Tổ ấm của người khuyết tật
Những
người đàn ông khuyết tật vẫn là trụ cột vững chắc của gia đình khi được bồi đắp
bằng sự hy sinh, tình yêu của người phụ nữ bên cạnh. Với những người phụ nữ
khuyết tật, gánh trách nhiệm làm vợ, làm mẹ nặng nề trên vai
nhưng bằng tất cả nỗ lực, sự
chịu đựng, nhẫn nại và can đảm, với tình yêu cùng chỗ dựa đó là người bạn đời,
họ hoàn toàn có thể đảm đương sứ mệnh "giữ lửa" cho gia đình êm ấm, hạnh
phúc. Cuộc sống gia đình có thành viên bị khiếm khuyết vất vả trăm bề nhưng
trong tình yêu, hôn nhân, họ lại có được hạnh phúc tròn đầy khiến nhiều người
lành lặn không khỏi gen tỵ.
Họ đến
với nhau bằng tình yêu chân thành, sự bao dung trước những khiếm khuyết của cơ
thể và luôn lạc quan hướng đến tương lai để xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Đó là câu
chuyện cảm động về cặp vợ chồng Dương Văn Tiến (SN 1984), Lê Thị Yến (1982) ở
thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên (Bắc Giang).
Dương
Văn Tiến sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo, cuộc sống rất khó khăn. Biến
chứng của bệnh sởi năm một tuổi khiến đôi mắt anh mờ dần. Gia đình không có điều
kiện chạy chữa nên khoảng 6 tuổi, anh vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng. Từ đó,
anh sống khép kín, không có bạn cũng chẳng được đến trường như các bạn cùng
trang lứa.
Năm
21 tuổi, Dương Văn Tiến quyết tâm từ biệt gia đình vào miền Nam tìm một cơ sở
nuôi dưỡng, giáo dục những người khuyết tật như anh mà chưa hề biết địa chỉ cụ
thể. Với ý chí vươn lên, khẳng định mình bằng con đường học tập, anh xuất sắc
thi đỗ vào khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Cao đẳng Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
Năm
29 tuổi, Dương Văn Tiến tốt nghiệp và trở về quê hương với mong muốn lập nghiệp
trên mảnh đất mình sinh ra. Cũng thời điểm ấy, Tiến gặp lại Lê Thị Yến - cô gái
anh tình cờ quen khi gọi nhầm điện thoại lúc còn ở miền Nam. Ông trời khéo
se duyên và một tình yêu đẹp như câu chuyện cổ tích nảy nở từ đây. Chỉ trò chuyện,
tìm hiểu qua điện thoại, chưa một lần gặp mặt nhưng đôi bạn trẻ đã quấn quýt
nhau và Tiến quyết tâm hỏi cưới Yến dù biết cô cũng có khiếm khuyết cơ thể. Họ
sống với nhau hạnh phúc, vợ chồng khó khăn có nhau, chưa lúc nào anh chị lùi bước.
Tổ ấm nhỏ của Dương Văn Tiến
Cũng phải kể đến, hai vận động viên thể thao khuyết tật Phạm Hồng Thức và Hoàng Hồng
Kiên (Hà Nội) được nhiều người biết đến là “cặp đôi hoàn hảo”của NKT.
Quen nhau từ năm 2004, hai người đã cùng sát cánh bên nhau tham gia thi đấu môn
điền kinh xe lăn và gặt hái nhiều huy chương trong các kỳ Paragame. Không dừng
lại ở đó, trở về từ các đấu trường, anh chị còn muốn phát triển kinh tế vươn
lên làm giàu để cải thiện cuộc sống.
Nghĩ là làm, bằng sự nỗ lực vươn lên và tình yêu thương đã giúp anh chị vượt
qua mọi khó khăn, mở xưởng làm chổi chít, tăm tre ở làng Vạn Phúc (quận Hà
Đông, Hà Nội). Cũng chính từ cơ sở này đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người
đồng cảnh ngộ. Giờ đây, ngoài giờ tập thể thao, đôi vợ chồng khuyết tật ấy lại
rong xe lăn đi bán chổi, bán tăm khắp các ngõ ngách Hà Nội. Nghị lực đó thật
đáng khâm phục!
Vợ chồng Hoàng Hồng Kiên - Phạm Hồng Thức bên con trai
Chị Thức cười hạnh phúc: “Chúng mình đến với nhau cũng bởi sự đồng cảm, nhờ đó
mà hai vợ chồng có động lực vươn lên phát triển kinh tế hơn nữa. Cuộc sống tuy
có vất vả nhưng gia đình lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười, niềm hạnh phúc cùng cậu
con trai 3 tuổi khỏe mạnh”.
Cùng hoàn cảnh như thế, vợ chồng anh Nông Viết Phương và chị Lê Thị Hợi (huyện
Phúc Thọ, Hà Nội) là một tấm gương khác về hạnh phúc gia đình của NKT. 6 tuổi,
chị Hợi bị hỏng một bên chân và phải di chuyển bằng nạng. Mặc cảm với bản thân,
khiến chị cảm thấy như người bỏ đi trong xã hội.
Thế nhưng, tấm
lòng nhân hậu của chị đã khiến chiến sĩ công an Nông Viết Phương đến và gắn bó
với chị cả cuộc đời. Họ về chung sống với nhau hạnh phúc hơn 30 năm nay, sinh
được hai người con ngoan hiền, học giỏi, có hiếu với cha mẹ.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn
còn tồn tại quan niệm cho rằng, NKT không nên kết hôn vì nhiều khả năng họ sẽ
là gánh nặng cho nhau, sinh ra những đứa con khuyết tật. Điều này là hoàn toàn
sai lầm, bởi lẽ đã có nhiều gia đình khuyết tật, bằng nghị lực, ý chí quyết
tâm, họ đã vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đón chào những đứa con
lành lặn ra đời.
Gia đình của NKT cũng giống bao gia đình bình
thường khác, NKT cũng có quyền yêu và được yêu, vun đắp hạnh phúc gia đình,
sinh con cái... Đó chính là niềm hạnh phúc tột cùng của những cha mẹ khuyết tật,
là nguồn động lực lớn lao giúp NKT có niềm tin hơn nữa vào cuộc sống, vượt qua
rào cản kỳ thị của xã hội và sự tự ti của bản thân.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.