Nữ cựu chiến U70 dồn sức thiện nguyện, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn
Người phụ nữ ấy tên Đỗ Thị Ngon, hay còn gọi cô Tư Ngon – nguyên Chủ tịch Hội người tàn tật, bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long). Cô Tư Ngon sinh ra tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp), nhưng cuộc đời lại gắn chặt với vùng đất Bình Minh từ cuối năm 1967 đến nay.
Năm 1968, sau khi học xong lớp hộ sinh, cô Tư Ngon được phân công về nhận nhiệm vụ tại trạm y tế xã Mỹ Thuận (nay là huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long). Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, cô Tư Ngon và các nhân viên trạm y tế đã tích cực tham gia việc cứu chữa thương binh.
Đến đầu năm 1969, cô tình nguyện nhập ngũ vào Tiểu đoàn 857 (tỉnh Vĩnh Long), sau đó được đơn vị đưa đi bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ về cứu thương, y tá. Ít năm sau, cô Tư Ngon thi đỗ vào Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, khi tốt nghiệp ra trường cô về công tác tại thành phố Vĩnh Long với nhiều chức vụ trong ngành y tế.
Năm 1992 cô Tư Ngon nghỉ hưu theo chế độ, cùng gia đình chuyển về sinh sống tại thị xã Bình Minh - một vùng đất đã gắn bó với cô trong suốt chặng đường tham gia kháng chiến.
Về hưu là để nghỉ ngơi, nhưng với cô Tư Ngon lúc này mới có thời gian toàn tâm, toàn ý cho công tác thiện nguyện trên cương vị là Chủ tịch Hội người tàn tật, bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo thị xã Bình Minh.
Cô Tư Ngon vẫn hăng say trong công tác thiện nguyện dù tuổi đã cao (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)
Cô Tư Ngon chia sẻ, những ngày đầu thành lập Hội rất khó khăn, hầu như là "3 không" (không biết phải làm như thế nào, không có cơ sở hoạt động, không có kinh phí hoạt động). Với phương châm tự thân vận động, Hội đã đi gõ cửa từng cơ quan, doanh nghiệp, kêu gọi đồng chí, đồng đội, bạn bè gần xa để xin kinh phí làm từ thiện. Bằng sự nhiệt tình, cái tâm trong sáng và lòng nhân hậu, Hội ngày càng phát triển. Danh sách những người làm từ thiện, tham gia ủng hộ ngày càng "dày" lên.
Nhờ có nguồn kinh phí, có chỗ "an cư" mà hằng trăm người gặp khó khăn đã được Hội giúp đỡ. Người khuyết tật thì được hỗ trợ xe lăn, xe lắc để bán vé số kiếm sống; trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch, quèo tay chân bị hỏng thì được Hội hỗ trợ tiền chữa trị; học sinh nghèo học giỏi được cấp học bổng tiếp bước đến trường...
"Công tác thiện nguyện đã ăn vào máu của mình rồi, lúc nào cũng muốn giúp cho người nghèo khó. Tôi chấp nhận đóng cửa phòng mạch riêng để dồn sức cho công tác Hội. Trong 12 năm làm công tác Hội, cái được lớn nhất của tôi có được là tình cảm của bà con dành cho mình", cô Tư Ngon vui vẻ nói.
Chiếc xe máy là "bạn đồng hành" của cô trong mọi chuyến thiện nguyện. Những hoàn cảnh bệnh tật, gia đình khó khăn đều được cô giúp đỡ nhiệt tình. Thậm chí, có rất nhiều trường hợp bị mắc bệnh tim nặng đã vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết nhờ bàn tay của cô Tư.
Hiện nay, dù đã rời cương vị Chủ tịch Hội người tàn tật, bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo thị xã Bình Minh, nhưng hằng tháng cô Tư Ngon vẫn trích tiền lương hưu ít ỏi của mình để ủng hộ cho Đội xe chuyển bệnh từ thiện Bệnh viện Đa khoa Bình Minh, hỗ trợ viện phí cho những bệnh nhân đặc biệt khó khăn; tham gia thành lập trại hòm miễn phí để cung cấp hòm, đồ tẩm liệm cho những hộ nghèo khi có người thân qua đời; sẵn sàng tham gia đoàn khám bệnh miễn phí cho bà con nghèo vùng sâu, vùng xa…
Đặc biệt, cũng từ nghĩa cử cao đẹp của cô Tư Ngon, hơn 20 năm qua, Bệnh viện Đa khoa Bình Minh đã duy trì hiệu quả bếp ăn tình thương để giúp đỡ bệnh nhân nghèo.
Với những việc làm thiện nguyện hướng đến cộng đồng, bà Đỗ Thị Ngon được Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân vận Trung ương tặng Bằng khen và là một trong những điển hình của tỉnh Vĩnh Long về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tương tự, nữ cựu chiến binh, thương binh 4/4 Nguyễn Thị Hồng Tươi ngụ phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước nhiều năm qua cũng tích cực tham gia công tác thiện nguyện.
Hưởng ứng phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu, sản xuất kinh doanh giỏi, giàu lòng nhân ái, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, xóa nhà tạm và làm giàu chính đáng”, bà đã trao hàng ngàn phần quà tới các gia đình CCB, NNCDDC hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật, phụ nữ nghèo vùng sâu, xa, với số tiền gần 4 tỷ đồng. Ngoài ra, bà còn dành tặng rất nhiều phần quà vào dịp tết Trung thu hàng năm cho các cháu thiếu nhi, ủng hộ quỹ sinh viên nghèo vượt khó, quỹ tri ân đồng đội, quỹ khuyến học khuyến tài. Không chỉ trong tỉnh, bà Tươi cùng chồng là CCB Phạm Công Trường còn trao tặng số tiền 60 triệu đồng ủng hộ xây nhà tình nghĩa cho CCB khó khăn ở tỉnh Bình Dương và tặng quà cho nhân dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Công ty B58 do bà Nguyễn Thị Hồng Tươi làm Giám đốc đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng. Các cơ quan quản lý Nhà nước và Trung ương Hội CCB Việt Nam đã đến địa phương và vào rừng Chiến khu Đ kiểm tra nhiều lần, đều đánh giá công tác bảo vệ rừng tốt, rừng phát triển ổn định. Công ty B58 đã tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương, con em gia đình chính sách, các CCB với mức lương ổn định hàng tháng.
Cựu chiến binh Nguyễn Thị Hồng Tươi hiện là Ủy viên Thường vụ Hội Doanh nhân CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Bình Phước, Phó Cụm trưởng Cụm 6 - Hội Doanh nhân CCB Việt Nam.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.