Nghị lực mãnh liệt của cô giáo xương thủy tinh Ngọc Tâm
Bắt đầu từ mong ước nhỏ của ông ngoại
Chân dung cô giáo Ngọc Tâm bé nhỏ với nghị lực phi thường
Ngày bé, Ngọc Tâm thấy các bạn đi học, cô bé cũng rất thích được đi học nhưng do căn bệnh xương thủy tinh quái ác, cô bị gãy xương rất nhiều nên không thể đi học cùng các bạn. Năm 8 tuổi, Ngọc Tâm xin bố mẹ cho đi học lớp 1. Từ mong mỏi ban đầu, ông ngoại và gia đình cho cô đi học để sau này có thể đọc báo, đọc sách nhưng với sự nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của gia đình, Tâm đã quyết tâm học, suốt 9 năm đi học, cô luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc.
Lên cấp 3, con đường học tập của Ngọc Tâm phải dừng lại vì nhà cách trường 15km nên cô phải chấp nhận nghỉ học do sức khỏe yếu, đường xa gia đình cũng lo cô gặp nguy hiểm. Không thể tiếp tục đi học nhưng ước mơ trở thành cô giáo của Ngọc Tâm chưa bao giờ ngừng cháy bỏng mặc cho nỗi đau thể xác cứ nối tiếp nhau dày vò cô gái bé nhỏ. Không chỉ bị xương thủy tinh, cô còn bị tim, phổi, dạ dày, phế quản, biến dạng cột sống khiến lưng cô ngày càng còng xuống.
Sinh ra trong một gia đình có ông ngoại là nhà giáo. Dường như cái nôi dạy học đã ngấm trong máu Ngọc Tâm. Khi còn bé, nhìn các thầy cô giáo đứng trên bục giảng giảng bài, Ngọc Tâm đã rất thích, cô cũng hy vọng một ngày mình có thể đứng trên bục giảng dạy chữ cho các em nhỏ. Lớn dần lên, Ngọc Tâm ý thức được mình không thể đứng trên bục giảng, Ngọc Tâm quyết định kèm thêm cho các em nhỏ hơn mình. Cứ thế lớp Ngọc Tâm thủy tinh ra đời. Cô giáo Ngọc Tâm chia sẻ: “Tâm chưa bao giờ tự nhận Tâm là cô giáo, Tâm chỉ là người kèm thêm cho các em học sinh, các bạn gọi mình là cô Tâm hay cô giáo là tùy vào trái tim, tùy vào cảm nhận của mọi người. Còn mình đơn giản chỉ là Ngọc Tâm thủy tinh”.
Cô Tâm cùng các học sinh trong lớp học của mình
Ngoài kiến thức ở trường, Ngọc Tâm tự trau dồi, mày mò tìm hiểu, mở rộng vốn kiến thức. Chiếc máy tính giúp tâm tìm hiểu những thông tin, cập nhật các kiến thức mới để kèm cặp, củng cố kiến thức môn học, mở rộng thêm các dạng bài cho các em.
Chân mẹ thay bước con đi mỗi ngày
Gia đình là chỗ dựa tinh thần vững chắc để Ngọc Tâm có được ngày hôm nay. Vì không có khả năng di chuyển nên việc kê bàn kê ghế cho các em học sinh hay cần hỗ trợ thêm gì cũng cần bố mẹ. Ngọc Tâm chia sẻ: “Nếu không có sự giúp đỡ nỗ lực của gia đình thì sẽ không có Ngọc Tâm của ngày hôm nay, đặc biệt là mẹ của mình. Trên mỗi cung đường mình đi, mỗi mảnh đất mình đến mà không có mẹ, thì mình sẽ không thực hiện được những chuyến đi ấy”.
31 tuổi là 31 năm mẹ hy sinh, chăm sóc, trở thành người bạn của Tâm. Đôi chân bé nhỏ chẳng thể một lần chạy nhảy nhưng lại có thể đi được nhiều nơi, tham gia nhiều hoạt động xã hội, các hoạt động tình nguyện nhờ sự hỗ trợ của mẹ . Mỗi hành trình Tâm đi luôn in dấu bàn chân mẹ.
