con số mang nhiều ý nghĩa. Bởi tự thân nó đã nói lên thành công hay thất bại của những nhà lãnh đạo địa phương tạo nên.
Riêng 632 tỷ đồng vượt thu so với kế hoạch, đã bằng hơn ¾ ngân sách thu năm 2023 của tỉnh Bắc Kạn- một tỉnh cực kỳ khó khăn nhưng cũng có nguồn thu ngân sách cao hơn năm 2022 (khoảng 837 tỷ đồng).
Đây là số thu cao nhất từ trước đến nay, đưa Thái Nguyên lọt TOP 18 tỉnh tự cân đối thu chi và có phần kết dư đóng góp cho ngân sách Trung ương.
Nó cũng nói lên rằng, dù ở đâu đó còn khó khăn, nhưng với tỉnh Thái Nguyên, năm 2023 là 1 năm kinh tế phát triển vượt bậc; bởi có phát triển, mới có nguồn thu.
Về thu nhập bình quân đầu người (GRDP), dự ước năm 2023 Thái Nguyên đạt 113 triệu đồng/người/năm. So với năm 2022, chỉ tiêu này tăng 6 triệu đồng/người/năm, so với năm 2021 tăng 18 triệu đồng/người/năm. Kết quả này cho thấy đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, tiếp tục nằm trong nhóm các tỉnh có mức thu nhập bình quân đầu người khá của cả nước và là tỉnh dẫn đầu của khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Con số từ các nguồn thu đã nói lên lý do: Thu nội địa đạt trên 17.585 tỷ đồng, bằng 87% tổng thu ngân sách trên địa bàn; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 2.539 tỷ đồng, bằng 12,5%. Các sắc thuế có số thu cao so với kế hoạch là: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước Trung ương đạt 105,3% kế hoạch; thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 116,5% kế hoạch; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 100,4% kế hoạch năm; thu tiền cho thuê đất đạt 216,5% kế hoạch năm.
Còn nhớ: Tại phiên họp thứ 27 đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng của UBND tỉnh Thái Nguyên (10/2023), thu ngân sách nhà nước của tỉnh mới đạt 11.327 tỷ đồng, bằng 84,4% so với cùng kỳ, đạt 57,9% so với dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 56,6% so với dự toán HĐND tỉnh giao.
Hẳn nhiều người, giống như tôi, có thời gian dài chứng kiến sự đổi thay của tỉnh, mới hiểu và thấy rõ được cái gọi là kỳ tích này.
Từ một tỉnh thuần nông với cây chè, cây lúa, củ khoai cùng cỗ máy công nghiệp nặng (Khu liên hợp gang thép Thái Nguyên) già cỗi, kém hiệu quả, đã được cấp ủy, chính quyền Thái Nguyên mạnh dạn trong định hướng chuyển mình, để nhanh chóng đưa địa phương này dẫn đầu về sản xuất sản phẩm công nghệ cao của miền Bắc.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên sâu sát cơ sở, chỉ đạo cụ thể, giải quyết ngay những vấn đề phát sinh.
Tăng trưởng thần tốc
Nổi bật của sự dịch chuyển từ cây lúa và cỗ máy công nghiệp nặng là Khu liên hợp gang thép, cùng các hầm mỏ khai thác kim loại đen phục vụ sản xuất công nghiệp nặng, sang kinh tế công nghệ cao, đó là ngày 25/3/2013, Tập đoàn Samsung đã quyết định khởi công xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp điện thoại thông minh, linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Yên Bình.
Khi tổ hợp công nghệ cao này đi vào hoạt động, đã tạo ra việc làm mới cho con em nông dân, với mức thu nhập cao hơn chục lần so với làm nông nghiệp truyền thống. Từ đây, hàng chục nghìn người lao động khắp mọi miền Tổ quốc đã đến với Samsung và có cuộc sống ổn định tại đây.
Từ điểm nhấn thành công về phát triển công nghiệp công nghệ cao tại Yên Bình, tiếp đến 5 khu công nghiệp lớn hình thành và đi vào hoạt động như: Sông Công I, Sông Công II, Nam Phổ Yên, Điềm Thụy, Quyết Thắng với tổng diện tích 1.420ha, thu hút được 239 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 225,8 triệu USD và hơn 1.000 tỷ đồng
Tổng doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp đạt hơn 34 tỷ USD và tạo việc làm cho trên 100.000 lao động, với thu nhập bình quân mỗi lao động phổ thông đạt 6,8 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên hiện có 41 cụm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích hơn 2 nghìn ha. Hiện 21 cụm công nghiệp có chủ đầu tư đăng ký xây dựng hạ tầng, với tổng vốn đăng ký trên 5.701 tỉ đồng, trong đó có 11 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy rất cao.
