PGS.TS. Võ Trí Hảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định (GDU), Trọng tài viên VIAC
Thiện nguyện là việc tích đức có từ ngàn xưa, hiển hiện trong ứng xử hằng ngày của người Việt.
Nhà nước ngày nay xác định thực hiện sứ mệnh thiện nguyện để cùng mang đến tổng phúc lợi xã hội tốt hơn cho nhân dân; phát huy sức mạnh, hiệu quả, lòng tin trong hoạt động thiện nguyện.
Ngày 5/6, Chính phủ Việt Nam ra mắt Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19 và phát động toàn dân, cả ở nước ngoài chung sức đồng lòng cùng Chính phủ. Hành động này chẳng những thể hiện truyền thống tốt đẹp của cha ông, phát huy đại đoàn kết mà còn thể hiện tư duy, tầm nhìn mới về một nhà nước phụng sự, lấy hiệu quả, phúc lợi của nhân dân làm đầu.
Để phong trào này được thể chế hoá thành một định chế bền vững, về mặt pháp lý cần phải khơi thông ba điểm nghẽn sau:
Thứ nhất, chuyển cơ chế thành lập quỹ từ “cơ chế xin cho” như hiện nay sang cơ chế đăng ký, tiền đăng hậu kiểm như chúng ta đã từng thay đổi với việc thành lập doanh nghiệp. Nếu có cơ chế thành lập Quỹ từ thiện thông thoáng sẽ tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức phát huy hết khả năng của mình, huy động các nguồn lực chăm lo cho nhân dân trong những lúc khó khăn.
Thứ hai, thuế và thiện nguyện đều hướng tới nâng cao phúc lợi cho người bị thiệt thòi, nâng cao phúc lợi xã hội, trong đó dành cho thiện nguyện thì có cảm giác “tích đức” nên dễ nhận được sự đồng thuận...
Thứ ba, trên cơ sở tạo cơ chế thông thoáng trong lập quỹ, cơ chế hoạt động lại càng phải minh bạch, về tài chính áp dụng cơ chế tương tự chế độ cáo bạch tài chính của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Và Bộ luật Hình sự cần bổ sung tội danh “bội tín” để răn đe những hành vi tư lợi tại các quỹ thiện nguyện.
Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19 có thể khởi đầu cho đột phá tư duy, cách làm mới trong huy động các nguồn lực của xã hội để làm thiện nguyện vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.