Mẹ của Ngọc Tâm trước đây công tác tại trường Cao Đẳng Xây Dựng Nam Định, sau khi sinh Tâm, sức khỏe Ngọc Tâm yếu nên mẹ phải nghỉ ở nhà, chăm sóc con. Đang từ một công việc nhàn hạ, mẹ của Ngọc Tâm trở thành người nông dân thực thụ, phải cấy ruộng, nuôi gà, nuôi vịt,... mẹ làm hết mọi việc để có thể trang trải cuộc sống và chữa bệnh cho Tâm.
Trải qua bao nhiêu sóng gió, mái tóc mẹ đã bạc, những vết nhăn trên khuôn mặt, những vết chai sạn trên đôi tay bé nhỏ gầy guộc đã chứng minh cho sự lo toan, cả đời hy sinh vì con. Mẹ của Ngọc Tâm là minh chứng cho câu nói dù có vất vả bao nhiêu thì bậc làm cha, làm mẹ, vẫn xem đó là trách nhiệm, là tình yêu thương, là ước muốn được che chở cho con.
Lạc quan sống từng ngày mang lại những điều ý nghĩa
Lớp học đầu tiên mở ra từ năm 2004, đến nay lớp học đã được 17 tuổi, học sinh của Ngọc Tâm từ lớp 1 đến lớp 8, không chỉ có những bạn học sinh ở xung quanh mà còn có những bạn học sinh ở xã lân cận, xa hơn có cả tỉnh khác sang học. Cứ ngày nghỉ, các bạn học sinh lại tự động đến nhà cô học, không cần cô phải nhắc.
Lớp học Ngọc Tâm thủy tinh duy trì kèm cặp cho các bạn học sinh, Ngọc Tâm cảm thấy nếu chỉ cung cấp các kiến thức ở sách giáo khoa thì không thể đủ, cần phải học nhiều kiến thức từ nhiều nguồn sách khác nhau. Ngọc Tâm thành lập “Không gian đọc Ngọc Tâm thủy tinh” từ chính nguồn sách của Ngọc Tâm có sẵn. Sau khi biết đến không gian đọc Ngọc Tâm thủy tinh, bạn bè và một số tổ chức cũng gửi tặng tủ sách như: Nhà xuất bản Phụ nữ, Thư viện tỉnh Nam Định. Đến nay, tủ sách đã có khoảng 1500 cuốn sách giúp các bạn học sinh trau dồi kiến thức. Ngọc Tâm cũng chia sẻ mong muốn có nhiều sách hơn để bổ sung thêm nhiều kiến thức cho các em học sinh của mình.
Ngoài việc kèm thêm cho các bạn học sinh, Ngọc Tâm còn tham gia các hoạt động tình nguyện, các hoạt động xã hội, các dự án truyền cảm hứng, các hoạt động lĩnh vực của người khuyết tật. Năm 2020, Ngọc Tâm được tôn vinh là 1 trong 64 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu “Toả sáng nghị lực Việt“ năm 2020, 1 trong 10 cá nhân được TƯ Đoàn, TƯ Hội LHTN Việt Nam trao Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2020
Ngọc Tâm trong buổi lễ trao giải Tình nguyện Quốc gia năm 2020
Nói đến dự định tương lai, Ngọc Tâm chia sẻ: “Tâm là người thích làm ra, có được kết quả, mọi người nhìn thấy thành quả của mình chứ không thích nói, nếu mình nói ra mà mình không làm được thì không có ý nghĩa gì cả, vì vậy mọi dự định trong tương lai của Tâm sẽ được bật mí trong tương lai”.
Trên con đường phía trước, cô giáo Ngọc Tâm bé nhỏ còn nhiều hoài bão, mang trong mình nhiều dự định. Suy nghĩ tạo nên hành động, hành động tạo nên thói quen, mình cứ lạc quan lên mà sống, thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Buồn cũng phải sống, vui cũng phải sống, mình làm được gì thì mình sẽ cố gắng hết sức. Câu nói được Ngọc Tâm ví như châm ngôn sống của mình. Ngọc Tâm luôn xuất hiện với nụ cười trên môi, nụ cười xua tan bệnh tật, nụ cười tiếp thêm nghị lực cho biết bao con người. Cô không hề bi lụy, oán trách mà luôn lạc quan yêu đời. Cô sẽ luôn là nghị lực truyền cảm hứng sống cho mọi người.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.