Nghệ An: Đề án trồng 5 triệu hecta rừng và dấu hỏi về quyền lợi người trồng rừng 20 năm trước

2020-11-06 09:05:00 0 Bình luận
Nhiều năm qua, người dân ở xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An vẫn thắc mắc khiếu nại về chính sách quản lý rừng của Lâm trường Quỳ Hợp và Tổng Cty Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu. Những người trồng rừng theo chủ trương của Chính phủ từ năm 1998-2.000 vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Sau nhiều năm, câu chuyện giải quyết quyền lợi người trồng rừng theo đề án trồng rừng 327 và 661 tại các địa phương vẫn chưa có hồi kết khi người dân với chính quyền địa phương cũng như các cơ quan quản lý rừng không tìm được tiếng nói chung. Cách thực hiện trong quá trình trồng rừng tại mỗi địa phương tỉnh thành đều có những vướng mắc. 

Tại huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc, đến nay nhiều người vẫn bức xúc về việc rừng 327 trồng thông bị một số cá nhân biến thành vườn su su và xây nhà cửa. Ở tỉnh Điện Biên, cách đây ít năm, người trồng rừng kêu cứu vì nhiều năm qua chưa được hưởng lợi vì vướng mắc thủ tục pháp lý.

Riêng tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, những người dân Bản Khì và Bản Trèo (xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp), đó là câu chuyện mâu thuẫn giữa những người trồng rừng với lãnh đạo Lâm trường Quỳ Hợp.

Theo Quyết định 661 năm 1998 của cố Thủ tường Phan Văn Khải về việc phủ xanh 5 triệu hecta đất trống đồi trọc, người dân được nhận đất trồng rừng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời hạn 50 năm, sau đó được gia hạn nếu có nhu cầu. Cũng theo quyết định này, Nhà nước tạo môi trường pháp lý thuận lợi; tổ chức nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; có các chính sách khuyến khích người làm nghề rừng; hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách hoặc vốn tín dụng ưu đãi

Tuy nhiên nhiều năm qua, người dân địa phương vẫn gửi đơn kêu cứu về việc họ được giao đất rừng từ thời kỳ Chính phủ triển khai Quyết định 327 và 661, có sổ sách, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đàng hoàng nhưng trong tay không còn thửa đất nào. Năm 2012, nơi đây đã từng xảy ra tranh chấp xô xát mất an ninh trật tự khi lãnh đạo Lâm trường Quỳ Hợp (khi đó là ông Lê Thanh Hải, nay là TGĐ Công ty Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu) cho khai thác khu rừng mà người dân cho rằng của mình đang được giao canh tác theo Quyết định của Chính phủ.

Phản ánh với Hòa nhập cũng như đơn từng gửi chính quyền các cấp, một số người dân ở đây, trong đó có thương binh và gia đình chính sách ở Bản Khì và Bản Trèo (xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) cho biết, cách đây 20 năm, người dân thực hiện chính sách và hưởng ứng phong trào trồng rừng theo lời kêu gọi chủ trương của Đảng và nhà nước thực hiện phủ xanh đổi núi trọc theo dự án của chính phủ trồng 5 triệu ha rừng. Nhưng năm 2008, lãnh đạo Lâm trường Quỳ Hợp đã tuyên bố những khu rừng này là đất của lâm trường. Sau một thời gian tranh cãi, năm 2012, ông Lê Thanh Hải (GĐ) đã chỉ đạo khai thác. Người dân đã kéo lên phản đối và xảy ra xô xát, mất an ninh. Tuy nhiên kết quả là những người dân này không được thanh toán một đồng nào, không được hưởng quyền lợi gì. Đất rừng đã được giao nay cũng không còn.

Bà Hồ Thị Mựu (xóm Bản Khì, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp) cho biết: Hồi đó, lâm trường Quỳ Hợp động viên và phát động phong trào các gia đình dân cư địa phương cũng như hội cựu chiến binh tham gia trồng rừng.