Từ một tỉnh nghèo Thái Nguyên từng bước và vững chắc bước vào TOP các địa phương có tốc độ phát triển khá của cả nước.
Phát triển nhanh trong suốt 2 nhiệm kỳ, đã giúp cho mảnh đất Thái Nguyên rất nhiều cơ hội lớn không chỉ trong trước mắt, mà còn về lâu dài, bởi hàng loạt hạ tầng các khu công nghiệp lớn hình thành và đi vào ổn định, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động không chỉ trong tỉnh, mà các tỉnh thành miền Bắc đều có nhiều lao động đến với Thái Nguyên và đạt thu nhập ổn định, thậm chí còn thoát nghèo nhờ có việc làm thường xuyên tại những doanh nghiệp.
Việc tăng trưởng còn được thể hiện rõ nhất tại kết quả thu ngân sách của năm sau luôn cao hơn năm trước, theo lũy tiến tăng trưởng ổn định suốt 10 năm, góp phần đẩy số thu tăng nhanh từ 1.535 tỷ đồng năm 2010, chỉ trong vòng 10 năm, đã có số thu ngân sách Nhà nước đã tăng gần 10 lần (đạt hơn 15.260 tỷ đồng năm 2020), giúp Thái Nguyên trở thành top địa phương có thu ngân sách cao của cả nước.
Tăng trưởng kinh tế cùng hạ tầng đồng bộ, đã thành một kỳ tích lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong phát triển kinh tế địa phương, từng ngày dẫn dắt trở thành tỉnh có hội nhập kinh tế sâu rộng không chỉ trong khu vực, mà còn vươn ra thị trường thế giới, góp phần tạo ra nhiều việc làm có tay nghề và kỹ thuật cao tại các khu công nghiệp, tăng thu nhập và đời sống dân sinh cũng khấm khá từng ngày, đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm công nghệ cao, được xuất phát từ Thái Nguyên đã có mặt khắp nơi trên thế giới.
Sự bứt phá đi lên còn giúp cho Thái Nguyên tìm được chỗ đứng mới trong thập niên đầu thế kỷ 21, khi nhanh chóng chuyển mình từ nguồn gốc nền công nghiệp nặng lạc hậu, sang lựa chọn nền công nông nghiệp công nghệ cao theo xu thế thời đại 4.0, đã giúp mảnh đất, con người gắn với lúa chè Thái Nguyên năm xưa, nay được khởi sắc toàn diện, xứng đáng là điểm sáng của thành phố vệ tinh vùng Thủ đô Hà Nội, thủ phủ của vùng chiến khu Việt Bắc năm xưa.
Trong quá trình phát triển, sự tăng tốc cùng những linh hoạt của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân để về đích sớm, sẽ khó tránh khỏi những sai sót, đặc biệt là việc vận dụng chính sách trong thu hồi đất lúa, màu, đất trồng rừng để làm khu dân cư, khu - cụm công nghiệp, khu khai thác khoáng sản, đã để lại những băn khoăn, thậm chí cả khiếu nại, rồi cả những bức xúc của một số người dân tại những nơi phải nhường đất ở, đất sản xuất để bàn giao cho chính quyền làm các khu công nghiệp, khu khai thác chế biến khoáng sản, khu dân cư, khu nông nghiệp công nghệ cao... đều đã được các cơ quan chức năng chỉ ra, làm rõ, để giúp giải tỏa mọi nghi vấn của một số người dân về cách làm quyết đoán của chính quyền, giúp cho chính quyền cùng người dân đều nhìn thấu mọi sự việc, kể cả những thiếu sót, để kịp thời sửa chữa cùng đưa Thái Nguyên vững bước hơn trên con đường hội nhập.
Dự án giao thông trọng điểm tuyến đường liên kết cơ bản đã hình thành.
Thêm một nhiệm kỳ sôi động
Nhiệm kỳ mới 2021-2025 đã “đi” được nửa chặng đường. Và người dân Thái Nguyên tiếp tục tận thấy những đổi thay hàng ngày.
