Những kỷ niệm đi cùng năm tháng của Quân đoàn 3 và Sư đoàn 320 (tiếp theo)
Đây là nơi xuất phát các cuộc hành quân càn quét, đánh phá, san bằng hàng ngàn nhà cửa, ruộng vườn, gây nhiều tội ác cho nhân dân Củ Chi và các vùng lân cận. Để bảo vệ căn cứ này, Mỹ - ngụy đánh phá hủy diệt vùng tây và tây bắc Củ Chi, kéo tới sông Sài Gòn, biến vùng này thành một vành đai trắng (vùng tự do bắn phá).
Xung quanh căn cứ này, địch xây dựng hệ thống chướng ngại vật kiên cố, phức tạp với hàng chục lớp hàng rào kẽm gai đủ loại, bãi mìn chống xe tăng, chống bộ binh dày đặc 2 lớp, tường đất cao 1,2m dày 1m; có các lô cốt ụ súng và hào giao thông nối liền các phân khu. Căn cứ chia thành nhiều khu vực, có đường cơ động cho xe tăng, xe bọc thép, có sân bay, các loại máy bay chiến đấu, máy bay vận tải C130 có thể cất và hạ cánh được; hệ thống thông tin liên lạc là một trong những trung tâm viễn thông lớn và hiện đại, có thể liên lạc với bất cứ nơi nào trong khu vực. Căn cứ Đồng Dù được ví như một thành phố quân sự.
Do vị trí quan trọng của nó nên từ lâu Mỹ - ngụy đã ra sức xây dựng Đồng Dù thành căn cứ xuất phát hành quân hỗn hợp quy mô lớn ra các vùng Củ Chi, Bầu Bàng, Bến Cát, Bến Súc (Tây Ninh). Tháng 6/1966 và tháng 1/1969, căn cứ Đồng Dù đã bị đặc công, pháo binh của bộ đội chủ lực miền cùng quân và dân Củ Chi tập kích, tiêu diệt hàng trăm lính Mỹ, trong đó có sở chỉ huy sư đoàn 25 Mỹ (Tia chớp nhiệt đới), phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh (làm náo động trong giới quân sự Mỹ).
Năm 1975, khi Sư đoàn 320 tiến công Đồng Dù, trong căn cứ có: Bộ tư lệnh Sư đoàn 25 ngụy, ban chỉ huy trung đoàn 50, tiểu đoàn bộ binh 2, trung đoàn 50, một trung tâm huấn luyện tân binh, hạ sỹ quan và các tiểu đoàn: pháo binh, thiết giáp, trinh sát, thám báo, công binh, thông tin, tiếp vận, quân y và chiến tranh chính trị. Pháo binh trong Đồng Dù liên tục duy trì 18 đến 20 nghìn quả từ 105mm đến 175mm (trong đó có 4 khẩu pháo 175mm - vua chiến trường) có thể bắn cự ly 10km đến 30km, quân số khoảng 3.000 lính. Các lực lượng khác của Sư đoàn 25 ngụy đóng ở ngoại vi: tiểu đoàn bộ binh 3, trung đoàn 50 ở Ấp Mới, tiểu đoàn bộ binh 1, trung đoàn 50 ở Trảng Bàng, chi đoàn thiết giáp ở Trảng Bàng, trung đoàn 46 ở Đồng Chùa, Suối Sâu; trung đoàn 49 ở Tà Võ, Bản Kéo.
Ngoài ra, 4 tiểu đoàn bảo an dân vệ: tiểu đoàn 233, tiểu đoàn 331, tiểu đoàn 305 và tiểu đoàn 320 đứng xung quanh căn cứ Đồng Dù.
Có thể nói, hệ thống phòng thủ căn cứ Đồng Dù là một hệ thống phòng thủ chặt chẽ, có hoả lực mạnh, lực lượng đông, căn cứ phụ cận sẵn sàng chi viện và đánh chặn từ xa.
Cờ Mặt trận giải phóng miềm Nam Việt Nam bay trên căn cứ Đồng Dù
18 giờ ngày 28/4/1975, tại một khu rừng thuộc xã Hố Bò (nay là xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi), Sư đoàn 320 làm lễ xuất trận (có lực lượng vũ trang và nhân dân vùng giải phóng ở đây tham dự). Lễ xuất trận thể hiện quyết tâm chiến đấu và chiến thắng trong trận này, trận mở màn (hướng chủ yếu) của Quân đoàn 3 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Chính ủy Sư đoàn thượng tá Bùi Huy Bổng trực tiếp trao lá cờ tám chữ vàng truyền thống của Sư đoàn “Đoàn kết, nghiêm túc, dũng cảm, chiến thắng” cho tiểu đoàn bộ binh 1 (trung đoàn 48) đơn vị đảm nhiệm mũi đột kích chủ yếu (trên hướng tiến công chủ yếu) của trung đoàn 48 trong trận này.
