Có một người Mẹ Việt Nam Anh hùng 'chống dịch như chống giặc'
Những ngày qua, hình ảnh một cụ bà cụ ngồi may khẩu trang, phát cho người dân phòng dịch Covid-19 gây xúc động mạnh cho cộng đồng mạng. Theo tìm hiểu, bà cụ đó không ai khác là Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt, năm nay đã bước sang tuổi 97.
Mẹ Quýt có chồng và 2 người con hy sinh khi tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1947 đến năm 1966. Tháng 1/2015, Mẹ Ngô Thị Quýt được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Tìm đến nhà Mẹ Quýt vào buổi sáng cuối tháng 3. Ngôi nhà nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Khương An ở phường 5 (quận Gò Vấp, TP.HCM) mấy ngày nay bỗng được nhiều người thường lui tới để thăm chủ nhân của nó.
Điều gây xúc động cho bất cứ ai chứng kiến là hình ảnh bà cụ gầy gò, lưng đã còng nhưng đôi tay vẫn đang cần mẫn cắt từng mảnh vải nhỏ để may khẩu trang. Ở 97 tuổi, nhưng trông Mẹ vẫn còn rất minh mẫn.
Với nụ cười móm mém của người ở độ tuổi xưa nay hiếm, Mẹ hồ hởi nói về lý do khiến Mẹ thực hiện việc may khẩu trang gửi tặng mọi người. "Nghe mấy đứa nhỏ nói người ta thiếu khẩu trang y để dùng, rồi thấy hội phụ nữ phường 5 may khẩu trang vải tặng cho người dân, tôi cũng cố tham gia với chị em cho vui", bà kể.
Mẹ Ngô Thị Quýt (trái) cùng chị Phan Thị Hồng Đào (phải) tỉ mỉ cắt từng mảnh vải nhỏ, chuẩn bị cho việc may khẩu trang.
Việc bị thương khi tham gia cách mạng đã khiến mắt phải của Mẹ bị mù hẳn, mắt trái cũng yếu dần theo tuổi tác, nhưng đôi tay của Mẹ vẫn rất khéo léo. Ở tuổi 97, hiếm ai có thể ngồi máy may, đạp từng đường kim mũi chỉ một cách cần mẫn như Mẹ. Tất cả công đoạn từ xin vải, cắt vải đến may thành phẩm chiếc khẩu trang, Mẹ đều tự tay làm được hết với tất cả tấm lòng dành cho mọi người.
Nhìn đôi tay gầy gò của Mẹ cứ thoăn thoắt trên bàn may, những người chứng kiến vừa tự hào, vừa xúc động. Không tự hào sao được khi hình ảnh Mẹ chính là hình ảnh của bao người phụ nữ Việt Nam: Kiên trung, hy sinh, bao dung, nhân hậu. Trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc, đến nay về lại thời bình, Mẹ lại lao vào cuộc chiến với dịch Covid-19.
Hình ảnh Mẹ chính là biểu tượng mạnh mẽ cho câu nói: "Chống dịch như chống giặc" mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang kêu gọi người dân cả nước.
“Chị em trong tổ bàn nhau đi xin vải thừa, may khẩu trang phát cho người dân trong mùa dịch này. Thế là “mẹ” bảo cho “mẹ” phụ với”, chị Phan Thị Hồng Đào - Chi hội trưởng hội phụ nữ phường 5, chia sẻ.
Hình ảnh Mẹ Quýt ngồi may từng chiếc khẩu trang tặng người nghèo trong mùa dịch Covid-19, gây xúc động cộng đồng mạng.
Thế nhưng điều xúc động hơn cả chính là việc may khẩu trang không phải là lần đầu tiên Mẹ tham gia chương trình vì cộng đồng. Tuổi cao, sức khỏe cũng yếu dần nhưng hơn 20 năm nay, Mẹ vẫn miệt mài đi xin vải ở khắp nơi để may mền tặng cho những người khó khăn. Số lượng mền Mẹ gửi tặng cho các CLB thiện nguyện khắp các tỉnh thành suốt 20 năm thì nhiều không đếm xuể.
“Thời gian đầu, tôi đi xin vải ở khắp nơi. Nhưng về sau, biết tôi xin vải về may mền tặng người khó khăn, chủ tiệm vải xung quanh đã chủ động mang vải thừa, vải vụn đến tận nhà. Thế là tôi đỡ công đi xin”, Mẹ Quýt cười.
Mẹ Quýt còn bảo, tuổi già ở không thì buồn lắm, Mệ phải kiếm gì đó làm cho khỏe người. Ngày nào Mẹ cũng làm, hôm nào mệt thì nghỉ, khỏe thì lại tiếp tục công việc.
Nói xong, Mẹ lại tiếp tục ngồi may khẩu trang.
Nhìn mẹ, tôi bỗng tin rằng cuộc chiến chống dịch Covid-19 của chúng ta rồi sẽ thành công, sẽ chiến thắng sớm thôi. Vì chúng ta có những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tuyệt vời như Mẹ Quýt.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.