Đến năm 2008, ông Ngô Xuân Quảng (giám đốc khi đó) đưa người vào để khai thác. Người dân đã yêu cầu thanh toán tiền cho các hộ là 8 tỷ đồng (tiền trồng rừng từ năm 2001) nhưng ông Quảng không thanh toán nên bị người dân ngăn cản. Bà Mựu kể rằng, trồng và chăm sóc rừng vào thời điểm đó rất khó khăn. Bất tiện vì giao thông đồi núi, thời tiết, khí hậu nên các hộ đã trồng đi và dặm lại. Vậy nhưng năm 2012, qua nhiều lần khiếu kiện lâm trường, ông Lê Thanh Hải (giám đốc) đã đưa người lên khai thác rừng.

Khu rừng Khoảnh 3 tiểu khu 295A (Bản Khì, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An)

Cựu chiến binh Lộc Văn Ích (xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp) cho biết: Ông có 2,2 ha rừng, đến khi thu hoạch thì lâm trường lấy mất và nói rằng rừng này chỉ là thuê gia đình ông chứ không phải gia đình ông trồng. Nhưng từ nhiều năm trước, lâm trường có hợp đồng ghi là trồng rừng và được hưởng lợi khi thu hoạch.

"Lúc ông Lê Thanh Hải lên làm giám đốc lâm trường đã không công nhận quyền của chúng tôi trên phần rừng trồng mà lại lấy danh nghĩa lâm trường vào khai thác, lấy luôn đất của chúng tôi", ông Ích nói.

Ông Lộc Văn Ích (một cựu chiến binh ở xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp) viết đơn cầu cứu khẩn cấp gửi Tạp chí điện tử Hòa Nhập.

Nhiều gia đình đã đưa cho chúng tôi xem những cuốn sổ chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được cấp từ năm 2000 tại một số khu vực. Theo Quyết định 661, những khu rừng này sẽ được sử dụng 50 năm. Nhưng không hiểu lý do gì những người này nói rằng họ đã bị thu lại hết phần rừng đang canh tác.

Theo một cán bộ từng công tác tại lâm trường, tổng diện tích rừng mà người dân được giao từ năm 2000 ước chừng khoảng 60ha. Một điều người dân thắc mắc nữa là tổng số cây cối do người dân trồng đã bị ông Lê Thanh Hải thu hoạch năm 2012 có được chuyển về cho Lâm Trường hay đã chuyển đi đâu?

Trong khi nhiều người dân bản địa ở xã Châu Cường kêu cứu vì bị lấy mất đất rừng canh tác thì chúng tôi lại nhận được phản ánh rằng thời ông Lê Thanh Hải làm GĐ Lâm trường Quỳ Hợp, có những người không thuộc lâm trường tham gia trồng và khai thác hàng chục ha rừng. Một số người dân cho biết, khi họ đến một số khu đất rừng hỏi là của ai thì được cho hay là của ông Hải hoặc người nào đó (có thể là người thân ông Hải). Mặc dù những người này không hề có tên tại lâm trường. 

Người dân cung cấp về thông tin cụ thể của một số người từng tham gia trồng và khai thác rừng ở đây. Cụ thể, rừng ở khoảnh 3 tiểu khu 295 được biết đến của một người tên Dương với khoảng 10ha  trồng keo. Một khu vực khác, có 16,4 ha rừng keo lại được biết đến là của một người phụ nữ tên Phương.

Một cái tên khác được người dân nhắc đến tại khe Tèo với 6,8ha rừng là Chu Văn Giang. Ông Giang không phải là công nhân Lâm trường hay người dân trên địa bàn Qùy Hợp mà ông Giang có hộ khẩu thường trú tại xã Diễn Lộc huyện Diễn Châu.