Sư đoàn 320 sử dụng lực lượng tiến công tiêu diệt căn cứ Đồng Dù theo phương án tác chiến sau:
- Trung đoàn 48 do Trung đoàn trưởng Lê Quang Bình trưởng, Chính ủy Đinh Hữu Tấn chỉ huy, được tăng cường 1 đại đội xe tăng (8 chiếc) và 3 khẩu pháo bắn trực tiếp (2 khẩu 105mm, 1 khẩu 85mm) và được pháo binh sư đoàn, pháo binh chiến dịch chi viện đột phá trên hướng chủ yếu đánh từ tây bắc.
- Trung đoàn 9 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Ấn và Chính ủy Vũ Xuân Sinh đột phá trên hướng tiến công thứ yếu đánh từ tây nam vào. Trung đoàn bộ binh 9 (thiếu) được tăng cường 1 đại đội xe tăng (4 chiếc), tiểu đoàn súng máy cao xạ 12ly7, 2 khẩu pháo cối 120 ly
- Tiểu đoàn bộ binh 6 (trung đoàn bộ binh 9) làm lực lượng dự bị cho sư đoàn.
- Trung đoàn pháo binh 54 và tiểu đoàn pháo 155 của trung đoàn 40 tổ chức cụm pháo binh hỗn hợp bố trí ở tây nam Nhuận Đức chi viện trực tiếp cho hai hướng đánh Đồng Dù.
- Trung đoàn cao xạ 593 (thiếu) có nhiệm vụ tiêu diệt máy bay, bảo vệ sở chỉ huy và các trận địa pháo.
2 giờ 30 phút ngày 29 tháng 4, Sư đoàn 320 triển khai xong lực lượng tiến công Đồng Dù. Các cụm pháo binh của quân đoàn gồm Trung đoàn 40, Trung đoàn 675 và cụm pháo binh Sư đoàn 320 bắt đầu bắn phá căn cứ Đồng Dù. Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 48) do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Quang Vinh và chính trị viên Nguyễn Văn Thư chỉ huy. Vinh và Thư là hai cán bộ trẻ, trưởng thành trong chiến đấu, có nhiều thành tích và kinh nghiệm chỉ huy đột phá trong những trận đánh quan trọng của Sư đoàn như trận Làng Siêu, Thuần Mẫn. Nhưng trước một căn cứ lớn, phòng thủ mạnh, yêu cầu chỉ được phép đánh thắng trong một thời gian ngắn, các anh không khỏi băn khoăn.
Sau này Nguyễn Quang Vinh tâm sự: "Trước khi bước vào trận đánh, cán bộ, chiến sĩ cả Tiểu đoàn quyết tâm rất cao, mọi người đều sẵn sàng đón nhận hy sinh trước giờ thắng lợi. Nhưng là người chỉ huy tôi phải chịu trách nhiệm trước xương máu của họ. Do đó, Ban chỉ huy Tiểu đoàn đã bàn đi bàn lại, phát huy dân chủ quân sự để anh em hiến kế đánh phải thắng, nhưng không phải thắng bằng mọi giá mà phải tính sao cho hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà tốn ít xương máu nhất”.
Phương án lúc đầu, đơn vị sẽ dùng bộc phá đánh liên tục để phá rào. Đại đội 3, đơn vị đảm nhiệm mở cửa và đánh chiếm đầu cầu, được lệnh khẩn trương gói buộc bộc phá. Mặt khác, Tiểu đoàn 1 đề nghị trên cho phép dùng mìn định hướng mở cửa. Đề nghị của Tiểu đoàn 1 được Bộ Tư lệnh Sư đoàn 320 chấp nhận. Bộ Tư lệnh quân đoàn phân công đồng chí Kim Tuấn - Phó tư lệnh trực tiếp chỉ huy trận đánh.
17 giờ ngày 28/4, đồng chí đã có mặt tại Sở chỉ huy Sư đoàn 320.
