Nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ
Lực lượng chức năng khắc phục sạt lở trên tuyến đường đi Cột cờ Lũng Cú. Ảnh: Báo Hà Giang |
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTTTKCN) các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, mưa, lũ từ ngày 9-11/9 đã làm 7 người chết, 1 người mất tích, 5 người bị thương với nhiều thiệt hại nghiêm trọng.
Tại Hà Giang, trong hai ngày 11 và 12/9, nhiều đoàn công tác của tỉnh Hà Giang đã đi kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Yên Minh. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến đã thăm hỏi một số gia đình bị lũ cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa và hỗ trợ mỗi gia đình 5 triệu đồng, động viên người dân từng bước khắc phục khó khăn ổn định đời sống.
Ông Nguyễn Minh Tiến chỉ đạo UBND huyện Yên Minh chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng, thực hiện công tác khắc phục thiên tai, trước mắt là tập trung giải quyết khó khăn về nước sinh hoạt và thiệt hại ở các trường học để học sinh sớm được đi học trở lại; phát huy phương châm “4 tại chỗ”, thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn…
Hiện nay Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã cử trên 100 cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện như xe cứu hỏa lên hỗ trợ huyện Yên Minh. Các tổ công tác này sẽ tập trung giải quyết các vấn đề về nước sinh hoạt, dọn dẹp đất đá, phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực thị trấn Yên Minh. Đặc biệt, ưu tiên các trường học, bệnh viện, giúp dân tại nơi ở tạm và có phương án làm nhà ở mới cho người dân.
Đến chiều 12/9, trên tất cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, ách tắc giao thông do mưa lũ, Sở GTVT Hà Giang đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với đơn vị thi công khẩn trương khắc phục sự cố. Tuy nhiên, do khối lượng đất đá sạt lở lớn, ở nhiều địa phương trời vẫn còn mưa, nên công tác khắc phục sạt lở gặp rất nhiều khó khăn.
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương cần tiếp tục chủ động ứng trực 24/24 giờ, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Theo thống kê sơ bộ tính, đến chiều 12/9, tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra tại các địa phương ở Hà Giang vào khoảng 32 tỷ đồng.
Trong ngày 10 và 11/9, nhiều địa phương ở Thái Nguyên tiếp tục có mưa rào và dông. Để chủ động phòng tránh, ứng phó với diễn biến của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, kịp thời khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành công văn chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai ngay công tác ứng trực, các biện pháp ứng phó, khắc phục thiệt hại do thiên tai.
Theo đó, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra theo chức năng, nhiệm vụ được giao; bổ sung phương án phòng, chống thiên tai phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, báo cáo UBND tỉnh qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTTTKCN tỉnh; chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, nhân lực, vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm phục vụ công tác ứng phó thiên tai trên địa bàn để sử dụng khi có yêu cầu.
Tổ chức, chỉ đạo phòng chuyên môn nhanh chóng thông báo rộng rãi cho nhân dân về tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả, canh, phòng ở những nơi có ngầm tràn đảm bảo an toàn cho người dân.
Phối hợp với Sở GTVT, Công an tỉnh thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản trước, trong và sau thiên tai…
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã có khuyến cáo bà con áp dụng các biện pháp khôi phục sản xuất.
Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và sản xuất, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ đang được các địa phương ở tỉnh Tuyên Quang khẩn trương triển khai.
Cụ thể, tại huyện Na Hang, các hộ có nhà bị sập hoàn toàn được UBND huyện Na Hang hỗ trợ tạm thời 5 triệu đồng/hộ; nhà hư hỏng nặng 3 triệu đồng/hộ; đồng thời bố trí tạm thời nơi ở trong lúc khó khăn. Đối với các gia đình có nhà bị sập đổ, đất, đá sạt lở vào nhà, UBND các xã đã huy động dân quân hỗ trợ thu dọn, tháo dỡ di chuyển đến nơi an toàn.
Ngoài ra, tại các điểm bị sạt lở trên các tuyến đường ở huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên gây ách tắc giao thông, lực lượng chức năng đang san gạt, thu dọn. Một số tuyến đường huyết mạch đã được thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Về sản xuất nông nghiệp, ngay khi nước rút lúa và hoa màu của người dân đã buộc, dựng lại chờ nắng ráo để tiến hành thu hoạch.
Ngày 12/9, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội đã hỗ trợ cho tỉnh Tuyên Quang 100 triệu đồng, trong đó hỗ trợ riêng gia đình có 3 người bị thiệt mạng do mưa lũ ở xã Minh Hương, huyện Hàm Yên 30 triệu đồng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.