Nghệ An: Giải thể “Nhà Nuôi dưỡng thân nhân liệt sỹ” là đúng, nhưng...
Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An |
Nguồn tin đáng tin cậy cho biết, năm 2018, sau khi nhận được thông tin phản ánh của Tạp chí điện tử Hòa Nhập, một lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã “bí mật” thăm Nhà Nuôi dưỡng thân nhân liệt sỹ này. Sau chuyến thăm, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An báo cáo về vụ việc hướng xử lý. Ngày 13/2/2019, trong thông báo số 1516-TB/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, vấn đề “sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” của 19 đơn vị trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và xã hội Nghệ An đã được đưa ra.
Thực hiện chỉ đạo trên, ngày 17/5/2019 Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An đã có tờ trình số 115/TTr-SNV đề cập đến phương án “sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” của Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An. Vì vậy, ngày 02/7/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định số 2463/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế” đối với 19 đơn vị trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và xã hội.
Các thương binh nặng ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An được chăm sóc tận tình, chu đáo |
Theo quyết định này, Nhà Nuôi dưỡng thân nhân liệt sỹ tại Diễn Châu sẽ giải thể để chuyển toàn bộ đối tượng được chăm sóc, phụng dưỡng vào Trung tâm Điều dưỡng Thương binh nặng (tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Các đối tượng xã hội đang được nuôi dưỡng tại cơ sở “phụng dưỡng” thị trấn Diễn Châu sẽ được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An (tại xã Giang Sơn, huyện Đô Lương).
Nhận được thông tin, phóng viên Tạp chí điện tử Hòa Nhập đã về Trung tâm Điều dưỡng Thương binh nặng của Nghệ An để tìm hiểu. Tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An hiện có 71 phòng ở, diện tích mỗi phòng hơn 30m2, phần lớn khép kín, được ngân sách Nhà nước đầu rất tốt về cơ sở vật chất từ năm 2011. Ông Nguyễn Thiếu Lâm- Giám đốc đơn vị này cho biết, Trung tâm này ra đời từ năm 1974 do Bộ Nội vụ quản lý, năm 1979 được chuyển giao cho tỉnh Nghệ An. Tổng diện tích đất của Trung tâm khoảng 2,1ha.
Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An thường xuyên nhận được sự quan tâm chia sẻ của nhân dân bằng tấm lòng tri ân sâu sắc |
Thời điểm 2011, khi ông Phan Đình Trạc là Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An (nay ông Trạc là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương) Trung tâm này đã được quan tâm đầu tư cơ bản về cơ sở vật chất với 5 dãy nhà dành cho thương binh nặng được chăm sóc nội trú. Chiến tranh lùi xa, một số thương binh nặng do tuổi cao, sức yếu hoặc vết thương tái phát đã mất. Do vậy có 1 số phòng dôi dư. Một số thương binh khác xin về quê nhưng thỉnh thoảng vẫn đến Trung tâm, nên phòng ở của họ mặc dù khóa cửa suốt nhiều ngày nhưng việc trưng dụng lại là rất phức tạp. Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho biết, việc tiếp nhận 11 thân nhân liệt sỹ hiện đang nội trú tại cơ sở Diễn Châu theo chủ trương của tỉnh về Trung tâm là hoàn toàn thực hiện được.
Một điều rất đáng băn khoăn ở đây là, tại quyết định 2463/QĐ-UBND ngày 02/7/2019 nêu trên, toàn bộ cơ sở vật chất của Nhà Nuôi dưỡng thân nhân liệt sỹ lại được Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An tham mưu, đề xuất làm “Cơ sở Trung tâm Bảo trợ xã hội phía Bắc Nghệ An”. Cơ sở này có 12,5 ngàn m2 ở vị trí khá đẹp, có thể đấu giá để các nhà đầu tư khai thác, mang lại lợi ích cho ngân sách. Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh Nghệ An tại Giang Sơn (Đô Lương) sau khị bị báo chí phản ánh việc lãnh đạo ăn bớt chế độ của các đối tượng, nay đã có những thay đổi rõ rệt. Với cơ sở vật chất hiện có, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An chưa nhất thiết phải mở rộng thêm cơ sở 2. Nếu UBND tỉnh Nghệ An thuận theo đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và xã hội thì và Sở Nội vụ, thì việc tinh giản biên chế, chống lãng phí trong câu chuyện này sẽ chẳng có ý nghĩa gì.
Đồng chí Nguyễn Đặc Vinh- UVTW Đảng, Bí thư tỉnh ủy Nghệ An thăm các thương binh nặng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An |
Ở một góc nhìn khác, nếu đối tượng bảo trợ xã hội của Nghệ An trong những năm tới quá tải đối với Trung tâm Bảo trợ xã hội ở Giang Sơn (Đô Lương) thì nên tìm chọn một địa điểm khác phù hợp. Việc lấy một vị trí đất có giá trị sinh lời cao để xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội sẽ là rất lãng phí và... phản khoa học. Hàng năm, Nghệ An vẫn phải xin hỗ trợ rất lớn từ nguồn ngân sách Trung ương, thì việc giao cho các nhà đầu tư những “khu đất vàng” không qua đấu giá, hay sử dụng những vị trí đất sinh lời cao để làm cơ sở bảo trợ xã hội là rất lãng phí, kiểu “con nhà nghèo chơi sang”.
Bài viết này, thêm một lần nữa góp tiếng nói tốt lành, mong lãnh đạo tỉnh Nghệ An tiếp nhận, điều chỉnh lại nội dung quyết định nêu trên để tránh lãnh phí, hình thức, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.