Nghệ An: Người dân bất bình về việc quy hoạch cấp mỏ đất san lấp
Vì sao người dân bức xúc phản đối.
Từ những thông tin mà Phóng viên tìm hiểu có được, Công ty TNHH Phú Thành đã từng được UBND Tỉnh Nghệ An cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực Núi Thành, xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên theo quyết định số 111/QĐ-UBND.TN vào ngày 17/01/2011 có thời hạn 5 năm. Theo quy định, trước thời điểm hết hạn cấp phép khai thác khoáng sản, doanh nghiệp phải thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường, hoàn trả mặt bằng, trồng cây xanh, hoàn trả lại nguyên hiện trạng. Nhưng trên thực tế, sau khi hết thời hạn khai thác, doanh nghiệp đã “cuốn gói ra đi” mà không hề thực hiện việc cam kết như đã hứa với người dân và hoàn thổ theo quy định của Pháp luật.
Được các người dân sống ở đây dẫn vào vùng mỏ đất, nơi mà Công ty TNHH Phú Thành đã từng khai thác; PV không khỏi ngạc nhiên khi hiện ra trước mắt là những quả đồi nham nhở, nhiều hố sâu chứa đầy nước tạo thành những cái bẫy khổng lồ gây nguy hiểm, tiềm ẩn sự đe dọa đến tính mạng của người dân cũng như vật nuôi.
Doanh nghiệp sau khai thác không hoàn trả môi trường để lại những hố, vực sâu gây nguy hiểm.
Trao đổi với PV ông Nguyễn Văn Sửu - Thương binh 1/4, nhà ông nằm cạnh chân núi, nơi bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc khai thác đất cho biết: “Trước đây, khi Công ty TNHH Phú Thành có đến khai thác đất, xã cũng đã họp bàn người dân và Công ty có hứa sau khi khai thác xong sẽ hoàn trả lại môi trường cho người dân, khi nào người dân đồng ý thì Công ty mới “rút lui” thế nhưng việc hoàn thổ vẫn chưa được thực hiện thì họ đã bỏ đi không ai hay.
Sau quá trình khai thác đó, Công ty đã để lại nhiều tồn tại, gây nguy hiểm, bức xúc cho nhân dân mà mãi đến nay vẫn đang còn nỗi lo. Bởi hàng năm người dân tại địa phương phải chịu nhiều thiệt hại nặng nề về kinh tế; đã có nhiều gia đình đã phải chịu mất trâu, mất bò vì rơi xuống chết tại các hố sâu trong những năm vừa qua mà họ không biết làm gì hay kêu ai, bởì núi Lam Thành là nơi thả trâu, bò thường xuyên của người dân nơi đây.
Cùng lên tiếng phản đối việc này, ông Nguyễn Văn Hùng - Thương binh ¾ không khỏi bức xúc nói thêm: “Núi Lam Thành là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho bà con nhân dân thôn Yên Cư từ bao đời nay, trước đây, doanh nghiệp khai thác đất gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân sinh sống dưới chân núi, ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con nhân dân. Việc khai thác đất làm mất đi lớp thực vật che phủ bề mặt dẫn đến đất đá trên núi bị xói mòn, cuốn trôi đất đá ra ruộng, làm mất diện tích canh tác lúa, hoa màu của nhân dân. Ngoài ra, khai thác đất còn gây sạt lở vào nhà dân ảnh hưởng đến tính mạng của hộ dân dưới chân núi.”
Nguồn nước sinh hoạt của người dân trên núi.
Trước đây, trong thời gian Công ty TNHH Phú Thành khai thác đất, các xe tải vận chuyển đất thường xuyên chở quá tải, phóng nhanh, vượt ẩu, gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông, đất đá rơi vãi trên đường làm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Bụi bẩn từ việc khai thác và vận chuyển đất bay vào nhà dân làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Hơn nữa, khu vực quy hoạch mỏ cũng là nơi chôn cất của những người đã khuất từ bao đời nay, việc khai thác đất đã làm mất mát một số mồ mả đã an táng mà đến nay vẫn không tìm thấy.
UBND xã Xuân Lam đã thực sự lắng nghe.?
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An tại Công văn số 9939/UBND-NN ngày 12/12/2016 về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp của hoạt động khai thác khoáng sản, đồng thời triển khai thực hiện Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ, Sở Tài nguyên và Môi trường về việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại thôn, xóm trong vùng giáp ranh, liền kề với khu vực mỏ. UBND xã Xuân Lam cũng có những cuộc họp bàn tại nhà văn hóa xóm để lắng nghe ý kiến của các hộ dân xung quanh việc cấp mỏ khai thác trên địa bàn.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Phận - Chủ tịch UBND xã Xuân Lam cho biết; đã họp bàn 15 hộ dân xung quanh con đường đi lên mỏ đất tại nhà văn hóa xóm. Có đa phần các hộ dân đồng ý, chỉ còn vài hộ dân chưa đồng ý. Thế nhưng, trong đơn của người dân gửi đến Văn phòng Tạp chí và theo quan sát của PV, có đến hơn 50 hộ dân cư đều ký vào đơn và họ chủ yếu là những gia đình nằm phía dưới chân núi, sát với con suối, nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc khai thác đất từ trước đến nay lại không được mời đến họp.
Đơn tập thể người dân xóm Yên Cư, xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên gửi tới Văn phòng Tạp chí Điện tử Hòa Nhập.
UBND xã đã nhận được đơn phản ánh của người dân Thôn Yên Cư về việc không đồng ý cấp mỏ đất khai thác trên Núi Thành, xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên nhưng vì công việc bận rộn nên cũng chưa xem qua và cũng chưa có phương hướng giải quyết.
Vậy việc UBND xã chưa lấy hết ý kiến của các hộ dân giáp ranh, liền kề với khu vực mỏ liệu có khách quan, trung thực, phản ánh đúng đa số nguyện vọng của nhân dân chịu ảnh hưởng của việc khai thác khoáng sản. Việc Công ty TNHH Phú Thành trước đây đã từng khai thác và không hoàn thổ, phục hồi môi trường có thực hiện đúng lời hứa với người dân, thực hiện đúng quy định của Pháp luật hay chưa?
Thiết nghĩ, tài nguyên khoáng sản là nguồn lực quan trọng của Quốc gia để phát triển kinh tế xã hội, nhưng là nguồn lực không tái tạo được nên chúng ta cần bảo vệ và sử dụng hợp lý. Khai thác khoáng sản đảm bảo góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và phải đảm bảo môi trường sinh thái ở từng địa phương. Ngoài ra, việc khai thác cũng phải nhận được sự đồng thuận từ người dân.
Hàng chục hộ dân ở thôn Yên Cư, xã Xuân Lam mong muốn chính quyền các cấp xem xét lại việc quy hoạch mỏ đất ở núi Lam Thành do Công ty TNHH Phú Thành khai thác. Người dân ở đây rất lo ngại nếu mỏ đất gần với khu dân cư này được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận quy hoạch và khi đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của họ của như thế nào..?
Tạp chí Điện tử Hòa Nhập sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.