Một nguyên tắc bất thành văn được người dân cũng như cán bộ Lâm trường nói đến là việc Lâm trường phân chia giao khoán trồng rừng cho cán bộ lãnh đạo ở đây. Theo đó, lãnh đạo được giao 3ha, nhân viên được giao 1 - 1,5ha. Tuy nhiên họ không biết ông Hải đang nhận sử dụng khai thác bao nhiêu rừng. Họ thấy nhiều phần rừng được giao khoán cho những người ở nơi khác mà họ không biết. 

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Tiến (kế toán trưởng công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu) cũng xác nhận việc thầu khoán rừng được phân công theo các mức độ ưu tiên cho cán bộ nhân viên trong Lâm trường. Theo ông Tiến, việc thầu khoán và hưởng lợi theo phần trăm. Hằng năm, Lâm trường cũng như Tổng Công ty đều có kế hoạch sử dụng rừng và phân chia thầu khoán, báo cáo đầy đủ lên tỉnh cũng như cơ quan cấp trên.

PV đặt câu hỏi việc phân chia thầu khoán trồng rừng cho lãnh đạo và cán bộ lâm trường hưởng lợi dựa theo cơ sở pháp luật nào, có minh bạch và đúng quy định, chủ trương của Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng như UBND tỉnh Nghệ An hay không?

Ông Tiến nói rằng sẽ báo cáo lãnh đạo và cung cấp tài liệu văn bản đầy đủ thể hiện điều này. Tuy nhiên sau nhiều lần PV đặt lịch và liên hệ, cơ quan này vẫn không phản hồi. Như vậy việc phân chia thầu khoán cho lãnh đạo cán bộ Lâm trường Quỳ Hợp có thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý rừng hay không là điều vẫn chưa được thông tin rõ.

Lúc đầu, ông Tiến nói rằng việc liên quan đến tranh chấp về đất rừng năm 2012 là ở Lâm trường Đồng Hợp chứ không phải Quỳ Hợp. Tuy nhiên khi chúng tôi đưa ra danh sách những người dân trồng rừng, ông Tiến mới thừa nhận việc này đúng là liên quan quyền lợi ở Lâm trường Quỳ Hợp.

Vị kế toán doanh nghiệp khẳng định rằng vụ tranh chấp đất rừng này đã được kết luận là đất hoàn toàn của Lâm trường Quỳ Hợp và người dân chỉ được thuê chăm sóc, người dân nhận thức chưa đầy đủ. PV lại đưa ra bằng chứng về những cuốn sổ chứng nhận về việc được giao đất trồng rừng của người dân từ năm 2.000. Theo chủ trương đề án, rừng này phải do người dân khai thác và hưởng lợi đến 50 năm. Ông Tiến lại nói sẽ kiểm tra rà soát lại và trả lời cụ thể.

Phóng viên đã liên hệ nhiều lần với công ty TNHH MTV Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu để làm rõ những vấn đề người dân phản ánh nhưng đến nay vẫn không nhận được phản hồi.

Hòa Nhập sẽ tiếp tục thông tin…

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quảng Ninh: “Bừng sáng cùng Kỳ quan” - Carnaval Hạ Long đầu tiên trên biển

Tối 28/4 tại khu du lịch Bãi Cháy thành phố Hạ Long, Carnaval Hạ Long 2024 lần đầu tiên được tổ chức trên biển đã mang tới cho du khách nhiều cảm xúc về vùng đất, con người Quảng Ninh với nhiều nét văn hóa đặc sắc, khởi động một mùa du lịch mới.
2024-04-29 14:43:11

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".
2024-04-27 19:43:25

Triển lãm ảnh những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Bảo tàng chiến thắng B52 và Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam vừa tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Việt Nam - những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử Thế giới”.
2024-04-27 01:13:48

Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024

Tối 26/4, tại Công viên Thống Nhất, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội đã tổ chức Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024.
2024-04-26 23:56:34

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29
Đang tải...