Nét đẹp trong phong tục xông đất đầu năm của người Việt
2017-01-29 13:17:27
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Từ xa xưa, người Việt ta đã có phong tục xông đất (hay còn gọi là đạp đất) đầu năm, với mong muốn đem lại may mắn, hạnh phúc, bình an… cho gia đình trong năm mới. Theo tục lệ, giờ “xông đất” được tính bắt đầu từ sau giao thừa trở đi, khi tiếng chuông báo hiệu năm cũ đã qua, năm mới đến, vị khách đầu tiên bước chân vào nhà sẽ được coi là sứ giả may mắn mang theo những điều tốt lành đến cho gia đình.
Tết là dịp để những người phải sống xa nhà được đoàn tụ, sum họp cùng gia đình sau những ngày xa cách. |
Ông cha ta đã có câu “Có thờ có thiêng có kiêng có lành”, vì vậy mỗi khi bước sang năm mới, vào mùng 1 Tết mọi người đều phải chú ý từ lời ăn, tiếng nói cho đến việc xuất hành. Người Việt tin rằng việc xông đất cũng không ngoại lệ, nó ảnh hưởng sâu sắc tới vận mệnh, công việc làm ăn của gia đình trong cả năm.
Người xưa luôn tâm niệm nếu gặp được người xông đất tốt thì làm ăn tấn tới, mọi chuyện tốt lành, còn không may gặp người xông đất xấu thì sẽ gặp xui xẻo trong mọi việc. Vì thế, các bậc cao niên rất thận trọng đối với người đến nhà đầu tiên trong ngày Tết Nguyên Đán. Thời xưa chỉ có 2 cách chọn người tốt vía xông đất ngày đầu năm. Như người làm quan, người có học sẽ chọn người xông đất có tuổi hợp với chủ nhà và phải là đàn ông trụ cột trong gia đình. Đối với người dân lao động thì đơn giản hơn nhiều, người được chọn chỉ cần khỏe mạnh, tốt tính, và gia cảnh khấm khá, hòa thuận.
Người đến xông đất và gia chủ vui vẻ gửi những lời chúc tốt đẹp đến cho nhau |
Mỗi thời mỗi khác, hiện nay việc chọn người xông đất đầu năm có sự cầu kỳ hơn, phải chọn lựa kỹ càng từ nhiều yếu tố như: hợp tuổi, vận hạn năm qua tốt đẹp, có nhân phẩm tốt, tính tình hòa nhã, xởi lởi, thật thà, con cái đông đủ (có trai, có gái), mặt mũi sáng sủa, thân hình đầy đặn, không có tang... Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp gia chủ không tìm được người phù hợp thì chính người thân trong gia đình sẽ tự xông đất. Họ ra khỏi nhà trước giờ giao thừa, qua giờ giao thừa thì trở về xông nhà mang theo những cành lộc đầu xuân tựa như mang tới điềm lành và hy vọng cho ngôi nhà của mình.
Ngày Tết Nguyên Đán, mỗi người đều hướng đến sự an khang, thịnh vượng khi trời đất vào xuân.Từ mơ ước đó, vào buổi sáng mùng 1 Tết nhiều gia đình cài then, đóng kín cửa, đợi đến khi người được chọn tới mới mở cửa nhà đón khách. Thường thì người đến xông đất sẽ mang vị thần may mắn cùng những lời chúc tốt lành đến nhà vào khoảnh khắc sau giao thừa, nếu ở xa hoặc bận việc thì sẽ ghé qua lúc sáng sớm. Khi đi, sẽ mang theo chút quà nhỏ cho gia đình như bánh mứt, chè, thuốc và tiền lì xì cho trẻ nhỏ. Về phía gia chủ sẽ tiếp đón niềm nở và chúc tụng lại vị khách, mang những món ăn, các loại bánh mứt ngon nhất ra mời và cùng nhau uống một ly rượu chào đón năm mới. Tuy nhiên, vì mong cho mọi việc trong năm của chủ nhà được trôi chảy thông suốt, vị khách đặc biệt này chỉ đến thăm, chúc tết chừng 5 - 10 phút, chứ không ở lại lâu.
Người đến xông đất và gia chủ vui vẻ gửi những lời chúc tốt đẹp đến cho nhau |
Hòa với niềm vui ngày Tết, trong ngày này, cả người xông đất và gia chủ đều vui mừng, hoan hỉ. Người xông đất lấy làm hãnh diện khi được chọn để đem tới vận khí tài lộc cho gia đình người khác. Còn gia chủ cũng vui vẻ vì tin tưởng gia đình mình sẽ có một năm phúc lộc thọ toàn.Hiểu được ý nghĩa của tục xông đất, vào sáng mùng 1 Tết người Việt rất hạn chế việc đến thăm nhà người khác nếu không được nhờ “xông đất” từ trước. Cũng theo phong tục đó, ngày mùng 1 Tết sẽ là ngày dành cho gia đình, mọi người sẽ chỉ đi chúc Tết anh em, họ hàng, sang mùng 2 mới lui tới bạn bè, đối tác làm ăn.
Theo thời gian, những phong tục tập quán xưa cũng có những biến đổi để phù hợp với sự phát triển của cuộc sống ngày nay. Tục “xông đất” cũng không nằm ngoài vòng biến đổi đó, nó vẫn tiếp tục được duy trì nhưng chỉ như một niềm vui nho nhỏ ngày Tết chứ không nặng về chuyện may rủi, hậu vận như trước đây. Vì vậy, cả người xông đất và nhà được xông đất đều cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Thanh Huyền