Thấy nhiều người thuê trọ đói vì Covid-19, thương binh vận chuyển thực phẩm miễn phí
Hàng ngày, người cựu chiến binh, thương binh 67 tuổi vẫn chịu trách nhiện vận chuyển thực phẩm cho nhóm công nhân người dân tộc thiểu số quê Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, đang mắc kẹt trong vùng phong tỏa ở phường Chương Dương, sử dụng trong khoảng nửa tháng. Đứng ở cửa nhà, ông Bình cởi lớp đồ bảo hộ bên ngoài, bộ quần áo bộ đội bên trong ướt nhẹp mồ hôi.
Ông Bình (ngoài cùng bên trái) đang chuẩn bị một chuyến hàng cứu trợ, trưa ngày 5/9. Ông cùng chiếc xe ba gác chở hàng chục chuyến hàng nhu yếu phẩm miễn phí cho người nghèo và lao động ngoại tỉnh kể từ khi phường Chương Dương bị phong toả. Ảnh: Lệnh Thắng.
Phường Chương Dương của ông Sử Văn Bình bị cách ly y tế từ ngày 31/7. Một buổi sáng, ông nghe anh Lê Ngọc Điệp, người đang thuê trọ gần nhà than thở, nhóm công nhân ngoại tỉnh đang "không biết sống thế nào qua những ngày phong tỏa vì không còn gì ăn". Ông nghĩ ngợi rồi gọi điện bàn với các cựu chiến binh khác trong khu phố: "Mình là lính, lăn lộn qua khắp các chiến trường khốc liệt, mà giờ không làm gì để giúp người dân thì thì thật đáng trách".
Vậy là ngay hôm đó, ông đánh chiếc xe ba gác ra Ủy ban phường, đăng ký với Mặt trận Tổ quốc chạy xe miễn phí chở lương thực tiếp tế cho bà con. Những ngày sau, người cựu chiến binh hàng ngày dậy sớm, ngồi ôm điện thoại, đợi cán bộ gọi đến chở hàng. Để hạn chế tiếp xúc và nguy cơ lây nhiễm nên ông Bình đảm nhiệm mọi việc, tự tay khuân vác, bê hàng hóa lên xuống xe và phân phát cho các hộ cần cứu trợ. Được vài ngày, thấy mình vẫn còn "dư sức quá" trong khi số người thiếu đói lại nhiều, ông bàn với người bạn già, cũng là một cựu chiến binh, đăng bài lên mạng xã hội kêu gọi mọi người ủng hộ nhu yếu phẩm cho bà con vùng phong tỏa.
Từ hôm sau, lương thực, thực phẩm dồn dập đổ về khiến ông Bình bận tối mặt mũi. "Tôi từng có 15 năm không biết đến cảm giác đói, chỉ khi nào hoa mắt, hạ đường huyết mới bỏ vào bụng vài thanh kẹo. Nhưng thấy mọi người đói vì thiếu lương thực tôi thương lắm", ông Bình nói và cho biết, bản thân là thương binh hạng 4, bị cắt mất dạ dày sau lần bị thương ở chiến trường Thượng Đức (Quảng Nam) năm 1974.
Xuất ngũ về quê, nhưng người đàn ông không chịu ở yên một chỗ. Ông Bình bàn với gia đình mua chiếc xe ba gác để chở hàng, có thêm việc làm, không quan trọng thu nhập. Ban đầu mọi người lo sức khỏe của ông không đảm bảo nhưng sau một thời gian, thấy ông yêu đời, sức khỏe dẻo dai hơn nên gia đình mới yên tâm. Hơn 15 năm trở lại đây, ông Bình thi thoảng cũng xin đi theo góp sức các đoàn thiện nguyện của bạn bè, người thân.
Nghe bố (cũng là một cựu chiến binh) kể chuyện, chị Nghiêm Thị Thanh, 32 tuổi đang phụ trách một nhóm tình nguyện viên đã chủ động kết nối với ông Bình. Từ ngày ông Bình vào, nhóm phân chia công việc chuyên nghiệp hơn, có người nhận hàng lương thực từ các cá nhân, tổ chức gửi vào, người phân chia thành túi nhỏ, ông Bình trực tiếp dùng xe ba gác của mình chở đến tận nơi. Nhóm đều là người trong phường Chương Dương, nên hiểu rõ hoàn cảnh từng nhà.
Mấy hôm đầu, do chưa kiểm soát được nguồn lây cộng đồng, rất khó khăn mới có thể chuyển lương thực từ ngoài vào. Đảm bảo an toàn, mọi người đều mặc đồ bảo hộ, mang khẩu trang y tế và tấm chắn giọt bắn. "Gia đình tôi có 8 người, nên lo lắng nhất là phải giữ an toàn cho mình. Lúc này cạnh nhà tôi cũng có F0 nên không thể biết trước, liệu mình có mắc Covid-19 hay không" chị Thanh nói.
Có hôm nhóm chỉ hỗ trợ 50 - 60 nhà nhưng có những khi phải phân phát đến hơn 120 hộ, nhiều điểm là nhà trọ của công nhân có số lượng người lớn. Vừa phát lương thực nhóm còn tranh thủ an ủi, động viên các lao động ngoại tỉnh yên tâm ở lại, không trốn về quê. "Không chỉ lúc khó khăn, ngày thường ông Bình cũng hay đến hỏi han, chia sẻ đời sống với anh em công nhân chúng tôi", Lê Ngọc Điệp, công nhân xây dựng, quê Thanh Hóa cảm động nói.
Ông Bình phân phát thực phẩm cho các lao động ngoại tỉnh trên địa bàn phường Chương Dương, ngày 5/9. Ảnh: Lệnh Thắng.
Sau gần một tháng hoạt động, nhóm của ông Bình đang lên kết hoạch chuyển đến cứu trợ cho khu vực Đông Anh sau khi phường Chương Dương kiểm soát được dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hiếu, Phó chủ tịch UBND phường Chương Dương cho biết, do diễn biến dịch xảy đến bất ngờ, nhiều cán bộ, công an phường cũng phải cách ly do liên quan đến các F0. Trong khi đó, ngoài những hộ nghèo là người địa phương, khoảng 80% lao động ngoại tỉnh còn mắc kẹt tại địa bàn, nên những nhóm hoạt động thiện nguyện như ông Bình đã giúp đỡ chính quyền rất nhiều trong đảm bảo đời sống, lương thực cho người dân trong thời điểm phong tỏa.
"Cá nhân ông Bình còn là cựu chiến binh nhưng rất nhiệt tình, hỗ trợ người dân không ngại rủi ro", bà Hiếu chia sẻ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.