Theo hiệp đồng chung, Sư đoàn 320 chỉ được phép dứt điểm căn cứ Đồng Dù trong thời gian từ 5 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút. Như vậy, chỉ trong vòng 5 tiếng đồng hồ Sư đoàn phải làm chủ một căn cứ rộng lớn, địch phòng thủ kiên cố, đó là một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Nhưng đó là thời điểm tốt nhất để Sư đoàn 10 vượt qua cửa mở này tiến vào nội đô.
5 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, Sư đoàn 320 nổ súng tiến công căn cứ Đồng Dù: Ở hướng chủ yếu, Đại đội 3 (Tiểu đoàn 1) do Đại đội trưởng Trần Nhật Tăng và chính trị viên Đào Xuân Sáng chỉ huy mở cửa. Đại đội 3 vừa mở được 2 lớp rào thì địch phát hiện hướng cửa mở, chúng bắn như đổ đạn vào đội hình quân ta. Bộ đội bị chặn lại không tiến lên được. Đại đội trưởng Trần Nhật Tăng tập trung hỏa lực yểm hộ cho phân đội mở cửa. Dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Nguyễn Hữu Dóng, chiến sĩ ta người trước ngã, người sau xông lên phá hết lớp rào này đến lớp rào khác cho đến khi khai thông cửa mở.
Cửa mở thông, Trung đội trưởng thọc sâu Vũ Văn Sơn dẫn đầu đánh chiếm lô cốt đầu cầu. Anh em vừa tiến lên thì bị chiếc xe tăng M.41 đặt ngầm trong tường đất dùng súng 12ly8 bắn như vãi đạn, bộ binh ùn lại. Trước tình hình đó, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Quang Vinh đã lên trực tiếp chỉ huy đột phá. Sau khi quan sát, Tiểu đoàn trưởng Vinh nói với anh em: Ta ở dưới sườn dốc bắn lên, đường đạn cao vì vậy không diệt được xe tăng địch. Hiểu được ý Tiểu đoàn trưởng, nhìn đồng đội thương vong, Sơn bặm môi suy nghĩ giây lát rồi anh bò lên nhặt một khẩu B.40 của một xạ thủ vừa bị thương. Kiểm tra lại súng đạn, Vũ Văn Sơn bật đậy đứng thẳng người siết cò. Quả đạn B.40 lao vút vào chiếc xe tăng địch. Một đụn khói đen bốc lên sau tiếng nổ dữ dội. Chớp thời cơ, Chính trị viên Sáng lệnh cho Đại đội 3 xung phong.
Trên hướng cửa mở thứ hai do Đại đội 1 phụ trách, tình hình cũng tương tự như hướng Đại đội 3. Đại đội trưởng Nguyễn Công Bạ phát hiện chiếc xe tăng M.41 nấp sau ụ đất lớn chĩa nòng pháo ra cửa mở trút đạn. Bạ dẫn Nguyễn Tiến Ngọ, chiến sĩ B.41 lên cùng với anh. Đại đội trưởng Nguyễn Công Bạ nổ tiểu liên thu hút sự chú ý của địch lại phía mình, Ngọ tranh thủ thời cơ giương súng nhằm chiếc xe tăng, ấn cò. Chiếc xe tăng bị tiêu diệt. Tuy vậy, tuyến công sự vòng ngoài của địch vẫn bắn mạnh. Một số chiến sĩ Trung đội mở cửa bị thương vong. Tình hình trở nên phức tạp. Nguyễn Công Bạ lấy khẩu B.40 của một chiến sĩ bị thương rồi gọi bộc phá viên Lê Văn Sử cùng lên. Bạ dùng B.40 diệt ụ đại liên địch, chi viện cho Sử phá tung hàng rào cuối cùng, mở thông cửa mở. Đại đội 1 vượt qua cửa mở đánh chiếm tuyến công sự thứ nhất lúc 7 giờ 30 phút.
8 giờ, xe tăng trên hướng chủ yếu được lệnh tham gia đột phá. Đại đội 3 lọt được một bộ phận vào bên trong bờ tường đất. Nhưng xe tăng và bộ phận phía sau vừa tiến vào cửa mở thì bị đạn chống tăng của địch từ trong căn cứ bắn ra làm 3 chiếc xe tăng của ta bốc cháy cản đường. Trước tình hình đó, Trung đoàn trưởng Lê Quang Bình lệnh cho Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Nguyễn Hữu Hạ cho bộ đội vượt qua cửa mở đánh vào bên trong. Tiểu đoàn trưởng Hạ dẫn đầu đơn vị vượt qua lửa đạn dày đặc của địch đánh vào căn cứ.
