Những kỷ niệm đi cùng năm tháng của Quân đoàn 3 và Sư đoàn 320 (tiếp theo)
Trung đoàn 64 do Trung đoàn trưởng Trần Văn Thân và Chính ủy Nguyễn Văn Đác chỉ huy. Đêm 28 rạng 29/4/1975, trung đoàn 64 và trung đoàn 198 đặc công thực hành luồn sâu, áp sát các mục tiêu: cầu Bông (trên đường số 1), cầu Sáng (trên đường số 15) và một số mục tiêu khác dọc hai tuyến đường huyết mạch này.
Hướng cầu Bông: 3 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, tiểu đoàn 20 của trung đoàn 198 đặc công bất ngờ tập kích địch ở đầu cầu; tiểu đoàn 81 biệt kích dù chống trả quyết liệt. Sư đoàn 10 kịp thời đưa đại đội 10 (tiểu đoàn 9), trung đoàn 64 vào tiếp sức. Trận đánh kéo dài 50 phút, ta làm chủ cầu Bông.
Hướng cầu Sáng: 5 giờ sáng ngày 29/4/1975 chỉ có một trung đội của trung đoàn 198 mới nổ súng được, địch dồn về phía nam cầu chống cự quyết liệt. Đại đội 3, tiểu đoàn 7, trung đoàn 64 đang ở cách cầu Sáng 1km đã chủ động khẩn trương, bất ngờ đánh vào cụm quân địch, chúng tan rã, lực lượng đặc công và tiểu đoàn 7 làm chủ cầu Sáng.
Sau khi làm chủ hai cây cầu quan trọng trên đường số 1 và đường số 15, đại đội 10 (tiểu đoàn 9) và lực lượng của trung đoàn 198 đặc công phối hợp triển khai chốt giữ, gỡ các khối thuốc nổ địch gài các chân cầu và phát triển tiến công chiếm thành Quan Năm. Trung đoàn 64 sử dụng cả ba tiểu đoàn đánh vào các mục tiêu: tiểu đoàn 7 (trung đoàn 64) theo trục đường 15 đánh vào quận lỵ Hóoc Môn, làm chủ Hóoc Môn; tiểu đoàn 8 (trung đoàn 64) và đại đội 11 (tiểu đoàn 9) tiêu diệt tiểu đoàn 99 biệt động quân, làm chủ ấp chợ, sau đó đánh tan một đoàn xe từ Hậu Nghĩa về Cầu Bông.
Trong khi tiếng súng mở đường còn đang nổ vang trên hướng cầu Bông, cầu Sáng và ở căn cứ Đồng Dù, thì lúc 5 giờ 30 phút ngày 29/4/1975 đội hình thọc sâu, binh chủng hợp thành của sư đoàn 10 gồm 347 xe cơ giới các loại, trong đó có 49 xe tăng và xe bọc thép, 42 xe kéo pháo và 80 xe kéo pháo phòng không chia thành hai cánh rời vị trí xuất phát tiến về Sài Gòn.
Đường vào Sài Gòn đã thông, lực lượng thọc sâu hùng hậu của quân đoàn tiến thẳng vào nội đô, đánh chiếm các mục tiêu được phân công.
Chiến thắng Đồng Dù ta đã tiêu diệt 500 lính, bắt sống 2.269 lính, thu 4.909 súng pháo các loại, (trong đó có 2 khẩu pháo 175 – vua chiến trường) thu trên 100 máy thông tin quân sự, 2 máy bay, thu và phá hủy 423 xe quân sự (23 xe tăng và xe thiết giáp), toàn bộ kho tàng và phương tiện chiến tranh. Lý Tòng Bá cùng một số sĩ quan cao cấp khác đã tháo chạy lúc căn cứ Đồng Dù bị tấn công. Chiều 30/4/1975 Lý Tòng Bá đã ra đầu thú và bà Lê Thị Sương (bà Năm Sương) chính trị viên du kích Củ Chi dẫn Lý Tòng Bá giao cho Sư Đoàn 320.
Trận đánh Đồng Dù - Củ Chi ngày 29 tháng 4 năm 1975 là trận đánh mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh của Quân Đoàn 3. Đây là trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô cấp Sư Đoàn do Quân Đoàn trực tiếp chỉ huy trong điều kiện thời gian gấp, địa hình mới lạ, đánh địch trong căn cứ lớn có công sự vững chắc. Các đơn vị hiệp đồng chặt chẽ, nổ súng đúng thời gian, tiến công kiên quyết dũng cảm và làm chủ Căn cứ Đồng Dù đúng thời điểm theo kế hoạch tác chiến được giao.
Trận đánh thắng lợi đã mở cánh cửa thép phía tây bắc Sài Gòn, phá thế phòng ngự vòng ngoài của quân lực VNCH để lực lượng của Quân Đoàn thọc sâu vào đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu của chiến dịch là sân bay Tân Sơn Nhất và bộ tổng tham mưu ngụy, góp phần quan trọng vào chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975. Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi vẻ vang, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. “Ngày 2/5/1975 Bộ tư lệnh quân đoàn ra chỉ thị (số 368/M2) thống nhất quản lý khu vực và chỉ đạo, chỉ huy cho các đơn vị trong quân đoàn, trong đó Sư đoàn 320 phụ trách khu vực 3 gồm địa bàn cầu Bông, cầu Sáng, Đồng Dù, Củ Chi và phía bắc 2km. Lực lượng bố trí gồm sư đoàn 320, trung đoàn phòng không 593, trung đoàn pháo binh 40. Sư đoàn 320 thu dọn chiến trường, ổn định nơi ăn ở, củng cố đơn vị, giải quyết những vấn đề liên quan khác về chế độ chính sách cho cán bộ và chiến sĩ trong sư đoàn, đồng thời chờ nhiệm vụ mới.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 -30/4/2020), xin kính chúc các thủ trưởng, các chiến binh, các đồng chí, thân nhân các gia đình thương binh liệt sỹ, các đồng chí thương bệnh binh sức khỏe, gia đình hạnh phúc, có nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử bộ đội chủ lực mặt trận Tây Nguyên quân đoàn 3, biên niên sự kiện (1964-2000), NXB QĐND, Hà Nội – 2002;
- Ký ức đời binh nghiệp (Hồi ký - Trung tướng Khuất Duy Tiến), NXB QĐND, Hà Nội – 2012
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.