Ngày này 45 năm trước ở CT4/203 (Tiếp theo)
Cầu Nguyễn Hoàng (hồi trước mình lầm là cầu Trịnh Minh Thế)
Bảo tàng cổ vật Chàm chẳng còn ai trông giữ, cửa thì mở toang. Bọn tôi cũng vào xem nhưng nhìn chung không mấy hứng thú, vì hiểu biết về nó còn quá ít. May, trước đây tôi cũng đã được đọc đâu đó một chút về văn hóa Chăm-pa nên nay trở thành hướng dẫn viên bất đắc dĩ cho cả đại đội. Tuy nhiên bọn hắn cũng chả chú ý nghe mà cứ mân mê, sờ mó những tượng, phù điêu vũ nữ rồi chỉ trỏ bàn tán về những lin-ga, io-ni v.v..
Phía bên kia đường là Trường trung học Sao Mai, nhưng cũng đóng cửa im ỉm vì chưa có người học. Chính thời gian ở đây tôi đã bị nhầm tưởng là sinh viên văn khoa vì đã đọc và bình bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan. Nhưng cũng vì vậy mà hình như đã góp phần giác ngộ cho 2 sĩ quan không quân VNCH, làm họ hiểu bộ đội miền Bắc hơn và đã đi trình diện sớm.
Sau mấy ngày còn bỡ ngỡ, thái độ của bà con đối với chúng tôi đã có nhiều thay đổi. Có nhiều nhà đã mời bộ đội vào nhà nghỉ cho đỡ mệt - Đà Nẵng tháng này nóng lắm. Có một ông chủ hiệu ăn còn mời bọn tôi vào nấu nướng trong bếp và cung cấp rau tươi cho. Nhà xe tôi hay vào ngồi nghỉ có ông già, một con trai, một con gái. Con trai là sĩ quan không quân, làm việc ở sân bay Nước Mặn. Lúc đầu nói dối là thợ điện, nhưng sau đó đã ra trình diện. Còn cô con gái học lớp 11, rất thích nghe chuyện của bộ đội nhưng lại xấu hổ. Ở đây, lần đầu tiên tôi được uống 1/2 bát rượu Rhom. Thơm như rượu mía ngoài Bắc nhưng sốc lắm.
Sau mấy ngày, cảm tưởng của tôi về con người Đà Nẵng là chị em không được xinh cho lắm và đặc biệt là tiếng nói cực kỳ khó nghe. Nói chuyện với họ chúng tôi cứ phải hỏi đi hỏi lại, thậm chí có những từ mình không hiểu vì bị biến âm đi rất nhiều. Chẳng hạn đáng lẽ là “tám” thì bà con lại nói “tốm”, “nam” thì nói là “nôm”, “cầy cấy” thì lại thành “cần cấn”…
Ngày 02/04/1975, chắc tình hình đã ổn định nên chiều tối, bọn tôi được lệnh cơ động sang bán đảo Sơn Trà. Chạy dọc theo sông Hàn một đoạn thì chúng tôi leo lên một cây cầu - sau này mới biết đó là cầu Nguyễn Hoàng. Cây cầu có kiến trúc thật lạ mắt và cũng thật vững chắc, mấy chiếc xe tăng chạy cứ ầm ầm mà không hề hấn gì.
Bán đảo Sơn Trà tôi cũng đã từng nghe đến hồi còn ở nhà. Nghe cái tên đẹp như vậy thì trong đầu hình dung ra đó là nơi sơn thủy hữu tình nên tôi rất chú ý quan sát. Tuy nhiên, chẳng thấy gì đẹp cả. Bán đảo ngày ấy hầu như không có dân (hay có mà người ta chạy đi rồi không biết). Chúng tôi chỉ thấy lớp lớp những dãy nhà kiểu trại lính và kho tàng nối tiếp nhau san sát, chỗ nào cũng bờ tường xây, căng dây thép gai ở trên, lố nhố tháp canh và vọng gác. Sau rồi đại đội tôi được đưa vào một doanh trại bỏ trống, bên cạnh là tiểu đoàn 1 của 203 đã vào đây từ chiều 29 tháng 3.
Tôi cũng không nhớ đó là doanh trại của đơn vị nào, chỉ nhớ đó là một dãy nhà một tầng, tường gạch, lợp tôn, sơn màu vàng và hầu như không có cánh cửa. Khu vệ sinh để đằng sau, gồm cái bể nước và mấy cái bệ xí. Trong nhà là hai dãy giường sắt có lò xo, một số có nệm, một số thì không. Trời Đà Nẵng dạo này nóng lắm, trong nhà tôn càng nóng hơn nên bọn tôi hay ra gốc cây ngồi. Những năm sau này đi công tác qua đây, nhưng tôi không thể định hình nổi chỗ đơn vị mình đã ở ngày trước - bán đảo Sơn Trà đã thay đổi quá nhiều, quá nhanh.
Trăng sông Hàn - Tác phẩm của họa sĩ LXT (Lê Trí Dũng), hiện treo tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng
Ngày 03/04/1975, Đại đội tôi và mấy đơn vị xe tăng vẫn nằm tại Sơn Trà.
Tuy nằm ở đấy nhưng phần vì lạ nước, lạ cái, phần vì nhìn ra chỉ thấy trại lính, lác đác quân ta với nhau nên chúng tôi cũng chẳng đi đâu cả, chỉ loay hoay làm kỹ thuật xe và ngủ bù. Ra đây ở ăn uống lại kém tươi đi vì không kiếm đâu ra rau tươi cả.
Ra đây tôi gặp lại mấy thằng bạn ở Đại đội 3. Chính bọn hắn đã vượt qua bọn tôi để đánh Hải Vân và vào bán đảo Sơn Trà sớm nhất. Vào sớm nên có điều kiện thu hồi “đồ cổ”. Vì vậy đồ hộp với thuốc lá của bọn hắn ê hề.
Chúng tôi cũng tranh thủ để tắm giặt vì tư trang đã vứt hết xuống chân Động Truồi rồi nên không có đồ thay. Mấy hôm ở nội thành Đà Nẵng vẫn “nhất” bộ. Chỉ đến buổi tối, đợi lúc khuya khuya không còn người qua lại mới tranh thủ ra chỗ vòi nước công cộng lau người được thôi. Bây giờ ra đây toàn lính với nhau nên mới được tắm và giặt quần áo. Tắm xong, mặc cái quần đùi ướt và ở trần thế đợi quần áo khô rồi mặc vào. Nhiều tên sợ hắc lào phơi cả quần lót nên cứ tồng ngà, tồng ngồng. Nhưng có ai đâu mà sợ. Trời thì nắng, lại nhiều gió nên quần áo cũng mau khô. Sau hàng chục ngày “nhất” bộ được mặc bộ quần áo sạch sướng tỉnh cả người.
Minh họa con Gấu đen
Gấu Đen (tên gọi của chú chó mà chúng tôi nuôi nó từ ngày 26/3 ở Thuận An - TP. Huế )vẫn ở với chúng tôi và ngày càng trở nên thân thiết. Ban ngày nó đi quanh quẩn đâu đấy nhưng đến bữa là tự động mò về. Còn nếu muốn gọi nó thì thằng Trực có món còi miệng: đút 4 ngón tay vào mồm “choét” lên một tiếng là nó lao về ngay.
(còn nữa)
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.