8 giờ 30 phút, Tiểu đoàn 2 và Đại đội 3 (Tiểu đoàn 1) phát triển đến khu vực bãi xe của Tiểu đoàn công binh địch. Lúc này Đại đội 3 (Tiểu đoàn 1) thương vong nhiều, sức chiến đấu giảm. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 cho Đại đội 3 dừng lại củng cố vị trí đứng chân và tung nốt Đại đội 2 vào cùng Đại đội 1 phối hợp với Tiểu đoàn 2 chiến đấu. Trận đánh diễn ra mỗi lúc một thêm quyết liệt, Chính trị viên Tiểu đoàn 2 hy sinh. Trên hướng Tiểu đoàn 3 (hướng chủ yếu), bộ đội vẫn chưa vào được trong căn cứ. Chỉ huy Trung đoàn 48 lệnh cho Tiểu đoàn theo cửa mở Tiểu đoàn 1 đánh vào.
Nguyễn Hữu Hạ nắm lại tình hình, rồi quyết định cho Đại đội 6 còn sung sức tiếp tục phát triển, đồng thời tung Đại đội 4, Đại đội 5 củng cố những khu vực Đại đội 3 và Đại đội 2 Tiểu đoàn 1 chiếm được để mở đường cho xe tăng lên tham gia đột kích. Hướng Trung đoàn 9 do anh Nguyễn Văn Ấn - Trung đoàn trưởng, Vũ Xuân Sinh - Chính ủy vừa phải mở cửa đánh vào Đồng Dù vừa phải tổ chức đánh quân của Sư đoàn 25 từ Tây Ninh kéo về.
Đứng trước một căn cứ rộng lớn, nhà san sát thật khó xác định đâu là Sở chỉ huy địch, Nguyễn Hữu Hạ tìm một vị trí có lợi quan sát rồi chỉ thị cho Đại đội trưởng Đại đội 6 nhằm hướng có cột ăng-ten lớn cho bộ đội phát triển chiến đấu. Các chiến sĩ Đại đội 1 (Tiểu đoàn 1) và Đại đội 6 (Tiểu đoàn 2) hiệp đồng chặt chẽ, phát triển tiến vào Sở chỉ huy Sư đoàn 25 ngụy.
Sau những phút choáng váng và hoảng loạn bị pháo binh đủ loại của ta dội xuống các mục tiêu trong căn cứ, địch đã dần dần hồi tỉnh trở lại và biết được các hướng tiến công của ta, chúng bắt đầu phản ứng quyết liệt. Để đẩy lực lượng ta ra, chúng dùng pháo bắn thẳng, xe tăng, thiết giáp, bộ binh ra phản kích nhằm bịt lấp các cửa mở, chúng sử dụng cả loại đạn cối có chất độc hóa học, máy bay đánh bom vào đội hình của ta, đồng thời chúng điều lực lượng Sư đoàn 25 ngụy và các lực lượng ở bên ngoài đánh bên sườn phía sau đội hình tiến công của ta trên các hướng.
Cuộc chiến đấu vô cùng cam go và ác liệt, nhưng với ý chí quyết tâm, tinh thần chiến đấu ngoan cường, mưu trí dũng cảm, người trước bị thương, hy sinh, người sau tiến công không do dự.
Cùng thời điểm này, đội hình binh chủng hợp thành của Sư đoàn 10 theo đường số 1 tiến vào Sài Gòn. Nguyễn Hữu Hạ hô lớn: Sư đoàn 10 đã vượt qua rồi, anh em ta hãy xông lên! Bị đánh mạnh ngay trong căn cứ, nay lại thấy xuất hiện một lực lượng lớn xe tăng, pháo binh, xe bọc thép chở quân tiến vào Sài Gòn, cả quan lẫn lính Sư đoàn 25 ngụy vô cùng khiếp đảm. Tranh thủ thời cơ, các chiến sĩ xe tăng theo sát bộ binh, dùng pháo và đại liên trên xe bắn áp đảo địch, chi viện cho bộ binh xung phong.
Đúng 11 giờ, Đại đội 1 (Tiểu đoàn 1) và Đại đội 6 (Tiểu đoàn 2) Trung đoàn 48 làm chủ Sở chỉ huy Sư đoàn 25 ngụy.
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, lá cờ truyền thống của Sư đoàn đã được đại đội 1, tiểu đoàn 1 trung đoàn 48 cắm trên nóc Sở chỉ huy Sư đoàn 25 ngụy. Ta làm chủ hoàn toàn căn cứ Đồng Dù Củ Chi.
(còn nữa)
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.