Nghịch lý Đô thị loại 1 - Biên Hòa nỗ lực để xóa tình trạng học ca ba
Nỗ lực hoàn thành các dự án trường học mới
Sau hơn hơn 1 năm triển khai xây dựng, dự án trường THCS Bình Đa thuộc phường Bình Đa - TP Biên Hòa đã hoàn thành và được bàn giao đưa vào sử dụng năm học mới sắp tới. Trường có quy mô 2 khối phòng học 4 tầng gồm 30 phòng và một khối hành chính hiệu bộ. Tổng diện tích mặt sàn xây dựng là hơn 7.000m2 với tổng vốn đầu tư trên 63 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Biên Hòa. Hiện công trình này đã hoàn thành nghiệm thu và bàn giao để chuẩn bị cho năm học mới 2017 - 2018 tới. Tương tự, dự án trường THCS Trường Sa tại khu phố 3 phường Trảng Dài cũng đang được khẩn trương thực hiện các hạng mục cuối cùng. Trường xây dựng với quy mô 2 khối lớp học 28 phòng và 16 phòng, 5 phòng chức năng và khu hiệu bộ 2 tầng. Ngoài ra công trình còn có các hạng mục phụ như nhà xe bảo vệ, cổng tường rào, sân trường, hệ thống thoát nước. Tổng kinh phí xây dựng công trình là trên 53 tỷ đồng. Dù tiến độ xây dựng công trình có chậm so với kế hoạch nhưng đến thời điểm này đã hoàn thành trên 90% khối lượng công trình. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó giám đốc công ty Nguyễn Hoàng- Đơn vị thi công thì việc dự án chậm so với tiến độ đề ra là có lý do đó là do vướng mắc giải phóng mặt bằng trong quá trình thi công. Đồng thời 2 có một lượng rác thải lớn nằm trên xây dựng trường nên mất thời gian khá dài để giải phóng. Tuy vậy, phía đơn vị thi công cam kết cố gắng để đưa công trình hoàn thành kịp khai giảng năm mới cho các em học sinh.
Hiện trên địa bàn TP Biên Hòa đang triển khai 9 công trình trường học mới. Trong đó phấn đấu có 5 công trình kịp thời đưa vào sử dụng đầu năm học mới số còn lại sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ học kỳ 2 của năm học. Bên cạnh đó Ban quản lý dự án đang hoàn tất hồ sơ 4 dự án trường học khác để khởi công trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn trong những năm học tiếp theo. Ông Phạm Anh Dũng- Chủ tịch UBND TP Biên Hòa - Đồng Nai nhấn mạnh “Việc xây dựng trường lớp là vấn đề trọng điểm của Biên Hòa trong năm 2016 cũng như 2017. Thực tế trong thời gian qua thành phố đã tập trung và rất là quyết tâm đã triển khai nhiều dự án trường học nhất là ở những nơi có tình trạng ca 3 những nơi có đông dân cư như Trảng Dài - Long Bình Long Bình Tân và một số xã nông thôn mới. Cơ bản là các công trình này đang trong quá trình hoàn thiện nghiệm thu để năm học tới thành phố sẽ bố trí nhằm giảm học ca 3 tại các trường học khu vực này”.
![]() |
Áp lực trường lớp vẫn còn lớn
Mặc dù hàng năm TP Biên Hòa đều dành một khoản ngân sách lớn khoảng 300 tỷ đồng đầu tư cho các dự án trường học với nhiều công trình được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên với đặc thù là thành phố Công nghiệp dân số đông đặc biệt là dân số nhập cư là công nhân lao động tại các Khu công nghiệp nên áp lực về quá tải trường lớp vẫn còn rất lớn. Cụ thể năm học vừa qua trường Tiểu học Trảng Dài đã phải tổ chức 27 lớp học ca ba. Theo thống kê của UBND phường Trảng Dài thì năm học tới có khoảng 1.200 học sinh vào lớp 1. Trong khi đó trường tiểu học Trảng Dài 3 vẫn chưa thể khởi công thực hiện nên năm học mới 2017 - 2018 tiếp tục là bài toán khó đối với cả chính quyền địa phương lẫn nhà trường trong việc bố trí học sinh học tập. Bà Dương Kim Trúc - Phó chủ tịch UBND phường Trảng Dài - TP Biên Hòa cho biết “Năm học tới dự kiến trường THCS Trường Sa có 3 khối 6,7,8 với khoảng 44 lớp học và dự kiến số lớp học này sẽ học vào buổi sáng. Do đó UBND phường dự tính mượn trường THCS Trường Sa vào buổi chiều để xóa ca 3 cho trường tiểu học Trảng Dài. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời do đó UBND phường mong muốn và kiến nghị UBND thành phố quan tâm sớm triển khai xây dựng trường tiểu học Trảng Dài mới”.
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Biên Hòa thì năm học mới dự kiến có trên 210.000 học sinh trên toàn địa bàn tăng 7000 đến 8000 học sinh so với năm học trước. Với lượng học sinh tăng cao này thì việc đầu tư trường lớp của thành phố vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh. Ông Võ Văn Minh - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Biên Hòa cho rằng dù năm học này được thành phố quan tâm và xây dựng đưa vào 9 công trình trường học mới tuy nhiên do dân số cơ học tăng cao nên áp lực trường lớp vẫn là rất lớn đặc biệt là tại các phường xã có dân nhập cư đông như Trảng Dài, Long Bình, Phước Tân… Do đó trong thời gian tới Phòng sẽ phối hợp với các phòng ban tham mưu đề xuất kiến nghị thành phố xây dựng thêm trường học mới nhằm đáp ứng nhu cầu học sinh trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh việc dân số cơ học tăng cao dẫn đến áp lực trường lớp thì còn có một thực tế là một số phường xã trên địa bàn diện tích đất dành cho quy hoạch đất giáo dục quá ít. Trong khi đó việc giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều khó khăn khi có chủ trương thực hiện các dự án trường học dẫn đến nhiều dự án trường học kéo dài thậm chí không thể thực hiện được. Ngoài ra nguồn ngân sách cân đối để xây dựng trường lớp của thành phố cũng gặp khó khăn khiến áp lực về trường lớp là rất lớn. Để giải quyết vấn đề này theo ông Doãn Văn Đồng - Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Biên Hòa thì trong thời gian tới thành phố sẽ tập trung cùng với các ngành của thành phố rà soát điều chỉnh quy hoạch bố trí quy hoạch quỹ đất giáo dục các phường nhất là những nơi đông dân. Đồng thời kiến nghị thành phố quỹ đất mà đến nay các doanh nghiệp chưa thực hiện được sẽ thu hồi và điều chỉnh qua đất giáo dục. Bên cạnh đó là kêu gọi việc xã hội hóa giáo dục đối với các doanh nghiệp có tâm huyết đồng thời kiến nghị tỉnh cân đối nguồn vốn hỗ trợ thành phố Biên Hòa để thực hiện các công trình giáo dục.
Như vậy bên cạnh sự nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền địa phương TP Biên Hòa thì rất cần sự hỗ trợ của tỉnh cũng như sự chung tay của các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ về mặt kinh phí để Biên Hòa tiếp tục thực hiện các dự án trường học mới trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn trong đó có con em của công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.