Những kiểu hành xử “lạ” liên tiếp xảy ra ở UBND phường Vĩnh Phúc
Sau khi nhận được Đơn Trình báo ghi ngày 25/11/2017 của Công ty Cổ phần Thành Luân (sau đây gọi tắt là Công ty) do Giám đốc Phạm Huy Hoàng ký và đóng dấu, có địa chỉ tại 279B Đội Cấn, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, Tạp chí điện tử Hòa nhập (sau đây gọi là Tạp chí) đã có Công văn số 285/2017/CV-ĐTHN chuyển đơn (Kèm theo hồ sơ) của Công ty tới Chủ tịch UBND quận Ba Đình, TP. Hà Nội để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Sau đó, ngày 1/12/2017, Tạp chí có đăng bài “Cách hành xử của UBND phường Vĩnh Phúc có vi phạm pháp luật..?” trong mục Hộp thư Bạn đọc. Từ đó đến nay, Tạp chí vẫn không nhận được bất cứ thông tin phản hồi nào từ các cơ quan trên.
Hồ sơ của Công ty Cổ phần Thành Luân |
Song đến ngày 30/1/2018, Tạp chí lại nhận được Đơn Đề nghị ghi ngày 15/1/2018 của Công ty “V/v làm vi hiến của UBND phường Vĩnh Phúc - Quận Ba Đình - TP Hà Nội”.
Để rộng đường dư luận, Tạp chí sẽ cung cấp tới bạn đọc những thông tin liên quan tới vụ việc này.
Diễn tiến vụ việc
Theo như hồ sơ mà Tạp chí nhận được, thì Công ty có 600m2 đất và 02 căn nhà cấp 4 trên đó. 02 căn nhà cấp 4 và mảnh đất này là do các hộ dân ở địa phương giao cho anh em thương binh quyền quản lý và sử dụng từ năm 2001. Nguồn gốc đất là do các hộ dân khai hoang từ năm 1966 và sử dụng từ đó. Ngày 15/2/2003 10 anh em này đã viết giấy xin góp đất vào Công ty cổ phần Thành Luân để Công ty quản lý và sử dụng.
Từ đó đến nay Công ty quản lý và sử dụng rất có hiệu quả, đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho anh em thương binh - người khuyết tật trong Công ty và không có ai tranh chấp trong việc quản lý và sử dụng mảnh đất này.
Nhưng sự việc tranh chấp quyền quản lý và sử dụng mảnh đất này bắt đầu khi Công ty lắp đặt biển hiệu của Công ty tại đây.
Theo Đơn Đề nghị ngày 15/1/2018 của Công ty gửi Tạp chí có đoạn viết: “Khi chúng tôi lắp đặt biển hiệu của công ty theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 thì UBND phường Vĩnh Phúc đã ban hành hàng loạt các văn bản gửi cho chúng tôi như:
- Văn bản số 286/UBND yêu cầu Công ty cổ phần Thành Luân chấm dứt việc sử dụng đất trái quy định tại điểm đất tại ngõ 465 phố Đội Cấn (gần nhà trụ sở UBND phường Vĩnh Phúc – đang xây dựng).
- QĐ số 242/QĐ-UBND ngày 28/8/2017 v/v đình chỉ thi công xây dựng CT VPTTXDĐT để buộc chúng tôi phải tháo dỡ biển hiệu Công ty.
- QĐ số 253/QĐ-UBND ngày 6/9/2017 v/v cưỡng chế phá dỡ CT VP TTXDĐT là biển hiệu của Công ty cổ phần Thành Luân.
Khi nhận được các văn bản này, chúng tôi đã có đơn trình bày kiến nghị và khiếu nại gửi tới UBND phường Vĩnh Phúc - quận Ba Đình và TP Hà Nội cùng các cơ quan chức năng có liên quan để đề nghị xem xét và giải quyết. Và một lần nữa chúng tôi khẳng định là đất đai nhà cửa và tài sản trên đất của chúng tôi tại đây là của chúng tôi. Chúng tôi không lấn chiếm…”.
Thế mà vào hồi 17h30 ngày 22/11/2017 trong lúc Công ty không có ai trực thì UBND phường Vĩnh Phúc cho người đến dựng rào chắn bịt cửa nhà. Thậm chí, khi người của Công ty về đến nhà thì có 4 tên côn đồ mang hung khí đến đe dọa và đuổi người của Công ty ra khỏi nhà và đất của mình.
Sau khi sự vụ này xảy ra, ngày 25/11/2017 Công ty đã có Đơn trình báo gửi tới các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng có liên quan để đề nghị xem xét và giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trong lúc Công ty đang mong mỏi và chờ đợi các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng có liên quan giải quyết vụ việc, thì vào hồi 17h30, ngày 9/12/2017 UBND phường Vĩnh Phúc lại cho người lén lút lắp đặt camera để quan sát, theo dõi mọi hoạt động của Công ty tại khu nhà và mảnh đất này.
Rồi tiếp đến, ngày 25/12/2017 UBND phường Vĩnh Phúc lại cho lắp đặt trên bờ tường nhà đang xây trụ sở của UBND để chiếu sáng toàn bộ khu đất và nhà của Công ty. Phải chăng, cách làm này là để hỗ trợ cho việc hoạt động của camera quan sát được rõ nét hơn..?
Đơn Đề nghị ngày 15/1/2018 của Công ty |
Những điều cần bàn
Trong khi mọi tranh chấp về quyền quản lý và sử dụng mảnh đất trên, Công ty vẫn còn đang khiếu nại và chờ các cấp có thẩm quyền giải quyết, song với ba cách hành xử trên của UBND phường Vĩnh Phúc là không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, để thực thi Luật Đất đai 2013, Chính phủ đã ban hành một loạt các nghị định như: Trong ngày 15/5/2014, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định (Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai; Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất và Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất). Thậm chí để Luật Đất đai phù hợp với cuộc sống và phát huy hiệu quả hơn, ngày 6/1/2017, Chính phủ lại ban hành tiếp Nghị định số 01/2017/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Và căn cứ vào 4 nghị định trên, ngày 29/3/2017, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND Quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP. Hà Nội về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Hà Nội. Và để Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đi vào cuộc sống, ngày 12/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 166/2013/NĐ-CP Quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và ngày 10/11/2014, Chính phủ lại ban hành tiếp Nghị định số 102/2014/NĐ-CP về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Chỉ bấy văn bản viện dẫn trên cũng đủ để cho UBND phường Vĩnh Phúc nghiên cứu, áp dụng trong việc xử lý những hành vi vi phạm của Công ty (nếu có), chứ không đến nỗi phải áp dụng “luật rừng” như kiểu hành xử ngày 22/11/2017 và hành xử kiểu vi hiến như ngày 25/11/2017 và 25/12/2017.
Quận Ba Đình là Trung tâm chính trị của cả nước mà để cho UBND phường Vĩnh Phúc liên tiếp có kiểu hành xử sai trái trên thì thật là phản cảm. Rất mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm vào cuộc, xử lý nghiêm những cán bộ coi thường kỷ cương phép nước, để mọi cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, dân cư trong quận nêu cao tinh thần “Thượng tôn pháp luật”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.