Năm Dậu, bàn về gà trong ca dao, tục ngữ Việt Nam
2017-01-29 12:45:22
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Trong đời sống hàng ngày, gà không những là loại động vật gần gũi thân thuộc được mọi người quan tâm đến mà gà còn được đi vào ca dao, tục ngữ và văn học của dân tộc ta một cách rất phong phú, đa dạng, độc đáo…
Ảnh minh họa |
Gà được lấy làm đối tượng cho hàng trăm câu ngạn ngữ, phương ngữ, tục ngữ, thành ngữ sinh động, dân dã mà thâm thúy. “Bút sa gà chết” lưu ý chuyện đã viết đã ký quyết định rồi thì không sửa đổi được nữa, phải chịu mọi rủi ro và trách nhiệm liên quan. “Con gà tức nhau tiếng gáy” chỉ tâm lý ganh đua, không chịu thua kém người khác. “Gà giò ngứa cựa” nhìn nhận người trẻ tuổi mà hung hăng, ham đối chọi, hay khiêu khích. “Gà què bị chó đuổi” than cảnh kẻ yếu đuối, thương tật lại bị tai nạn, nguy hiểm dồn dập. “Mẹ gà, con vịt” đánh giá về quan hệ mẹ con hình thức (thường xảy ra với quan hệ dì ghẻ - con chồng). “Một tiền gà ba tiền thóc” là sự cân nhắc khi vì một món lợi nhỏ mà phải bỏ ra chi phí lớn. “Trông gà hóa cuốc” là việc nhìn nhầm, trông cái này tưởng cái kia hoặc nhận thức sai bản chất của sự vật, hiện tượng. “Vợ nhà gà chợ” là những thứ tha hồ xem xét, muốn làm gì cũng có thể được…
Ảnh minh họa |
Gà cũng là hình ảnh tiêu biểu, đi vào văn thơ, ca nhạc, tạo nên những tác phẩm nổi tiếng thuộc nhiều thể loại và ở mọi thời đại. Trong truyện cổ tích Sọ Dừa, tiếng gà gáy hiện hữu đã mang lại sự đoàn tụ cho chàng Sọ Dừa với nàng Út. Ca dao truyền thống thì mượt mà cùng tiếng gà khi tả chốn kinh kỳ: “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”. Con gà trống được khắc họa vừa uy nghi lại vừa vui vẻ, đời thường, dân dã: “Trên đầu đội sắc vua ban/Dưới thì yếm thắm dây vàng xum xuê/Thần linh đã gọi thì về/Ngồi trên mâm ngọc gươm kề sau lưng” hoặc: “Chân đạp miền thanh địa/Đầu đội mũ bình thiên/Mình mặc áo mã tiên/Ban ngày đôi ba vợ/Tối một mình nằm riêng”. Còn trong bài chính luận sắc bén Hịch tướng sĩ chống giặc Nguyên Mông (cuối thế kỷ 13), Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã cảnh báo tinh thần chiến đấu của binh lính: “Chớ có lấy việc chọi gà làm vui… Nếu giặc bất ngờ tràn tới thì cựa gà đâu thể đâm thủng áo giáp chúng?!”. Với tác phẩm Chinh phụ ngâm (giữa thế kỷ 18) của Đặng Trần Côn (Đoàn Thị Điểm dịch ra tiếng Nôm), người chinh phụ đêm ngày ngóng trông chồng khắc khoải trong tiếng gà: “Gà eo óc gáy sương năm trống/Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên/Khắc giờ đằng đẵng như niên/Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa”. Trong tác phẩm Truyện Kiều (cuối thế kỷ 18) nổi tiếng của Nguyễn Du, hình ảnh gà cũng nhiều lần xuất hiện, nhưng gợi nhất vẫn là tiếng gà: “Những là đo đắn ngược xuôi/Tiếng gà nghe gáy đã sôi mái tường/…/Tiếng gà xao xác gáy mau/Tiếng người đâu đã mái sau dậy dàng/…/Mịt mù dặm cát đồi cây/Tiếng gà điểm nguyệt dấu giày cầu sương”. Trong thời kỳ Thơ mới những năm 1932-1945, cái “tôi” hiện hữu, bao la nhưng bơ vơ, lạc loài giữa một xã hội vô định cũng được tô điểm bởi tiếng gà trong nhiều thi phẩm của các thi sĩ nổi tiếng: “Tới ngã ba sông nước bốn bề/Nửa chiều gà lạ gáy bên đê” (trong bài Em về nhà của Huy Cận), “Mỗi lần nắng mới hắt bên song/Xao xác gà trưa gáy não nùng” (Nắng mới - Lưu Trọng Lư), “Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt/Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi/Du khách đi. Du khách đã đi rồi” (Lời kỹ nữ - Xuân Diệu). “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” (Bên kia Sông Đuống - Hoàng Cầm). Nhưng tiếng gà không phải lúc nào cũng buồn, cũng khắc khoải như vậy. Từ đầu thế kỷ 20, nó xuất hiện trong Bài ca chúc Tết thanh niên của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu như một tiếng chuông báo niềm vui và sức sống mới, cơ hội mới: “Dậy! Dậy! Dậy!/Bên án một tiếng gà vừa gáy/Chim trên cây ngỏ ý chào mừng/Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng/…/Đời đã mới, người càng nên đổi mới/Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội/Xúm vai vào gánh vác cựu giang sơn”, theo vào bài thơ giữa thế kỷ 20 là Tiếng gà trưa của nữ sĩ Xuân Quỳnh: “Trên đường hành quân xa/Dừng chân bên xóm nhỏ/Tiếng gà ai nhảy ổ/Cục…cục tác cục ta/Nghe xao động nắng trưa/Nghe bàn chân đỡ mỏi/Nghe gọi về tuổi thơ”. Và đến cuối thế kỷ 20, nó bao trùm bài thơ Bức tranh gà của Trần Xuân Toàn với niềm tin vui lớn lao, lạc quan và hy vọng: “… Con gà đứng canh/Bác thợ ngắm tranh/Thấy lòng vỗ cánh/Thấy đời lại xanh/…/Con gà Việt Nam/Gà từ trong tranh/Gà ra cuộc đời/Gáy lên! Gà ơi!”. Còn trẻ em Việt Nam khi chơi trò Dung dăng dung dẻ thường thuộc lòng bài đồng dao vui nhộn: “Dung dăng dung dẻ/Dắt trẻ đi chơi/Đến cửa nhà trời/Lạy cậu lạy mợ/Cho cháu về quê/Cho dê đi học/Cho cóc ở nhà/Cho gà bới bếp/Ngồi xệp xuống đây”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Anh Hùng