Ngay sau khi ổn định tổ chức, Thái Nguyên đã quyết sách nhiều dự án lớn với mục tiêu thay đổi, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhanh, mạnh và bền vững hơn. Theo đó, hàng loạt dự án quan trọng có ảnh hưởng quyết định đến việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật; mở rộng và phát triển không gian đô thị, phát triển khu công nghiệp, làm cơ sở để thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế; quyết định chính sách đảm bảo an sinh xã hội, tạo tiền đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong tương lai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và thời gian tiếp theo đã được thông qua như: Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc gần 4 nghìn tỷ đồng; Dự án xây dựng quần thể khu văn hóa - thể thao - công viên cây xanh thị xã Phổ Yên quy mô 400 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng cầu Quang Vinh 1, cầu Quang Vinh 2 và hệ thống đường giao thông kết nối phường Đồng Bẩm, phường Quang Vinh, xã Cao Ngạn - thành phố Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư gần 1.600 tỷ đồng; dự án xây dựng sân vận động Thái Nguyên tầm quốc tế 22.000 chỗ ngồi xây dựng tại xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Bình; Dự án đường du lịch Sông Công - Núi Cốc với tổng kinh phí trên 740 tỷ đồng…
Đáng chú ý là Dự án Samsung Electro-Mechanics tại Khu công nghiệp Yên Bình cũng được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư thêm 920 triệu USD, từ 1,35 tỷ USD lên 2,27 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng đã quyết định mời gọi đầu tư hàng trăm dự án khu dân cư, khu đô thị, điểm dân cư nông thôn với mục tiêu tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó dành nguồn lực đầu tư cho khu vực phía Nam tỉnh; đầu tư phát triển các đô thị đã xác định trong danh mục, đặc biệt là các đô thị có vai trò hạt nhân cấp vùng để thúc đẩy phát triển đô thị ở quy mô lớn, phát triển kết nối du lịch, dịch vụ với mục tiêu đến năm 2025 đạt tỷ lệ đô thị hóa 40,5%, sau điều chỉnh tổng số đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ là 19 đô thị, trong đó: 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại II, 6 đô thị loại IV và 10 đô thị loại 5.
Thị xã Phổ Yên chỉ trong chưa đầy nửa nhiệm kỳ đã có thể trở thành thành phố và đang được định hướng trở thành đô thị loại II trước năm 2025. Trong khi các huyện Định Hóa, Đại Từ tiếp nối huyện Phú Bình trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới trước thời hạn.
Đặc biệt, sau khi có phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên của Thủ tướng Chính phủ, tuyến phố đi bộ đầu tiên với chiều rộng trên 80m, tổng diện tích phố đi bộ khoảng 5ha tại phường Trưng Vương, đang dần hình thành đáp ứng sự mong mỏi của người dân cũng như tạo điểm nhấn cho mỹ quan đô thị.
Một tương lai đang rộng mở để Thái Nguyên tiếp tục bay cao.
Năm 2023, như đã nói ở trên, cùng với thu ngân sách đạt mốc kỷ lục, Thái Nguyên tiếp tục là tỉnh dẫn đầu về chỉ số tăng trưởng kinh tế trong vùng trung du miền núi phía Bắc.
Giá trị xuất khẩu năm 2023 của tỉnh đạt 35 tỷ USD, tăng 9% so với thực hiện năm 2022, trong đó xuất khẩu địa phương đạt 765 triệu USD, tăng 10%. Nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn trên địa bàn tỉnh như điện thoại thông minh, máy tính bảng, linh kiện điện tử và phụ tùng khác ước đạt 24,8 tỷ USD. Một số nhóm hàng có giá trị xuất khẩu trong năm 2023 giảm so với năm 2022 gồm: Sản phẩm từ sắt thép; giấy và các sản phẩm từ giấy; kim loại màu và tinh quặng kim loại; chè các loại; phụ tùng vận tải… Ở chiều ngược lại, một số nhóm hàng có giá trị xuất khẩu ước tính năm 2023 đạt cao hơn năm 2022 như sản phẩm may mặc đạt 499,2 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 16,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước ước đạt 510,9 triệu USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 15,8 tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) duy trì ổn định, bình quân tăng 0,92% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 8/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng; 2 nhóm có chỉ số giá giảm; 1 nhóm ổn định chỉ số giá.
Dẫu đẩy mạnh công nghiệp và dịch vụ là vậy nhưng Thái Nguyên cũng không quên gia tăng sự phát triển của “trụ đỡ” nông nhiệp với giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 4,04% (kế hoạch 3,5%).
Năm 2024, Nghị quyết HĐND tỉnh Thái Nguyên giao chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 19.515 tỷ đồng.
Với đà này, chắc rằng kỳ tích đạt mốc 20.200 tỷ đồng sẽ nhanh chóng bị “bỏ qua” để Thái Nguyên lại có thêm một kỳ tích mới!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.